Vụ sinh viên bị đuổi khỏi lớp học trực tuyến: Người thầy cũng bị nhiều áp lực

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
18/09/2021 16:20 GMT+7

Đang dạy trực tuyến thì không thể trình chiếu, không tải được âm thanh, thiết bị không kết nối internet. Sinh viên vô tình để lộ hình ảnh, âm thanh không phù hợp. Gọi mà không ai lên tiếng...

Việc dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng với những tình huống như trên, đã gây nên những áp lực về tâm lý không chỉ đối với học sinh, sinh viên và ngay cả với giáo viên. Ứng xử ra sao phụ thuộc vào bản lĩnh sư phạm của mỗi người thầy.

Những tình huống gây stress

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy, phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết áp lực lớn nhất khi dạy trực tuyến vẫn chính là những trục trặc về mạng, thiết bị và cách tương tác trong lớp học. "Có và rất nhiều các tình huống dở khóc dở cười như thầy yêu cầu sinh viên phải bật camera nhưng nhiều em lại lấy lý do máy em bị hư rồi. Có em đang thuyết trình thì bị trục trăc khiến cả lớp phải chờ khá lâu. Có em thì ngồi học ngay phòng khách không tắt mic, không tắt camera tiếng nói chuyện, hình ảnh sinh hoạt trong gia đình gây mất tập trung cho cả lớp... Những điều rất nhỏ đó, đôi khi làm cho tiết học trở lên loãng và gây ức chế cho giảng viên rất nhiều", tiến sĩ Thụy kể lại.
Theo tiến sĩ Thụy, giảng dạy trực tuyến tạo áp lực cho cả giảng viên chứ không phải chỉ riêng học sinh, sinh viên. "Khi dạy trực tuyến, giảng viên mệt gấp 3-4 lần so với giảng tập trung, đồng thời luôn suy nghĩ làm thế nào để hầu hết học trò của mình nắm bắt được bài. Do vậy, để tránh những sự cố không mong muốn thì cả thầy cô, cha mẹ và học trò nên có thái độ cởi mở, dành hết tâm sức và đừng tạo áp lực cho nhau thì mọi chuyện sẽ rất tốt", tiến sĩ Thụy cho hay.

Thạc sĩ Châu Thế Hữu cũng có lúc căng thẳng khi đang dạy trực tuyến thì mất kết nối internet

T.H

Đối với thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, thì những tình huống gây áp lực nhất khi dạy trực tuyến thường là khi đang dạy thì gặp trục trặc không thể trình chiếu, không tải được âm thanh, thiết bị không kết nối internet… Hoặc trong lớp học sinh viên vô tình thể hiện hình ảnh, âm thanh không phù hợp. Hoặc lo lắng sẽ bị sinh viên ghi hình, ghi âm nếu lỡ có chỗ nào giảng sai hay nhầm ý...
"Trước những vấn đề đó, người thầy cần có kỹ năng xử lý phù hợp. Mạng gặp sự cố thì triển khai phương án dự phòng như sử dụng 3G, 4G thay, gửi tài liệu qua email cho sinh viên. Yêu cầu SV tắt camera và micro ngay lập tức nếu âm thanh và hình ảnh không phù hợp. Có những lúc cũng cần nhắc việc cho lớp giải lao tạm thời để “làm nguội” và tìm giải pháp cho sự cố. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, giảng viên có thể dành một khoảng thời gian cuối buổi để đề cập vấn đề và đề ra hướng xử lý như kiểm điểm nội bộ lớp", thạc sĩ Hữu chia sẻ.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, giảng viên ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Văn Hiến lại chứng kiến nhiều tình huống "khó đỡ" khác. "Có lần trong lớp học, một sinh viên học online bằng điện thoại, đi toilet lỡ va quẹt vào thiết bị nên camera bật lên. Tôi đã lên tiếng “nhắc nhẹ” bạn í tắt cam và tắt mic, may là sinh viên tắt kịp. Các trường hợp như vào lớp trễ, gọi trả lời nhưng không mở mic, không mở camera, rồi viện các lí do như rớt mạng, hư mic, hỏng máy… là chuyện rất thường xuyên", thạc sĩ Diệu Anh kể.
Tuy nhiên, nữ giảng viên cho rằng không vì thế mà mình tức giận trong tiết học, bởi ngay từ đầu, thạc sĩ Diệu Anh đã đưa ra chế tài, chẳng hạn như quy định trong buổi học gọi 3 lần mà ko thấy đâu thì xem như sinh viên vắng. Nếu thực sự mạng bị rớt thì cho sinh viên tối đa đến 22 giờ đêm hôm đó phải hoàn thành bài và nộp về cho giảng viên...

Không nên tạo thêm áp lực

Thạc sĩ Diệu Anh nhìn nhận: "Cá nhân tôi nghĩ học trực tuyến cả thầy và trò đều rất vất vả, vận dụng đủ các loại ứng dụng hỗ trợ sao cho trao đổi giữa hai bên thông suốt. Nếu như phải sử dụng đến các biện pháp mạnh như đuổi sinh viên ra khỏi lớp, mắng chửi, xúc phạm sinh viên, thì người thầy chưa đủ bản lĩnh sư phạm để xử lý vấn đề và nhìn nhận thấu suốt. Rất nhiều em máy tính hỏng hoặc phải nhường máy tính cho em học, còn mình phải học bằng điện thoại. Đường truyền thì thường xuyên trục trặc. Trong một điều kiện chưa đảm bảo, thì giảng viên nên động viên để các em cố gắng, hơn là khắt khe, cứng nhắc. Tất nhiên sinh viên cũng phải trung thực và có ý thức học tập tốt", thạc sĩ Diệu Anh nêu quan điểm.

Học trực tuyến đòi hỏi cả thầy và trò cũng hỗ trợ, hợp tác với nhau để có tiết học chất lượng

THẾ HỮU

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng Bộ môn Tâm lý giáo dục, Khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích: "Giảng viên, giáo viên nào cũng đều được học về các kỹ năng xử lý tình huống trong nghiệp vụ sư phạm rồi, cho nên không thể lấy lý do mình quá áp lực và mệt mỏi nên nóng giận, có lời nói và hành động xúc phạm đến người học. Tôi cho rằng nguyên nhân của việc giảng viên, giáo viên tức giận, thiếu kiềm chế, là do năng lực sư phạm còn yếu kém, hoặc do người thầy cứng nhắc, quá kỳ vọng học trò phải đáp ứng yêu cầu trong điều kiện học trực tuyến còn đang nhiều bất cập".
Để giải tỏa các áp lực và tránh có lời nói, hành động thiếu phù hợp với người học trong khi dạy online, theo tiến sĩ Phan, người thầy cần nâng cao năng lực sư phạm của mình đồng thời giảm kỳ vọng, giảm sự cầu toàn và không nên tạo thêm áp lực. "Những lúc cảm thấy tức giận, hãy hít thở sâu và tránh phát ngôn trong thời điểm đó. Bản thân giảng viên, giáo viên phải rèn luyện sự bình tĩnh, khả năng kiềm chế cảm xúc", tiến sĩ Phan nhận định.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu thì cho rằng giảng viên nên lưu ý đến sức khỏe và thư giãn trước, giữa và sau mỗi giờ giảng. "Giáo viên nhà trường cũng cần cân bằng lại giờ học, tránh quá tải và suy xét đến việc giảm nhẹ hơn so với giảng dạy trên lớp, vì khối lượng công việc phải chuẩn bị cho một giờ học tăng hơn. Chúng ta cũng nên ban hành các quy định điều chỉnh hoạt động dạy học trực tuyến và quy tắc ứng xử trong lớp học trực tuyến. Giảng viên cũng luôn mong sinh viên hỗ trợ cho thầy cô của mình, giúp thầy cô phát hiện các hành vi sai trái, đồng thời có thái độ học hành tích cực để thầy cô hoàn thành giờ giảng một cách tốt nhất", thạc sĩ Hữu bày tỏ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.