Chiều 22.3, TAND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Hà (41 tuổi, trú Hà Nội) 4 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, liên quan đến vụ tống tiền CSGT.
Cùng tội danh, 3 bị cáo khác là Nguyễn Khắc Được (33 tuổi, trú Hưng Yên), Trịnh Xuân Tiến (33 tuổi, trú Hà Nội) và Nguyễn Văn Nam (32 tuổi, trú Vĩnh Phúc) bị tuyên từ 18 tháng tù đến 3 năm 3 tháng tù.
Dàn cảnh vi phạm để tống tiền CSGT
Theo cáo trạng, Bùi Văn Hà quen biết 3 bị cáo còn lại thông qua các nhóm Facebook. Hà nói mình quen biết nhiều CSGT nên nhóm Tiến, Nam và Được đã gửi hình ảnh các cán bộ CSGT tại Vĩnh Phúc cho Hà để thực hiện việc cưỡng đoạt tiền.
Vụ thứ nhất, tháng 6.2022, Được gọi điện cho Hà, nói đang có hình ảnh ông P.V.H (cán bộ CSGT Công an TP.Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) nhận tiền của người vi phạm, đề xuất Hà liên hệ với ông H. để tống tiền.
Được dùng Zalo gửi cho Hà hình ảnh của ông H. kèm theo trên mặt bàn làm việc của ông này có 4 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, muốn ông H. phải chi 100 triệu đồng. Hà nhận hình ảnh, chuyển tiếp cho ông H. và truyền đạt yêu cầu của Được.
Lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, ông H. đồng ý chi tiền nhưng xin giảm xuống 50 triệu đồng. Sau nhiều lần mặc cả, 2 bên chốt là 80 triệu đồng. Khi Hà nhận tiền từ ông H. thì bị lực lượng công an bắt quả tang.
Tài liệu điều tra cho thấy, trong vụ việc trên, khi ông H. thông báo lỗi, người vi phạm tự ý đặt 4 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng lên bàn làm việc của CSGT này xin được bỏ qua, đồng thời quay lại video bằng điện thoại đã bật từ trước.
Ông H. yêu cầu người vi phạm cầm lại tiền và chỉ nhắc nhở mà không lập biên bản. Cơ quan tố tụng nhận định hành vi của ông H. không cấu thành tội nhận hối lộ nên không đề cập xử lý.
Vụ thứ hai, Nguyễn Văn Nam mua một camera dạng cúc áo, với mục đích khi bị xử lý vi phạm sẽ đưa tiền cho CSGT rồi quay video để tống tiền. Tháng 6.2022, Nam điều khiển xe mô tô di chuyển cố tình vi phạm để bị xử lý.
Trong lúc giải quyết, Nam đặt 4 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng lên bàn làm việc của ông N.T.K, Tổ trưởng Tổ CSGT thuộc Công an TP.Phúc Yên, đồng thời bí mật quay video.
Tiếp đó, Nam gửi hình ảnh quay được cho Trịnh Xuân Tiến, Tiến chuyển tiếp cho Hà. Hà gửi video cho ông K., yêu cầu ông này chi 80 triệu đồng, nếu không sẽ đăng tải lên mạng xã hội.
Lo sợ bị ảnh hưởng, ông K. đồng ý đưa tiền nhưng xin giảm xuống 40 triệu đồng và được Hà đồng ý. Sau khi nhận tiền, nhóm bị can bị bắt hoặc ra đầu thú.
Cơ quan tố tụng xác định sau khi để tiền lên bàn làm việc của CSGT, lợi dụng thời điểm tổ công tác đang bận xử lý các trường hợp khác nên chưa kịp lập biên bản và không có người trông giữ xe vi phạm, Nam đã tự ý lấy xe mô tô của mình rồi bỏ đi.
Khi phát hiện số tiền trên bàn, ông K. không thấy Nam đâu. Tổ công tác đã báo cáo toàn bộ sự việc với lãnh đạo Công an TP.Phúc Yên và phối hợp với UBND P.Hùng Vương (TP.Phúc Yên) tiến hành lập biên bản sự việc, đồng thời thu giữ và niêm phong số tiền này. Do đó, hành vi của ông không cấu thành tội nhận hối lộ.
Không sai sao phải nhắn tin, thương thuyết?
Tại tòa, 2 cán bộ CSGT được tòa xác định có tư cách tố tụng là bị hại, nhưng vắng mặt và có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo Bùi Văn Hà.
Về phía mình, Hà khai chỉ quen biết 4 - 5 cảnh sát Vĩnh Phúc, mối quan hệ xã giao, "ăn nhậu với nhau vài lần". Sở dĩ Hà nói với nhóm bị cáo còn lại mình quen biết rộng là để khoe khoang.
Chủ tọa trích dẫn một số tin nhắn của bị cáo Hà trao đổi với đồng phạm, trong đó có nội dung "anh giúp chúng nó nhiều lần rồi", rồi hỏi "nghĩa là bị cáo làm việc này không phải lần đầu đúng không?". Trả lời, Hà nói đây là lần đầu tiên, duy nhất.
Bị cáo cũng cho rằng phạm tội vì giúp bạn chứ không trục lợi, lợi ích mang lại chỉ là tình cảm. Cùng với Hà, các bị cáo còn lại đều đồng ý với cáo buộc của viện kiểm sát và xin được hưởng mức án nhẹ nhất.
Đáng chú ý, bào chữa cho Nguyễn Khắc Được, luật sư đề nghị làm rõ có hay không việc ông P.V.H nhận hối lộ. Do bị hại vắng mặt, luật sư đề nghị hoãn tòa để triệu tập ông này. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn quyết định tiếp tục xét xử, vị luật sư cho rằng "người cần hỏi thì không đến" nên không tham gia xét hỏi.
Luật sư đặt vấn đề nếu ông H. không sai thì tại sao phải nhắn tin, thương thuyết với người tống tiền mình, trong khi ông này là cảnh sát, là người của cơ quan pháp luật. Một vấn đề nữa, tại sao cơ quan chức năng khôi phục được thông tin trong điện thoại của các bị cáo, nhưng với điện thoại của vị CSGT lại kết luận "không hỗ trợ, không trích xuất, không giám định được".
Một luật sư khác cũng bào chữa cho bị cáo Được, cho rằng tội cưỡng đoạt tài sản phải xét đến yếu tố đe dọa, dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần. "Giả sử ông H. thực sự bị uy hiếp tinh thần, tại sao không tố giác ngay mà phải đợi đến 9 ngày sau mới làm?", luật sư đặt câu hỏi.
Luật sư nhận định vụ việc thực tế là "sự dàn xếp lợi ích" chứ không phải đe dọa tống tiền, cưỡng đoạt tài sản.
Đối đáp quan điểm, đại diện viện kiểm sát yêu cầu các luật sư bám sát chứng cứ, không suy diễn. "Nếu không sợ hãi, cảm thấy bị uy hiếp, ông H. đã không đưa tiền, thực tế ông H. đã phải đưa tiền", kiểm sát viên nói.
Bình luận (0)