World Cup này có đủ những cung bậc cảm xúc của nó, và biết bao câu chuyện để kể, để hướng tới, với những câu hỏi lớn lao chưa thể ngay lập tức trả lời. Chẳng hạn, cùng với những câu hỏi liên quan đến hành trình bảo vệ danh hiệu vô địch thế giới của đội tuyển Mỹ là những điều mà báo chí và người hâm mộ đặt ra: sau khi giã từ sân cỏ, liệu ảnh hưởng của Megan Rapinoe sẽ còn tiếp tục trong cuộc đấu tranh của cô cho quyền của giới LGBT? Và nữa, Alex Morgan sẽ ra sao khi phong độ của cô không còn ổn nữa sau khi sinh con? Rồi cuộc đấu tranh đòi được hưởng thu nhập tương đương với các đồng nghiệp nam của đội tuyển Úc sẽ đi đến đâu? Tại sao World Cup này lại được chú ý đến thế, bởi cứ 7 cầu thủ thì 1 thuộc giới LGBT, với đội tuyển Ireland có nhiều thành viên thuộc giới ấy nhất? Và tại sao đến đâu người Nhật cũng dọn dẹp, như cách đội nữ Nhật đã dọn sạch sẽ phòng thay đồ sau trận thắng Zambia 5-0?
Không nghi ngờ gì nữa, World Cup trở thành một cuốn sách mở của rất nhiều những câu chuyện và vấn đề nóng bỏng của thế giới hiện tại. Ở World Cup gần nhất tại Qatar, người ta không nói nhiều đến những câu chuyện ấy. Phong độ của các cầu thủ, tâm sự của họ, những đối đầu trong quá khứ giữa các đội bóng, các siêu sao nghĩ gì và nói gì… là những điều mà người hâm mộ và báo chí quan tâm. World Cup nữ hoàn toàn khác, không chỉ là câu chuyện mang tính chuyên môn thuần túy để nhận định ai có thể thắng và ai có thể sẽ thua, mà còn là những khía cạnh rất đời khác mà các nữ cầu thủ luôn mong muốn cả thế giới nhìn thấy, suy nghĩ và hành động. Đã có những câu hỏi như thế đặt ra ngay khi trái bóng lăn. Ví dụ sau trận đấu giữa đội tuyển Mỹ - VN, báo chí Mỹ đã đặt câu hỏi tạo sao nhiều cầu thủ Mỹ im lặng, không hát quốc ca trước trận, phải chăng đã có điều gì đó xảy ra và một cuộc đấu tranh nào đó đang bắt đầu?
Thanh Nhã trở lại, đội tuyển nữ Việt Nam sẵn sàng lực lượng đấu Bồ Đào Nha
Từ nhiều năm nay, đội tuyển nữ Mỹ đã trở thành ngọn cờ lớn của bóng đá nữ trong cuộc đấu tranh đòi bình quyền. Ngay tại lễ ăn mừng chiến thắng ở World Cup 2019, với lần thứ 4 đăng quang, các cầu thủ Mỹ đã hô vang "Equal pay, equal pay" (Trả thu nhập tương đương, trả thu nhập tương đương), nêu bật cuộc chiến pháp lý của họ với Liên đoàn Bóng đá Mỹ nhằm đòi được hưởng mức thu nhập tương đương với các đồng nghiệp nam, vốn được trả nhiều tiền hơn trong khi không giàu thành tích bằng họ trên cấp độ thế giới. Cuộc chiến ấy đã kéo dài đến tận năm ngoái mới có kết quả cuối cùng, là chiến thắng cho các nữ cầu thủ. Và cuộc chiến thành công ấy đã khích lệ cầu thủ Úc và Canada theo chân họ. Ở World Cup nữ này, Ada Hegerberg, siêu sao của bóng đá Na Uy, Quả bóng vàng 2018, đã trở lại sau 5 năm đấu tranh đòi sự đãi ngộ tương xứng cho các đồng nghiệp.
Không ngạc nhiên khi những cuộc đấu tranh xuất phát từ các nữ cầu thủ ở các nước phát triển. Họ hiểu hơn ai hết những quyền, trách nhiệm và tiếng nói của mình trong xã hội. World Cup nữ là của họ, nhưng họ không đến đây chỉ để phô diễn vẻ đẹp của hình thể và biến sân cỏ thành một sàn diễn (vẫn có những bài báo nói về gu thời trang của những Megan Rapinoe hay Lucy Bronze, ngôi sao của đội tuyển Anh). Họ vẫn tiếp tục nói lên tiếng nói của họ theo cách riêng của mình, như im lặng khi hát quốc ca với đội tuyển Mỹ. Và như thế, chúng ta sẽ không ngừng nói và quan tâm về họ, ủng hộ họ trong cuộc chiến bình quyền.
Bình luận (0)