Xác thực thông tin cá nhân người bán hàng online

Nguyên Nga
Nguyên Nga
05/06/2024 04:14 GMT+7

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công thương mới đây đề xuất bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Người mua ủng hộ để có nơi khiếu kiện

Trao đổi với Thanh Niên, đa số người mua hàng đều bày tỏ ủng hộ đề xuất này để "khi có chuyện" sẽ được giải quyết thỏa đáng. Chị Hoàng Thụy Ái (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết việc mua hàng trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) gặp phải hàng giả, hàng hư hỏng, quá trình gửi trả lại và thu hồi tiền… như mò kim đáy bể. Chị Ái kể cách đây hơn 3 tháng chị mua chiếc nồi chưng yến bằng sứ trên trang TMĐT S., điểm bán hàng chỉ khai là từ Bình Dương. Khi nhận hàng, chị phát hiện nắp nồi bị rạn nứt, không thể sử dụng. Chị gửi phản hồi lên sàn, nhưng đến nay vẫn không được đổi trả lại hàng. "Lý do mà họ viện dẫn là tại tôi không mở ra xem hàng khi nhận, trong khi hàng họ giao tới lúc tôi đi vắng, nhân viên giao hàng bỏ đại ngay trên bàn trước chung cư. Trên bàn đó có hàng trăm gói hàng của người dân mua online, có phải ai mua cũng mở xem tại chỗ đâu. Hơn nữa, tôi đề nghị bên bán đưa số điện thoại, trao đổi trực tiếp, nhưng không thành công", chị Ái bức xúc.

Xác thực thông tin cá nhân người bán hàng online- Ảnh 1.

Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới

Nhật Thịnh

Tương tự, chị Nguyễn Hoàng Nga (Q.11, TP.HCM) cho biết chị mua một số phụ kiện đan móc, trị giá tổng 17 món hàng là 1,7 triệu đồng, tiền thanh toán đủ. Thế nhưng khi nhận hàng, chị kiểm đếm chỉ có 13 món hàng, thiếu 4 món và có 2 món giao sai màu. "Nhắn tin cho cửa hàng, bên đó sử dụng công cụ AI trả lời những câu rất vô nghĩa, không đúng nội dung mình cần hỏi. Khi mình yêu cầu gửi đủ hàng, họ báo có thể trả lại tiền 4 món hàng thiếu. Mình lại không sử dụng ví điện tử trên trang này, bảo họ chuyển qua số tài khoản của mình rồi không thấy đâu. Còn 2 món hàng giao sai thì không được đả động tới", chị Nga bức xúc và cho biết thêm: shop bán hàng trên trang này ghi là từ Quảng Châu (Trung Quốc). "Không rõ quy định cung cấp xác thực thông tin người bán của cơ quan quản lý thì họ cung cấp thế nào? Liệu có xử lý được những trường hợp như của tôi không?", chị Nga băn khoăn.

"Siết" trách nhiệm các sàn TMĐT

Ủng hộ đề xuất "xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT", luật sư (LS) Trần Xoa, Công ty Luật Minh Đăng Quang, nhấn mạnh quy định này cần được thực hiện từ lâu trong bối cảnh một thị trường có nền TMĐT tăng như vũ bão của VN. "Người bán hàng biết rõ và làm việc với sàn TMĐT để bán hàng. Thế nên quy định phải siết sàn TMĐT là chính. Sàn cung cấp dịch vụ, làm cầu nối trung gian giữa người bán và người mua. Quan trọng hơn, họ biết người bán ở đâu và phải có trách nhiệm bảo vệ người mua hàng", LS Trần Xoa giải thích và cho rằng yêu cầu xác thực này chủ yếu áp dụng cho cá nhân kinh doanh online trong nước, bán hàng qua các sàn TMĐT. Người tham gia bán hàng phải khai báo thông tin cá nhân cho sàn. Nhưng quan trọng là khi người mua khiếu nại, người bán phối hợp với sàn TMĐT phải có trách nhiệm và giải quyết thỏa đáng cho người tiêu dùng. Cá nhân, hộ gia đình đăng ký bán hàng qua sàn TMĐT cần phải cung cấp CCCD, mã số thuế cá nhân, mã số thuế doanh nghiệp, mã định danh. Song song đó, các sàn TMĐT phải có hợp đồng cho bên bán cam kết chất lượng sản phẩm để ngăn chặn ngay tình trạng nhiều người tiêu dùng (NTD) mua phải hàng giả trên sàn mà không ai chịu trách nhiệm. Trường hợp cá nhân bán hàng là người nước ngoài, bán hàng trên sàn TMĐT thì khó kiểm soát chất lượng hàng hóa nếu không có sự ra tay của chủ sàn.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét, kinh doanh qua mô hình TMĐT có nhiều thế mạnh, nhưng có 2 "khuyết tật" cần khắc phục. Đó là thất thu thuế và hàng giả, hàng nhái. Đề xuất của Bộ Công thương là mong muốn giảm hàng giả, hàng nhái, bảo vệ NTD. Nhưng phương thức này cần có ràng buộc trách nhiệm của 3 bên, trong đó chủ sàn, trang web bán hàng phải có trách nhiệm về khai báo chất lượng, xuất xứ hàng hóa của bên bán. "Muốn thế, phải nắm được máy chủ của các sàn đặt tại VN. Nếu đặt ở nước ngoài, quy định này chưa khả thi. Cần nắm các sàn có lượng giao dịch lớn, doanh số lớn. Nhóm hàng cần nhắm tới vì dễ có hàng giả, nhái nhiều nhất là thời trang, mỹ phẩm… Cứ làm tuần tự từng bước một, kể cả phối hợp với chính quyền các địa phương ở nước ngoài, cụ thể là các tỉnh thành ở Trung Quốc đang bán hàng online trên thị trường VN, để quản lý chất lượng sản phẩm", ông Phú lưu ý.

LS Trần Xoa đề xuất, Bộ Tài chính cũng đang quản lý việc thu thuế người bán hàng online, bán hàng qua sàn TMĐT, thế nên cần có phần mềm "ráp" các dữ liệu của người bán qua mã số thuế, mã định danh, CCCD được quản lý bởi các bộ Công an, Tài chính và nay là Bộ Công thương; để vừa bảo đảm thu thuế, vừa bảo vệ quyền lợi NTD. Việc bắt buộc khai xác thực thông tin cá nhân người bán trên sàn không có gì khó khăn cả, các sàn TMĐT phải chịu trách nhiệm việc này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.