Đổi mới phương thức tuyên truyền
Thực tế cho thấy mạng xã hội hiện nay đang là “mảnh đất màu mỡ” cho các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chống phá, lôi kéo, kích động người dùng mạng xã hội thông qua các luồng thông tin xấu độc, thiếu chọn lọc, thiếu kiểm chứng đã và đang len lỏi hằng giờ, hằng phút. Một bộ phận lớn người dùng mạng xã hội là người trẻ - là thanh niên chịu nhiều tác động nhất định từ các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là thông tin trên internet.
Nhận thức được trách nhiệm cần phải chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ đoàn viên, thanh thiếu nhi thủ đô, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới phương thức tuyên truyền, định hướng thông tin trong đoàn viên thanh niên nói riêng, nhân dân và dư luận thủ đô nói chung.
Trong đó, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là trên không gian mạng, thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội cấp thành phố (Zalo, Facebook, YouTube…).
Trong đại dịch Covid-19, trang Facebook cộng đồng đã cung cấp thông tin để lực lượng |
Nhật Nam |
Kinh nghiệm cho thấy, việc tuyên truyền và định hướng thông tin trên mạng xã hội như thế nào để hiệu quả nhất, cần căn cứ vào đặc điểm tâm lý “cư dân mạng”. Đa phần trong số cư dân mạng - người dùng mạng xã hội sẽ thích tham gia vào các hội nhóm hay theo dõi các trang/cổng thông tin có tuyến tuyên truyền dưới dạng tin ngắn, bằng hình ảnh, chứa đựng cảm xúc, ít quan tâm hơn đến những nội dung dài mang tính lý luận, hàn lâm.
Vì vậy, muốn thông tin trên mạng xã hội phù hợp với tâm lý cư dân mạng thì phải xây dựng những trang cộng đồng mang thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thể hiện và dễ lan tỏa bằng truyền thông đa phương tiện trên nền tảng của văn bản, hình ảnh, video, âm nhạc, đồ họa...
Thiết lập “vùng xanh”
Thực tế, một trong số các phương pháp để định hướng thông tin, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiệu quả đã và đang được Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo triển khai thực hiện trong các cấp bộ Đoàn, đó là việc xây dựng các trang cộng đồng trên mạng xã hội tại xã, phường trên địa bàn thành phố. Theo đó, nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ thủ đô trong đổi mới, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; góp phần đảm bảo môi trường an ninh, an toàn trên không gian mạng, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Công an TP.Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị đoàn thực hiện mô hình “Vùng xanh” trên không gian mạng.
579 nhóm Facebook cộng đồng dân cư xã, phường, thị trấn được thành lập với định danh tên gọi được ghép giữa cụm từ “Tôi yêu” và địa danh xã, phường, thị trấn để đảm bảo tính xã hội, tạo sự cởi mở đối với nhân dân khi tiếp cận các nhóm tuyên truyền trên không gian mạng.
Việc triển khai 579 nhóm cộng đồng dân cư cấp xã của tuổi trẻ thủ đô đã nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp bộ Đoàn, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Từ đó phát huy rõ nét vai trò xung kích của tuổi trẻ thủ đô, từng bước góp phần đảm bảo môi trường an ninh, an toàn trên không gian mạng; góp phần quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Đồng thời đảm bảo định hướng đúng dư luận không chỉ trong thanh niên mà sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thủ đô.
Hiện nay, các quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu xuất hiện và phát tán trên mạng xã hội. Chính vì vậy, các trang cộng đồng trên mạng xã hội cũng là trận địa để triển khai đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trực tiếp, kịp thời, hiệu quả nhất. Trong đó, bên cạnh việc đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch, cần chủ động khai thác, chuyển tải các thông tin tích cực, tạo nên môi trường thông tin lành mạnh, góp phần ổn định dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và những thành tựu đã đạt được của đất nước.
Sử dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền của Đảng, của Đoàn là tất yếu khách quan và là một xu thế không thể đảo ngược được. Nhận thức đúng đắn cả mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội, tích cực tìm hiểu, học hỏi các kỹ năng, nguyên tắc sử dụng mạng xã hội, các quy định pháp luật, các quy tắc cộng đồng, nâng tầm văn hóa sử dụng mạng xã hội chính là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền của Đoàn trong thời kỳ mới; góp phần định hướng thông tin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bình luận (0)