Võ Văn Kiệt - Người tiên phong: Phá thế cô lập lo miếng ăn cho dân

17/11/2022 08:09 GMT+7

Sau năm 1975, ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt giữ nhiệm vụ là Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; sau Đại hội IV của Đảng (12.1976), ông làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Với trọng trách được Đảng và nhân dân giao cho, ông luôn thao thức, trăn trở trước thực trạng khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Đánh giá về đóng góp của Đảng bộ TP.HCM, trong đó có công sức, trí tuệ của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đối với quá trình tìm tòi, mở hướng phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, cố Tổng bí thư Trường Chinh lúc sinh thời nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện các nghị quyết của T.Ư và chỉ thị của Chính phủ về cải tạo XHCN, các đồng chí đã phát huy tính năng động và tính sáng tạo, tìm tòi những hình thức và bước đi thích hợp”.

Sau năm 1975, ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt giữ nhiệm vụ là Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; sau Đại hội IV của Đảng (12.1976), ông làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Với trọng trách được Đảng và nhân dân giao cho, ông luôn thao thức, trăn trở trước thực trạng khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Nhận thức đúng

Những năm cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980 là giai đoạn TP.HCM đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn về kinh tế - xã hội. Từ năm 1979 trở đi, kinh tế TP.HCM suy giảm, kém phát triển, rơi vào khủng hoảng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giảm sút; thương nghiệp, lưu thông hàng hóa bị ách tắc, thị trường bị gián đoạn, chia cắt. Các nông trường quốc doanh, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, kém phát triển. Đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ hai từ phải sang) thăm cơ sở sản xuất khi còn làm lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM sau 1975

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Thiếu gạo, người dân TP.HCM khi đó phải ăn độn, có lúc mức độn lên đến hơn 90%. Mối quan hệ giữa TP.HCM trong sự phát triển kinh tế chung của vùng Nam bộ bị chia cắt. TP.HCM rơi vào hoàn cảnh “bị bao vây, cô lập” về kinh tế. Đảng bộ TP.HCM đánh giá: “Tình hình thành phố chưa thật ổn định, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đang có nhiều khó khăn rất gay gắt và có mức phức tạp. Nền kinh tế bị đảo lộn, lại quản lý theo một cơ chế có nhiều mặt không phù hợp, cho nên ngày càng thêm mất cân đối nghiêm trọng”.

Ông Võ Văn Kiệt là người con của vùng đất Nam bộ, lãnh đạo cách mạng trên chiến trường miền Nam và kinh qua chiến trường Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM trong thời kỳ rất quan trọng trước và sau năm 1975.

Mảnh đất này đã vun đắp, hình thành cho ông Võ Văn Kiệt sự am hiểu, tư duy và tầm nhìn sắc bén về thực tiễn quá trình phát triển kinh tế; trong đó sự hình thành, phát triển rất sớm nền kinh tế sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường và mối quan hệ mật thiết giữa kinh tế Sài Gòn - TP.HCM với khu vực Nam bộ, mối quan hệ kinh tế TP.HCM với cả nước và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt là vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, thương nhân Hoa kiều trong sự phát triển kinh tế.

Trong quá trình quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của T.Ư Đảng về cải tạo XHCN từ những năm 1976 - 1977 trở về sau, ông Võ Văn Kiệt cùng các lãnh đạo Đảng bộ TP.HCM đã đúc kết một bài học kinh nghiệm sâu sắc “là chúng ta chưa nhận thức được thực trạng kinh tế - xã hội của thành phố, qua 21 năm sống dưới chế độ thực dân mới, đã là một khu vực có trình độ phát triển tư bản chủ nghĩa nhất định”. Trong đó, sự phát triển của nền kinh tế với cơ cấu nhiều thành phần kinh tế khác nhau là đặc trưng cơ bản và cũng là tiềm năng, thế mạnh của kinh tế Sài Gòn - TP.HCM. Chính vì vậy, ông và Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM thống nhất quan điểm, chủ trương xây dựng, phát triển đồng thời nhiều thành phần kinh tế.

Hành động trúng

Thấu hiểu và xót xa trước tình cảnh người dân sinh sống ở “vựa lúa” của cả nước nhưng lại thiếu ăn, phải ăn độn hằng ngày, ông Võ Văn Kiệt đã khẳng định: “Không có chủ trương nào của Đảng, Nhà nước làm cho dân đói khổ, cán bộ làm cho dân no lại bị kỷ luật. Còn nếu cấp trên nghiêm, cứng, cứ yêu cầu phải kỷ luật để làm gương, thì thà chịu mất chức còn hơn là ngồi đó để nhìn thấy dân mình đói khổ”.

“Bí thư xé rào” Võ Văn Kiệt đi thực tế nông trường năm 1979

Giải bài toán cơ chế bó buộc, “ngăn sông cấm chợ” những năm sau 1975, vì mục tiêu để người dân không bị thiếu gạo kéo dài, ông Võ Văn Kiệt đã nhiều lần tổ chức gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với cán bộ lãnh đạo các đơn vị chức năng để bàn cách giải quyết lương thực cho dân, với tinh thần “nếu không giải quyết xong, tôi không cho về”, “đưa xe xuống các tỉnh ĐBSCL mua lúa theo giá sát thị trường”…

Khi Giám đốc Công ty lương thực - bà Ba Thi lo ngại “làm thế này là tôi dễ đi tù lắm, vì dám phá giá nhà nước, lại chuyên chở gạo trái phép”, ông Võ Văn Kiệt nói: “Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù, thì tôi đem cơm cho chị”.

Cũng trong thời gian này, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt luôn suy nghĩ, trăn trở tìm kiếm những phương thức, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các xí nghiệp quốc doanh và trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội, dệt Phước Long, dệt Thành Công, bột giặt Viso… mạnh dạn “xé rào”, “cởi trói”. Ông đánh giá, đây là “sự đột phá về cung cách làm ăn. Từ nhân tố mới giàu ý nghĩa này, càng sáng tỏ thêm nhiều vấn đề cần chuyển biến mạnh trong nhận thức mới”, và “đây cũng là một điển hình về “xé rào”, thử nghiệm một cơ chế mới”.

Định vị chiến lược

Những ý kiến, giải pháp táo bạo nhưng rất đúng đắn của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt về phát triển sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của kinh tế nhiều thành phần đã được Thành ủy TP.HCM trong các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (tháng 8.1979), Hội nghị lần thứ 10 (năm 1980) ủng hộ, tán thành, triển khai thực hiện.

Tiếp đó, từ năm 1981, T.Ư đã có quyết định quan trọng cho phép áp dụng chế độ 3 kế hoạch: Kế hoạch của T.Ư, kế hoạch liên doanh liên kết với các cơ sở bạn, kế hoạch tự tìm kiếm nguyên liệu để sản xuất cho thị trường. Đó là một bước tiến mới rất quan trọng trong sự thay đổi tư duy, nhận thức kinh tế của Đảng, chuyển từ cơ chế, chính sách quản lý kinh tế cũ sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường với cơ cấu nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Kết quả cụ thể hơn có tính chiến lược, căn cơ là, nhiều nguồn lực được “cởi trói” và phát huy, thị trường từng bước phục hồi và dồi dào hàng hóa tiêu dùng, đời sống xã hội ổn định, quy mô kinh tế được mở rộng và có dư địa phát triển…

Những đóng góp của ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt và Đảng bộ TP.HCM sau đó đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng ghi nhận, đánh giá cao. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, TP.HCM đã: “năng động, sáng tạo và có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa, hội nhập kinh tế nước ta vào kinh tế khu vực và thế giới”.

Kế thừa, phát huy những đóng góp, thành quả cách mạng và tư duy, trí tuệ, bản lĩnh của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, Đảng bộ TP.HCM hôm nay nhất thiết phải xây dựng, đào tạo một lớp cán bộ lãnh đạo mới bản lĩnh, dũng cảm, thật sự có trách nhiệm trước nhân dân, quyết đoán, dám nghĩ, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm về chức trách, nhiệm vụ được phân công. (còn tiếp)

“Bài học này còn nguyên giá trị”

Tinh thần của người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám “chịu trách nhiệm trước những việc làm thấy là đúng” vì đại cuộc, vì mục tiêu phát triển và lợi ích chung, được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng gợi nhắc, trong buổi thăm, làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM vào ngày 23.9 vừa qua; thông qua câu chuyện được ghi trong lịch sử của Thành ủy TP.HCM khi mua gạo cứu đói giúp người dân thời kỳ trước Đổi mới.

“Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) đã hỏi các thành viên trong Ban Thường vụ Thành ủy rằng các đồng chí muốn giữ được chức mà để cho dân đói, hay để dân ấm no mà chúng ta có thể mất chức, thậm chí có thể đi tù. Thời điểm đó, lựa chọn của tập thể là đột phá để có gạo lo cho dân”, ông Võ Văn Thưởng nhắc lại và nói: “Tôi cho rằng bài học này còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay”.

Võ Văn Kiệt - Người tiên phong

Lãnh đạo đất nước cải cách và hội nhập

‘Khai sinh’ nhà máy lọc dầu Dung Quất

'Hoa sen nở' mở cánh cửa ra thế giới

Tiên phong trong ‘phá vây’

Nhân tâm thu về một mối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.