Vũ khí nào làm nên sức mạnh quân sự Nga năm 2021?

Nhật Uyên
Nhật Uyên
01/01/2021 09:36 GMT+7

Lực lượng vũ trang Nga ngày càng tăng tốc hiện đại hóa các loại vũ khí. Nga sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt và trang bị cho quân đội nhiều loại vũ khí tân tiến trong thời gian tới.

Sau đây là 9 hệ thống vũ khí nổi bật nhất của Nga.
1. Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat
Năm 2021, Lực lượng Tên lửa chiến lược của Nga sẽ trang bị các tên lửa RS-28 Sarmat tân tiến.
Đây là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng sử dụng nhiên liệu lỏng, được trang bị đầu đạn có thể tự cơ động quỹ đạo (MIRV), sẽ thay thế hệ thống tên lửa R-36M2 Voevoda.
Các tên lửa RS-28 Sarmat có tầm tấn công 18,000 km, đủ để tiếp cận tất cả mục tiêu trên Trái đất.
Sở hữu giai đoạn tăng tốc ngắn, RS-28 Sarmat không dễ bị các hệ thống phòng không tiềm năng của đối thủ bắn hạ.
Tên lửa này có thể trang bị nhiều loại đầu đạn hạt nhân, trong đó có đầu đạn bội siêu thanh.

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat.

Chụp màn hình The National Interest

2. Tên lửa bội siêu thanh Zircon
Tên lửa bội siêu thanh Zircon 3M22 (thuộc hệ thống tên lửa Zircon 3K22) là tên lửa hành trình bội siêu thanh chống hạm dùng để thay thế tên lửa chống hạm hạng nặng Granit P-700.
Ưu điểm nổi bật: tốc độ di chuyển gấp 8 lần vận tốc âm thanh, nhanh hơn đáng kể so với các tên lửa chống hạm khác của Nga hay của các nước khác.
Tên lửa siêu thanh Zircon được thiết kế để bắn hạ tàu nổi của đối thủ, từ tàu chiến nhỏ đến tàu sân bay, và các mục tiêu mặt đất trong tầm bắn của tên lửa.
Tốc độ của Zircon (9.800-11.025 km/h) khiến tên lửa này hoàn toàn “miễn nhiễm” với bất kì hệ thống phòng không nào của đối thủ tiềm năng. Khả năng tránh hoặc phát hiện tên lửa này gần như bằng không.

Minh họa tên lửa bội siêu thanh Zircon 3M22.

Chụp màn hình Missile Defense Advocacy Alliance

3. Máy bay ném bom chiến lược Tu-160M/M2
Tu-160M/M2 là máy bay “cánh cụp cánh xòe” đa năng, được trang bị tên lửa bội siêu thanh chiến lược.
Loại máy bay ném bom hạng nặng này được trang bị hệ thống điện tử hàng không được tân trang lại hoàn toàn, động cơ nâng cấp, và các loại vũ khí tầm xa mới.
Máy bay Tu-160M/M2 sẽ là nòng cốt của lực lượng chiến đấu cơ hạt nhân chiến lược Nga trong nhiều thập niên tới.
Dự kiến Tu-160M sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2021.
Việc sản xuất hàng loạt máy bay này được dự kiến bắt đầu vào năm 2023.
Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga sẽ có ít nhất 10 máy bay Tu-160M/M2 bắt đầu phục vụ từ năm 2027.

Máy bay Tu-160M/M2 sẽ là nòng cốt của lực lượng chiến đấu cơ hạt nhân chiến lược Nga.

Chụp màn hình The Aviationist

4. Hệ thống phòng không S-500 Prometey
S-500 Prometey (còn được gọi là 55R6M Triumphator-M) là hệ thống phòng không thế hệ mới với thiết kế trên nguyên tắc phân chia nhiệm vụ nhằm tiêu diệt các mục tiêu đạn đạo và khí động học khác nhau.
Hệ thống này dự kiến bắt đầu được sản xuất hàng loạt trong năm 2021.
S-500 Prometey là hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ thứ 5 với khả năng độc đáo là đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa ở độ cao lớn, bên ngoài khí quyển.
Sở hữu tầm bắn 600 km, hệ thống S-500 Prometey có khả năng phát hiện và vô hiệu hóa hiệu quả lên đến 10 tên lửa đạn đạo với tốc độ có thể lên tới 7km/s. Nó cũng phù hợp để bắn hạ tên lửa hành trình bội siêu thanh.

Hệ thống S-500 Prometey sở hữu tầm bắn 600 km.

Chụp màn hình Sputnik News

5. Su-57 - chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5
Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Su-57 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không, mặt đất và trên biển.
Su-57 có thể duy trì tốc độ hành trình siêu âm.
Loại chiến đấu cơ này được trang bị công nghệ tàng hình, sở hữu các khoang chứa vũ khí và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến.
Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga dự kiến bắt đầu sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ Su-57 từ tháng 12.2020. Đến năm 2021, sẽ có thêm bốn máy bay Su-57 gia nhập vào lực lượng vũ trang Nga.

Chiến đấu cơ Su-57 được trang bị công nghệ tàng hình tiên tiến.

Chụp màn hình TASS

6. Xe tăng chủ lực T-14 Armata
Bộ Quốc phòng Nga dự kiến trang bị xe chiến đấu chủ lực mới T-14 Armata vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Đây là loại xe tăng đầu tiên được thiết kế với mục tiêu chiến tranh lấy kết nối mạng làm trung tâm.
Mục đích chính: trinh sát, xác định mục tiêu và điều chỉnh hỏa lực cho pháo binh, hệ thống phòng không và các loại xe tăng khác.

T-14 Armata được thiết kế với mục tiêu chiến tranh lấy kết nối mạng làm trung tâm.

Chụp màn hình The National Interest

Loại xe tăng này cũng có hơi hướng “tàng hình” nhờ được trang bị radar, hồng ngoại và giảm đáng kể từ tính.
Nó đi kèm với lớp giáp phản ứng nổ thế hệ thứ 4 đảm bảo 95% khả năng phòng vệ trước các loại tên lửa chống tăng cá nhân.
Lớp giáp trước gồm nhiều lớp kim loại-gốm, có độ cứng tương tự 1 mét giáp kim loại đồng nhất thông thường – không loại đạn pháo hay tên lửa chống tăng hiện có nào có thể xuyên thủng nó.
7. Pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV
Quân đội Nga đã nhận lô pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV đầu tiên vào tháng 5.2020. Vào năm 2021, ngành công nghiệp quốc phòng dự kiến sẽ cung cấp thêm nhiều pháo 2S35 cho lực lượng vũ trang Nga.
Koalitsiya-SV là thế hệ pháo tự hành mới nhất. Hỏa lực đáng kể của nó phát xuất từ một khẩu pháo cỡ nòng 152 mm với tốc độ bắn hơn 10 viên/phút, cao hơn đa số các hệ thống pháo khác.
Một trong những tính năng chính của pháo Koalitsiya-SV chính là điều khiển khai hỏa từ xa. Độ chính xác của nó được đảm bảo bằng hệ thống chỉ huy và điều khiển tự động để đặt lộ trình cho vũ khí, lựa chọn mục tiêu và định hướng.

Cận cảnh pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV.

Chụp màn hình Military Equipment Guide

8. Pháo phản lực nhiệt áp TOS-2 Tosochka
Khác với những phiên bản cũ, pháo phản lực nhiệt áp TOS-2 Tosochka được đặt trên khung gầm bánh lốp, giúp tăng đáng kể phạm vi hoạt động của nó. Nó cũng có một hệ thống đặc biệt giúp nạp đạn dễ dàng hơn.
Thế hệ mới có tính tự động hóa cao. TOS-2 có thiết bị điều hướng, nghĩa là nó có thể bắn từ các vị trí chưa chuẩn bị trước, đồng thời hệ thống dẫn hướng và điều khiển khai hỏa đều được tự động hóa. Hiện tại, các loại đạn mới đang được phát triển cho hệ thống TOS-2.
Tosochka cũng có hệ thống nạp đạn cơ giới hóa. Giáp của phương tiện có thể bảo vệ người điều khiển trước hỏa lực vũ khí cá nhân.

Pháo phản lực nhiệt áp TOS-2 Tosochka.

Chụp màn hình World Defence News

9. Robot chiến đấu Uran-9
Uran-9, robot chiến đấu nặng 12 tấn, được thiết kế để trinh sát, hỗ trợ hỏa lực và chiến đấu chống tăng. Nó trang bị pháo tự động 2A72 cỡ nòng 30mm, súng máy 7,62mm, súng phóng lưu nhiệt áp Shmel-M, và tổ hợp vũ khí Ataka với tên lửa chống tăng.

Robot chiến đấu Uran-9 được trang bị nhiều vũ khí.

Chụp màn hình European Defence Review

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.