Đó là nội dung bia tưởng niệm do Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM khắc ghi như một sự tri ân, khi khánh thành tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở một vị trí trang trọng trong khuôn viên nhà điều hành ĐH Quốc gia TP.HCM ở TP.Thủ Đức.
Định vị tầm vóc
Nằm ở khu vực phía đông TP.HCM - đô thị phát triển bậc nhất VN, ĐH Quốc gia TP.HCM được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký nghị định thành lập vào năm 1995 (Nghị định 16 ngày 27.1.1995) nhằm kiến tạo một trung tâm đào tạo ĐH, sau ĐH và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục ĐH, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Với tổng diện tích hơn 643 ha theo mô hình đô thị ĐH hiện đại, ĐH Quốc gia TP.HCM là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu, lớn nhất VN với 35 đơn vị, trong đó hiện có 7 trường ĐH thành viên (Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH An Giang), 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên (Viện Môi trường và Tài nguyên), 2 khoa trực thuộc (Khoa Y, Khoa Chính trị - hành chính), 1 phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 24 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ…
Đại học Quốc gia TP.HCM khánh thành tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào tháng 6.2022 |
KHÁNH CHÂU |
Từ nhiều năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM đã chủ động cập nhật các xu hướng giáo dục tiến bộ nhất trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao vị thế và uy tín trong cộng đồng học thuật quốc tế. Với đội ngũ học giả gần 400 giáo sư, phó giáo sư và hơn 1.100 tiến sĩ, ĐH Quốc gia TP.HCM đang đào tạo hơn 90.000 sinh viên ĐH, gần 8.000 học viên cao học, hơn 1.000 nghiên cứu sinh.
“Thúc đẩy tiến bộ xã hội” là lý tưởng mà các ĐH hàng đầu thế giới theo đuổi. Đây cũng chính là sứ mạng mà ĐH Quốc gia TP.HCM cam kết thực hiện. Trải qua hơn 27 năm xây dựng và phát triển, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế, duy trì Top 801 - 1.000 các trường ĐH tốt nhất thế giới (QS World University Rankings), đạt vị trí 167 các ĐH tốt nhất châu Á (QS Asia). Đặc biệt năm 2022, ngành kỹ thuật dầu khí, được QS xếp hạng từ 50 - 100 thế giới. Và hiện nay ĐH Quốc gia TP.HCM đang là đơn vị dẫn đầu VN về số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế với 93 chương trình, chiếm trên 40% tổng số chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế của cả nước.
Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu xã hội, với thực tế sản xuất, với các khu vực trọng điểm về kinh tế, với đặc thù địa phương và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như phải gắn liền với sự bảo tồn về bản sắc dân tộc, bảo tồn tự nhiên và bảo vệ môi sinh, môi trường…
Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu khi thăm và làm việc tại ĐH Quốc gia TP.HCM ngày 11.2.1997
Gắn kết và phục vụ cộng đồng là một trong những giá trị cốt lõi mà ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng. Từ năm 2016 đến nay, toàn ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt khoảng 250 tỉ đồng. Cùng mạng lưới đối tác học thuật quốc tế là các tổ chức giáo dục hàng đầu từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc…
Điểm lại một số thành tựu cơ bản như vậy, để có thể hiểu rõ hơn giá trị to lớn, dấu ấn mang tính bước ngoặt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự hình thành và phát triển của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Quyết sách chiến lược
Đầu thập niên 1980, nền giáo dục ĐH VN đã bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Cơ chế bao cấp chi phối nền giáo dục ĐH VN từ mô hình quản lý đến công tác đào tạo, từ chỉ tiêu tuyển sinh đến phân công việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương “Kiên quyết sắp xếp lại mạng lưới các trường ĐH cho hợp lý, khắc phục tình trạng phân tán... Hình thành một số trường ĐH trọng điểm, đầu ngành của cả nước, ở đó tập trung nhiều thầy giỏi, trang thiết bị tốt để đào tạo cán bộ có chất lượng cao”. Thế nhưng, trong một thời gian dài chủ trương này vẫn không triển khai được.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghi sổ lưu niệm trong một lần trở lại thăm Đại học Quốc gia TP.HCM lúc sinh thời |
T.L |
Bước sang thập niên 1990, công cuộc đổi mới của VN đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng trên các lĩnh vực, cánh cửa giao lưu quốc tế được mở rộng. Yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước trở nên cấp bách. “Là một trong những kiến trúc sư hàng đầu của công cuộc đổi mới đất nước”, khi giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trăn trở, tìm giải pháp đưa chủ trương thành hiện thực. Ý tưởng và quyết tâm xây dựng các ĐH quốc gia, một mô hình mới về một nền giáo dục ĐH, đã được ông khai mào.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Khi cân nhắc, lượng sức mình thì thấy không có cách nào khác hơn là chọn một số trường mũi nhọn để nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện còn khó khăn, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển. Chính vì thế, sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học, giáo dục có uy tín, lúc bấy giờ Chính phủ quyết định thành lập 2 ĐH lớn là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM”. Quyết tâm của Thủ tướng nhận được sự đồng thuận cao của các nhà lãnh đạo và giới chuyên môn. Ngày 14.1.1993, Hội nghị T.Ư 4 (khóa VII) đã ban hành nghị quyết, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ: “Xây dựng một số trường ĐH trọng điểm quốc gia”...
Tầm nhìn thời đại
Dù bộn bề công việc của nhà lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn theo dõi và có những chỉ đạo kịp thời đối với sự hình thành và phát triển của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngày 11.2.1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành thời gian thăm và làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM. Thủ tướng không chỉ lắng nghe, ghi nhận mà còn có ý kiến chỉ đạo rất cụ thể về mục tiêu, sứ mệnh của ĐH Quốc gia TP.HCM: “Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu xã hội, với thực tế sản xuất, với các khu vực trọng điểm về kinh tế, với đặc thù địa phương và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như phải gắn liền với sự bảo tồn về bản sắc dân tộc, bảo tồn tự nhiên và bảo vệ môi sinh, môi trường…”.
Những chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã được lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp thu và triển khai thành những mục tiêu cốt lõi trong chiến lược phát triển những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Có thể nói, sự hình thành 2 ĐH quốc gia (ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội) rất nhanh chóng được thực tiễn kiểm nghiệm.
Khi đã nghỉ hưu, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn luôn dành sự quan tâm đến những bước trưởng thành của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ông từng ý kiến rất sâu sắc: “...Để khắc phục tình trạng tụt hậu, Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng 2 ĐH quốc gia bắt kịp với các ĐH lớn có uy tín trong khu vực và quốc tế, làm nòng cốt cho giáo dục ĐH nước ta. Yêu cầu đó hết sức cấp thiết. Hai ĐH quốc gia cần hợp tác chặt chẽ, trong một thời gian ngắn phải bắt kịp với các ĐH lớn trong khu vực...”. Ông cũng nêu ý kiến rất xác đáng về xu hướng phát triển của mô hình giáo dục ĐH mới: “Xã hội hóa giáo dục cần tranh thủ và sử dụng được các nhà quản lý giỏi, các kỹ sư giỏi, các nhà kinh doanh giỏi, các nhà văn hóa, hoạt động xã hội lớn đến tham gia giảng dạy cho sinh viên”.
Những ý kiến của ông Sáu Dân - Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời cho đến nay vẫn sát sao với thời cuộc, phản ánh tư duy, tầm nhìn của một nhà chiến lược vừa có tâm, vừa có tầm theo tinh thần đổi mới để đi đến thành công.
Là người có vai trò quan trọng đối với sự ra đời và bước đầu phát triển của 2 ĐH quốc gia, thế nhưng ông vẫn khiêm nhường: “Tôi là người tham gia trong chủ trương ấy, rất muốn cảm ơn những người đã ủng hộ và những người trực tiếp tổ chức thực hiện. Ra quyết định đúng chưa phải là đủ, phải có những người tổ chức thực hiện, đó mới là cái quyết định”. (còn tiếp)
Võ Văn Kiệt - Người tiên phong
Bình luận