Niềm vui to lớn giữa mùa dịch
Thấy trễ kỳ kinh nguyệt, tôi mang que ra thử. Tháng nào cũng vậy, tôi đều kiểm tra vài lần, kể từ khi 2 vợ chồng mong có em bé. Thấy 2 vạch đỏ đậm, tôi miên man tưởng tượng ngày được gặp con. Cứ thế, vạt áo ướt đẫm nước mắt lúc nào không biết.
Tôi gửi hình kết quả qua zalo cho chồng - khi ấy anh đang trực sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị. Như bắt được vàng, anh mang điện thoại khoe khắp nơi, rồi giả vờ tỉnh bơ: “Vợ em gửi cái này, mà em không hiểu nó là gì?”. Mọi người cười ngả nghiêng, tay bắt chúc mừng gia đình nhỏ chuẩn bị có thành viên nhí!
Mang thai khi dịch Covid-19 trong nước bắt đầu diễn biến phức tạp, chúng tôi không tránh khỏi thấp thỏm âu lo. Nhất là có thời điểm, Đắk Lắk - nơi tôi sống phát hiện một số ca dương tính với Covid-19. Vì vậy đi đâu, làm gì, chồng tôi cũng nhắc vợ không được quên khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, giữ vệ sinh cộng đồng.
Thấp thỏm ở phòng chờ sinh
Chúng tôi lên kế hoạch tỉ mỉ cho quá trình “vượt cạn”, với mục tiêu sinh thường. Thai nhi phát triển rất tốt, chỉ cho đến khi 38 tuần tuổi, tôi như nghẹt thở khi bác sĩ chỉ định phải nhập viện ngay. Mắt tôi mặn chát khi biết em bé bị dây rốn cuốn cổ 2 vòng, nhịp tim thai không ổn định, thai máy bất thường. Cả 3 lần đánh giá sức khỏe thai nhi bằng máy monitor đều cho kết quả như vậy.
Vội vàng về nhà, tôi gội nhanh đầu tóc, gom một ít đồ đi đẻ rồi tức tốc vào viện. Những ngày cuối năm, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mưa lạnh, đất trời nhàu nhĩ, héo queo, như chính vợ chồng tôi ngổn ngang, lo lắng.
|
Khoa sản bệnh viện luôn đông đúc người, bất kể ngày đêm. Phòng chờ sinh cũng vậy, gần như không khi nào trống giường bệnh. Để ngừa dịch Covid-19, mỗi sản phụ chỉ được tối đa 2 người nhà chăm nuôi. Qua vách ngăn nhựa giữa các giường, bệnh nhân đồng cảm hỏi han, chia sẻ thông tin sức khỏe.
Có người sau 2 ngày đêm vật vã đau bụng đẻ cũng đến lúc đón đứa con đầu lòng. Có chị nhàu nhĩ khuôn mặt vì “mắn đẻ”, chuẩn bị đón đứa con thứ tư. Lại có người vì cả 3 lần trước bị thai chết lưu, nên lần này quyết định sinh mổ sớm… Người cười, người khóc, gần như đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc trong một gian phòng.
Một tuần ở phòng chờ sinh với tôi thật ngột ngạt. Mỗi lần theo dõi tim thai là mắt tôi dán chặt vào tờ giấy đang chậm rãi nhô ra từ chiếc máy monitor. Đều đặn vài ba lần trong ngày, tôi hồi hộp đợi bác sĩ đọc kết quả và tư vấn nên làm gì kế tiếp. Khi thấy đã tạm ổn, bác sĩ tạm cho về nhà, nhưng không quên dặn: “Nếu thấy có vấn đề, phải nhập viện ngay!”
Hạnh phúc vô bờ bến khi có con!
3 giờ sáng, chiếc váy bầu ướt sũng nước. Biết vỡ ối, vợ chồng tôi nhanh chóng dọn đồ, tức tốc gọi xe đến bệnh viện. Vợ vào phòng sinh, chồng ở ngoài hồi hộp gọi điện báo tin cho người thân được biết. Nhà ngoại bỏ công bỏ việc, bắt xe khách, vượt quãng đường cả nghìn cây số để sớm có mặt trong ngày trọng đại của con.
Ông bà nội cũng hớt hải tay xách nách mang, có mặt tại bệnh viện chỉ chưa đầy 2 tiếng sau khi con lên bàn đẻ. Bệnh viện hạn chế người thăm nuôi, ông bà đành kiếm quán nước ven đường, cứ 30 phút lại gọi hỏi xem tình hình con dâu, cháu nội…
Không có dấu hiệu chuyển dạ, tôi phải sử dụng phương pháp giục sinh. Khi thuốc phát huy tác dụng, những cơn co thắt liên tiếp và dồn dập, khiến tôi như nghẹt thở.
Trên bàn đẻ, tôi ghì chặt lưng, cố mím chặt môi để tránh đi những cơn cuộn thắt vật vã, nhưng dường như không thể. Toàn thân rụng rời, lúc nhão nhoẹt, lúc gồng cứng lên trong đau đớn.
Tôi gắng gượng nhìn chiếc đồng hồ trên tường nặng nề quay. Gần 8 tiếng đồng hồ như thế, nhưng tử cung chỉ mới mở 3 phân. Ngôi thai cao, dây rốn cuốn cổ 2 vòng, cùng nhiều lý do khác khiến tôi không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Tôi quyết định sinh mổ!
Phòng mổ lạnh cóng, ánh điện sáng choang. Trong cơn mê, tôi cảm nhận như có một vết rạch sắc ngọt chạy qua bụng dưới của mình, rồi lịm đi không nhớ gì nữa. Tiếng khóc của em bé như kéo tôi về giữa hồi tỉnh hồi mê.
|
Dường như một sinh linh bé nhỏ đang nằm úp trên bầu ngực của tôi. Một y tá thông tin “chị chưa khỏe, để chúng tôi chuyển em bé cho người nhà nhé!”. Tôi cố gắng gật đầu, nhưng không thể, hai dòng nước mắt cứ vậy trào trên má…
Trở về giường bệnh khi sức khỏe đã ổn định, tôi hồi hộp gặp thiên thần nhỏ của mình. Chuột con 3 kg, da đỏ ửng, người mỏng manh, miệng chúm chím nhìn tôi như đòi được kề mẹ.
Được ôm, sờ nắn từng ngón tay gầy nhỏ của con, tôi lần nữa nhòe đi vì hạnh phúc.
Vậy là sau bao tháng ngày ngóng đợi, chúng tôi chính thức “mẹ tròn con vuông”. Dù không tròn trịa như mong muốn ban đầu, nhưng “vượt cạn” giữa mùa Covid-19 vẫn là kỷ niệm thật đẹp!
Bình luận (0)