Việc này sẽ được cộng đồng giám sát, cùng với đó các cơ quan chức năng cũng sẽ lắp đặt hệ thống camera ở nhiều nơi.
Đô thị nhếch nhác, bốc mùi vì rác thải
Tình trạng này đã diễn ra quá lâu, quá nhức nhối, người dân thì vô cùng bức xúc. Đặc biệt, những ngày sau tết Nguyên Đán 2021, theo khảo sát của Thanh Niên trên khắp các tuyến phố của Hà Nội rác thải ngập từ vỉa hè xuống lòng đường, nào là túi nilon, giấy vụn, chuột chết. “Sáng nào tôi cũng chạy tập thể dục quanh hồ Tây. Từ đoạn thung lũng hoa lên đến đường Thanh Niên, mùi hôi thối của chuột chết, rác thải không thể nào chịu được”, anh Trần Song T., P.Liễu Giai, Q.Ba Đình bức xúc.
Chị Nguyễn Thu Hà, Q.Cầu Giấy ngán ngẩm cho biết, Hà Nội là thủ đô cả nước, thành phố xanh vì hoà bình nhưng thời gian gần đây ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải sinh hoạt khiến chất lượng cuộc sống quá thấp. “Theo tôi vấn đề đầu tiên cần phải làm ngay với Hà Nội là dọn dẹp rác thải, xử lý ô nhiễm, để như thế này thì còn khách du lịch nào dám tới nữa. Còn đời sống của người dân thì càng ngày càng khổ”.
|
Liên quan đến vấn đề này, Hà Nội cũng như nhiều thành đô thị lớn khác trên cả nước cũng đã có nhiều giải pháp, từ việc xử lý thu gom đến siết chặt việc đổ, xả rác thải; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân… Tuy nhiên, tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bêu tên loa phường
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trong năm 2020, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của TP.Hà Nội đã kiểm tra tại 2.517 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 1.675 cơ sở gây ô nhiễm môi trường với số tiền phạt gần 12 tỉ đồng. Các vi phạm chủ yếu là xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; các điểm tập kết, phương tiện vận chuyển phế thải xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt chưa chấp hành đúng quy định bảo vệ môi trường... Song, đến nay việc người dân xả rác bừa bãi gần như vẫn chưa có ai bị xử phạt.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ TN-MT sớm trình nghị định hướng dẫn luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi. Theo luật, các địa phương bắt buộc phải đầu tư hạ tầng đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom đến xử lý rác thải, đồng thời xây dựng cơ chế thu hút công nghệ cao trong xử lý rác thải.
|
Theo ông Hiền, sắp tới sẽ có nhiều giải pháp lớn được triển khai trong vấn đề xử lý rác thải. Theo đó, thay vì thu phí xử lý rác kiểu "cào bằng" theo hộ hoặc theo đầu người, các địa phương sẽ phải thu phí rác theo khối lượng hoặc thể tích với nguyên tắc càng thải nhiều rác càng phải trả nhiều tiền thông qua việc bán bao bì đựng rác chuyên dụng. Khi đó, nếu người dân phân loại tại nguồn, phần rác tái chế sẽ không bị tính phí mà chỉ tính phần phí rác không tái chế, tạo động lực để phân loại rác tại nguồn. Đây là giải pháp về kinh tế.
Cùng với đó, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho hay, để tránh tình trạng rác sau khi phân loại xong lại đổ chung một xe, vận chuyển về cùng một bãi, các địa phương phải đầu tư đồng bộ hạ tầng từ phương tiện vận chuyển, hoạch địch tuyến thu gom, các điểm lưu giữ cũng như công nghệ xử lý tương ứng. Đặc biệt, để giám sát việc thực hiện, có nhiều giải pháp giám sát như lắp đặt hệ thống camera ở nhiều nơi. Người vứt rác bừa bãi có thể bị bêu tên trên loa phường hay cuộc họp dân phố.
Bình luận (0)