Xây dựng Quốc hội liêm chính và chủ động

09/07/2021 07:12 GMT+7

Trong 3 tháng đầu tiên tiếp nhận vị trí chủ trì của cơ quan quyền lực nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành nhiều thời gian làm việc với các cơ quan, ủy ban của Quốc hội.

Một Quốc hội liêm chính để giám sát được Chính phủ liêm chính; một Quốc hội chủ động, dẫn dắt thay vì “bắc nước sôi chờ gạo” là tinh thần được tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong hơn 3 tháng nhận trọng trách người chủ trì hoạt động của Quốc hội.

Đừng để tham nhũng chính sách xảy ra ở nghị trường Quốc hội

Ngày 1.4, với 100% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành thông qua nghị quyết, ông Vương Đình Huệ, khi đó đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, được bầu làm Chủ tịch QH khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trước QH, trên cương vị mới, ông hứa sẽ đem hết sức mình, cùng tập thể Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, các cơ quan của QH, các cơ quan của UBTVQH và các vị ĐBQH kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tựu to lớn của QH qua các thời kỳ, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Chúng ta yêu cầu Chính phủ phải liêm chính thì bản thân Quốc hội cũng phải liêm chính, từng đại biểu Quốc hội cũng phải liêm chính, chứ không phải tạo ra những thao túng về chính sách

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ


Trong 3 tháng đầu tiên tiếp nhận vị trí chủ trì của cơ quan quyền lực nhà nước, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã dành nhiều thời gian làm việc với các cơ quan, ủy ban của QH. Trong tất cả các cuộc làm việc, một trong những nội dung được ông luôn nhấn mạnh đó là đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả của QH trên cả ba phương diện: lập pháp, giám sát tối cao, và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại phiên họp thứ 57 của UBTVQH, khi bàn về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 - 2022, Chủ tịch QH đã thẳng thắn cho rằng việc lên chương trình vẫn làm theo kiểu “ăn đong”, “chập chững”, “đến hẹn lại lên, có cái gì trình cái đấy” và đề nghị cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. “Tinh thần lập pháp phải chủ động hơn, vai trò QH phải có dẫn dắt, phải có giao nhiệm vụ”, ông nhấn mạnh. “Cương quyết không chấp nhận bất cứ dự án luật nào không nằm trong chương trình và không chuẩn bị kỹ lưỡng” là điều được Chủ tịch QH nhắc đi nhắc lại.
“Bây giờ đừng có để tham nhũng chính sách xảy ra trong nghị trường của QH. Tôi nói thẳng việc như thế. Chúng ta yêu cầu Chính phủ phải liêm chính thì bản thân QH cũng phải liêm chính, từng ĐBQH cũng phải liêm chính, chứ không phải tạo ra những thao túng về chính sách, ngồi đây ngả nghiêng vấn đề nọ, vấn đề kia, quên hết chức năng, nhiệm vụ”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói tại phiên họp 57 của UBTVQH, với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ.
Ông cũng nhấn mạnh ông muốn quán triệt để có sự thống nhất thực hiện. “Đừng có nói là vận động đồng chí nọ, đồng chí kia đến ngồi đưa thêm cái nọ, cái kia vào. Dứt khoát là không. Việc này phải gương mẫu từ ủy ban của QH. Ủy ban các đồng chí cả nể là việc của các đồng chí. Việc Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, các đồng chí lại đẩy lên cho lãnh đạo QH. QH có phải là chế độ thủ trưởng đâu. Chúng ta làm việc theo chế độ nghị viện tập thể”, Chủ tịch QH nói và đề nghị nêu rõ vấn đề này trong kết luận phiên họp của UBTVQH.
Tại nhiều cuộc làm việc, ông cũng nhấn mạnh việc đổi mới hoạt động để QH chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, từ việc đổi mới kỳ họp, cho tới xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả hoạt động ĐBQH.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri H.Tiên Lãng (TP.Hải Phòng) ngày 10.5

Ảnh: TTXVN

Cơ quan quốc hội không ngồi chờ mà phải đi trước

Là người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở khối hành pháp, tân Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng cho thấy “đường hướng” của người chủ trì QH, là hướng tới một QH “hành động”. Tại phiên họp UBTVQH 55, phiên họp đầu tiên của UBTVQH sau khi kiện toàn các chức danh lãnh đạo, UBTVQH đã thống nhất chủ trương và sau đó, ngày 18.5, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách T.Ư năm 2020.
Trong đó, UBTVQH quyết nghị sử dụng 12.100 tỉ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch Covid-19 với quan điểm: tình hình dịch bệnh và chiến lược vắc xin tại VN gặp nhiều thách thức, “có thể lỗi nhịp” và “lỗi nhịp nhiều hay ít phụ thuộc vào chúng ta”, “phải chạy đua thời gian thì mới khắc phục được rủi ro này”.

Tổ chức cuộc bầu cử QH khóa XV, HĐND các cấp  nhiệm kỳ 2021 - 2026

Cùng lúc được bầu làm Chủ tịch QH khóa XIV, ông Vương Đình Huệ cũng được QH bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia thay cho nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Sau khi đảm nhận nhiệm vụ mới, kế thừa những kết quả trước đó, ông đã chủ trì công tác tổ chức bầu cử QH khóa XV và HĐND các cấp - cuộc bầu cử mà ông khẳng định là “rất đặc biệt” khi diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 rất phức tạp. Kết quả, trong ngày 23.5 có 99,6% cử tri cả nước đã tham gia bỏ phiếu, bầu đủ 500 đại biểu QH khóa XV - tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.

Trong suốt tháng 6, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã liên tục tiến hành các cuộc hội đàm, điện đàm trực tuyến với lãnh đạo Nghị viện các nước và Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tại các cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội luôn dành ưu tiên trọng tâm cho việc thúc đẩy việc tiếp cận và chia sẻ công bằng vắc xin phòng Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
Chiều chủ nhật 13.6, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ triệu tập cuộc làm việc với sự tham gia của lãnh đạo QH và lãnh đạo Chính phủ để cho ý kiến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong đại dịch là vấn đề được Chủ tịch QH đặc biệt quan tâm. Ông cũng nêu quan điểm, “từng bộ, từng ngành các đồng chí rất tích cực, năng động” nhưng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vẫn còn hạn chế. Do đó, ông đề nghị “phải đánh giá kỹ chuyện này và phải có số liệu hẳn hoi, đừng nói chung chung”.
Nhấn mạnh về tính chủ động của QH, với tinh thần “lập pháp phải dẫn dắt”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng nhiều lần yêu cầu các cơ quan của QH phải chủ động vào cuộc sớm trong việc chuẩn bị các nội dung trình UBTVQH và QH. “Không phải chờ đến khi Chính phủ, các cơ quan chức năng có báo cáo thì cơ quan của QH mới tiến hành thẩm tra mà phải đi trước, phải xây dựng được nguồn thông tin riêng, các dữ liệu tin cậy của cơ quan QH phục vụ cho việc thẩm tra”, ông nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.