Vụ ‘oan sai 40 năm’: Bồi thường cho các nạn nhân oan sai thế nào?

31/07/2019 14:15 GMT+7

Vẫn còn một số ý kiến lập luận, Viện KSND tỉnh Tây Ninh chưa tính đúng số tiền dự tính bồi thường cho nạn nhân trong vụ 'oan sai 40 năm' theo đúng quy định pháp luật.

Cuối cùng sau nhiều ngày chờ đợi, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã thông báo thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, đồng thời ra dự thảo về mức bồi thường liên quan đến vụ án “oan sai 40 năm” ở Tây Ninh.

Tâm sự ngày trở về trong sạch sau 40 năm oan sai của người cựu binh Tây Ninh

Trao quyết định đình chỉ vụ án sau khi báo chí lên tiếng

Trong vụ án oan sai này, 7 nạn nhân đòi bồi thường từ 5 - 12 tỉ đồng nhưng theo dự tính của Viện KSND tỉnh Tây Ninh, mỗi người chỉ được nhận số tiền khoảng 800 triệu đến hơn 1 tỉ đồng. Phần lớn các yêu cầu mà các nạn nhân bị oan sai đưa ra đều bị Viện KSND tỉnh Tây Ninh bác bỏ với lý do “không có căn cứ để bồi thường”.

Cụ thể như trường hợp nạn nhân Nguyễn Văn Dũng đề nghị số tiền bồi thường thu nhập thực tế trong “40 năm oan sai” bị mất là 7,2 tỉ đồng nhưng chỉ được tính hơn 415 triệu đồng; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm là 967 triệu đồng nhưng không được tính; thiệt hại do tổn thất tinh thần hơn 2,2 tỉ đồng nhưng chỉ được tính hơn 543 triệu đồng; chi phí bồi thường khác là 491 triệu đồng nhưng chỉ được tính hơn 84 triệu đồng. Tổng cộng ông Nguyễn Văn Dũng được tính bồi thường hơn 1 tỉ đồng thay cho yêu cầu trước đó gần 12 tỉ đồng.

Ông Thân Văn Danh (phải), Trưởng phòng 8, Viện KSND tỉnh Tây Ninh làm việc với một trong các đại diện ủy quyền của các nạn nhân liên quan đến bồi thường

Ảnh: Trung Hiếu

Đáng chú ý, trong dự thảo của Viện KSND tỉnh Tây Ninh chỉ tính thiệt hại của nạn nhân trong thời gian nạn nhân bị bắt giam 1.386 ngày, không tính thời gian 13.112 ngày mà nạn nhân cho rằng vẫn “mang thân phận bị can”. Viện KSND tỉnh Tây Ninh viện dẫn việc không tính thời gian 13.112 ngày là làm theo quy định tại điểm b, d khoản 1 Điều 8 Nghị định 68/2018 ngày 15.5.2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Về phía 7 nạn nhân, họ khẳng định khoảng thời gian 13.112 ngày “mang thân phận bị can” được tính từ ngày 11.5.1983, thời điểm ra tù đến ngày 4.4.2019, khi được trao quyết định đình chỉ vụ án. Khoảng thời gian này do chưa được trao quyết định đình chỉ vụ án nên họ vẫn mang thân phận bị can, cuộc sống và danh dự bị ảnh hưởng nên cần phải bồi thường thỏa đáng.

Trên thực tế suốt một thời gian dài, 7 nạn nhân tới một số cơ quan ở Tây Ninh, trong đó có Viện KSND tỉnh Tây Ninh để yêu cầu cung cấp quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án nhưng không được các cơ quan này đồng ý. Việc trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án cho các nạn nhân oan sai diễn ra vào ngày 4.4.2019 sau khi Báo Thanh Niên có loạt bài chỉ ra sự sai sót. 

Viện KSND tỉnh Tây Ninh tính không đúng luật?

Về những vấn đề nêu trên, theo luật sư (LS) Lê Quang Vũ (Đoàn LS TP.HCM), Viện KSND tỉnh Tây Ninh căn cứ vào điểm b, d khoản 1 Điều 8 Nghị định 68/2018 để không tính thiệt hại về tinh thần 36 năm 10 tháng mang thân phận bị can là không đúng.

LS Lê Quang Vũ phân tích: “Điều 8 hướng dẫn chi tiết về khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút quy định tại Điều 24 của luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Trong khi, các đương sự là người bị thiệt hại đang yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần trong 36 năm 10 tháng mang thân phận bị can. Điều khoản và điều luật mà Viện KSND tỉnh Tây Ninh đưa ra để không tính cho người bị thiệt hại là không đúng”.

Ngoài ra, theo LS Lê Quang Vũ, hướng dẫn chi tiết về khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại về tinh thần sẽ được nêu tại Điều 11 Nghị định 68/2018. Qua đó, khoảng thời gian của 7 người liên quan sẽ được tính kể từ ngày người bị thiệt hại bị khởi tố đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Một số nạn nhân trong vụ oan sai làm việc tại Viện KSND tỉnh Tây Ninh

Ảnh: Trung Hiếu

Từ quy định trên, LS Lê Quang Vũ nhấn mạnh ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường phải được hiểu là ngày người bị thiệt hại nhận được các văn bản đó. Cụ thể trong vụ việc Báo Thanh Niên phản ánh, vào năm 2019, sau nhiều lần yêu cầu, khiếu nại khắp nơi, 7 người bị thiệt hại mới nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Đồng tình, LS Trần Mạnh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho hay Bộ luật Tố tụng hình sự qua các thời kỳ cũng nêu cơ quan tố tụng phải gửi quyết định đình chỉ điều tra đến bị can biết và bị can có quyền khiếu nại quyết định đình chỉ (nếu có).

“Khoản 5 Điều 3 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2015 định nghĩa “Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường” là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, trong đó xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc là bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được nhà nước bồi thường. Trong khi đó, khoản 3 Điều 11 Nghị định 68 đã nêu khoảng thời gian xác định thiệt hại về tinh thần được tính từ ngày khởi tố đến ngày có văn bản đó. Như vậy, phải tính đến năm 2019, khi người bị thiệt hại có trong tay quyết định đình chỉ điều tra”, LS Trần Mạnh Hùng phân tích.

Điều 8 Nghị định 68/2018 quy định khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút quy định tại Điều 24 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự

1. Khoảng thời gian làm căn cứ xác định tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 24 của Luật của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được xác định trong các trường hợp sau đây:

a) Người bị thiệt hại bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì khoảng thời gian được tính từ ngày người bị thiệt hại bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đến ngày được trả tự do;

b) Người bị thiệt hại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù thì khoảng thời gian được tính từ ngày người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam đến ngày chấp hành xong biện pháp ngăn chặn hoặc từ ngày bắt đầu chấp hành hình phạt tù đến ngày chấp hành xong hình phạt tù;

c) Người bị thiệt hại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù thì khoảng thời gian được tính từ ngày người bị thiệt hại bị khởi tố đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc chấp hành xong hình phạt;

d) Người bị thiệt hại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà có khoảng thời gian bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù và có khoảng thời gian không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù thì khoảng thời gian được tính từ ngày người bị thiệt hại bị khởi tố đến ngày chấp hành xong biện pháp ngăn chặn, chấp hành xong hình phạt hoặc đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.