Xây 'nhà của người Chứt' giữa lưng chừng trời K-Ai

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
03/01/2023 08:30 GMT+7

Bản K-Ai (xã Dân Hóa, H.Minh Hóa, Quảng Bình ), là bản làng hẻo lánh, nằm giữa lưng chừng trời, vây quanh bởi núi rừng Trường Sơn, là nơi quần tụ của cộng đồng người Chứt.

Đầu năm 2023, lần đầu tiên họ đã có ngôi nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào mình, nhờ bàn tay người trẻ.

Gian nan “cõng nhà” lên non

Chúng tôi đã phải xuất phát lúc hơn 4 giờ sáng từ TP.Đồng Hới (trung tâm tỉnh lỵ Quảng Bình) để lên với K-Ai. Biết đường xa ngái, các thành viên chỉ nhai vội ổ bánh mì khô khốc. Nhưng những con dốc gồ ghề, những đoạn cua cùi chỏ và sự rung lắc của chiếc xe tốc hành, làm ổ bánh mì lót dạ cũng… biến đâu mất tiêu, khi đến nơi lúc 10 giờ sáng.

Thấy mọi người có chút… “xác xơ”, anh Phan Chí Nhật (Bí thư Xã đoàn Dân Hóa) tủm tỉm cười. “Đấy là mọi người đang đi lên… người không. Còn đơn vị thi công, suốt mấy tháng qua đã phải lên K-Ai với khối lượng nguyên vật liệu khổng lồ. Sắt thép, xi măng, tôn, gạch… đều được vận chuyển bằng con đường mà các bạn đã đi qua”, anh Nhật nói.

Người dân địa phương trầm trồ với kiến trúc ngôi nhà

NGUYỄN PHÚC

Theo anh Nhật, biết việc thi công vất vả nên Xã đoàn Dân Hóa đã hỗ trợ hàng chục ngày công để phụ giúp đơn vị thi công san lấp mặt bằng, vệ sinh và kể cả xây dựng. “Thi công ở đây thì giá vật liệu và nhân công đều cao, thợ thầy phải làm việc, ăn ở dài ngày trong điều kiện thiếu thốn. Vì thế, chúng tôi đã luôn động viên về mặt tinh thần và có mặt khi đơn vị thi công yêu cầu”, anh Nhật nói.

Trong khi đó, theo anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình, xã Dân Hóa là một xã vùng cao biên giới, kinh tế phát triển chậm, địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt quanh năm. K-Ai lại là bản khó khăn bậc nhất của xã Dân Hóa, với tổng số 126 hộ/670 nhân khẩu hầu hết là bà con đồng bào dân tộc Chứt, một trong những dân tộc thiểu số có số lượng dưới 10.000 người, cần được hỗ trợ để bảo tồn; trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán lạc hậu.

“Cứ mỗi lần đến với K-Ai, chúng tôi, những người trẻ, luôn muốn làm điều gì đó giúp đỡ cho cộng đồng này. Ý tưởng về nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Chứt ở bản K-Ai đã được thành hình từ tháng 7.2019, chính thức xây dựng vào tháng 3.2022 và nay đã hoàn thành”, anh Bàng vui mừng nói.

Và với địa hình, địa vật hiểm trở như bản K-Ai, việc đơn vị thi công cùng các bên liên quan đã chung tay phối hợp với các đoàn viên thanh niên tại chỗ xây dựng hoàn thành công trình theo đúng tiến độ, theo anh Bàng là một nỗ lực đáng ghi nhận. “Tất cả đều cố gắng để bà con được trải nghiệm ngôi nhà cộng đồng ngay trước thềm năm mới. Đến giờ tôi vẫn xúc động vì với số tiền đó, với thời gian đó mà mọi người làm xong công trình to đẹp này”, anh Bàng cho hay.

Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Chứt ở bản K-Ai

Ngôi nhà… đẹp nhất bản

Ngày 27.12.2022, ắt sẽ là một trong những ngày vui, đặt một “mốc son” cho quá trình hình thành và phát triển của người Chứt ở bản K-Ai. Bởi họ đã có ngôi nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào mình. “Đó là ngôi nhà đẹp nhất bản mình rồi”, ông Hồ Ru, 67 tuổi, một dân bản K-Ai, phấn khởi nói.

Trong khi đó, theo thông tin từ chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia, nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Chứt tại xã K-Ai có số vốn đầu tư 1 tỉ đồng, là một trong 16 nhà văn hóa cộng đồng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn quốc. Ngoài ra, công trình còn có sự đóng góp của đoàn viên, thanh niên cả nước khi tham gia vào chương trình chạy bộ gây quỹ với hàng triệu bước chân người trẻ.

“Chúng tôi đã phải bàn bạc suy nghĩ rất nhiều để làm sao có một ngôi nhà đúng với truyền thống, tập tục của người Chứt. Nhà có 1 tầng với diện tích hơn 233 m2 gồm phòng đa năng, sảnh trước và sảnh sau. Ngôi nhà ngoài được lợp tôn kim loại lượn sóng, còn được làm chống nóng bằng... lá cọ, cửa đều sử dụng hệ cửa nhôm, kính cường lực như ở dưới miền xuôi. Thực sự đây là công trình mang tình cảm của tuổi trẻ cả nước với bao tâm huyết”, chị Hoa tâm đắc nói.

Người dân của gần 130 nóc nhà trong bản cũng mừng vui, bởi giờ đây họ đã có nơi sinh hoạt, một điểm đến yêu thương của đồng bào mình. “Chúng tôi kỳ vọng đây còn là nơi sưu tầm, lưu trữ, nghiên cứu và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cũng là nơi để bà con được nâng cao trình độ dân trí, hiểu biết thêm về chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân”, ông Hồ Xy, Bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa, nói.

Mới hay, với sự chân thành, nỗ lực của người trẻ, không có gì là không thể. Xây nhà cho cộng đồng người Chứt ở lưng chừng trời K-Ai là một trong những việc như thế!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.