|
Do không có học sinh
Trường THPT Hưng Hội (ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư, được xây dựng mới khang trang trên diện tích gần 1 ha.
Theo thiết kế, trường được xây dựng 1 trệt, 2 lầu với khoảng 12 phòng học. Tổng vốn đầu tư gần 15 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Song, điều đáng nói là, sau gần 4 năm hoàn thành, ngôi trường này hiện bị bỏ hoang. Sân trường cây cỏ mọc um tùm, cơ sở vật chất bắt đầu xuống cấp. Ngôi trường trông chẳng khác gì ngôi nhà hoang.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân trường bỏ hoang là do không có học sinh đăng ký học. Trường THPT Hưng Hội được quy hoạch và đầu tư xây dựng gần với các trường THPT trong nội ô TP.Bạc Liêu. Theo lãnh đạo UBND xã Hưng Hội (H.Vĩnh Lợi), địa phương có gần 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Tuy nhiên, từ trung tâm xã này đến thành phố Bạc Liêu chỉ khoảng 4 km. Do đó, những học sinh gia đình kinh tế khá giả đều có nguyện vọng được học tại các trường THPT trong thành phố. Còn những học sinh gia đình khó khăn muốn học nội trú, được hỗ trợ nơi ở, chi phí học tập thì đã có Trường THPT Dân tộc nội trú của tỉnh. Vì thế, dù trường được xây dựng hoành tráng nhưng chỉ có một vài học sinh đăng ký học nên không thể đi vào hoạt động.
Đầu tư thêm 5 tỉ đồng để biến đổi công năng !
Nhiều ý kiến cho rằng quyết định thành lập, xây dựng mới Trường THPT Hưng Hội ngay tại địa điểm mà trường đang đóng là hoàn toàn không khả thi, gây lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước và bức xúc trong xã hội. Ngày 20.12, ông Nguyễn Hùng Thái, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bạc Liêu, cho biết để “giải cứu” Trường THPT Hưng Hội không còn cảnh bỏ hoang, mới đây UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở GD-ĐT bàn giao cho Sở LĐ-TB-XH quản lý và thành lập trung tâm bảo trợ xã hội.
Theo đó, sẽ chuyển trường thành nơi nuôi trẻ mồ côi, trẻ tàn tật; nuôi dưỡng người già neo đơn, không nơi nương tựa và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị mua bán ra nước ngoài… Tuy nhiên, theo ông Thái việc tiếp nhận ngôi trường để làm trung tâm bảo trợ xã hội… gặp nhiều vướng mắc, vẫn chưa xác định được đến bao giờ mới đưa vào hoạt động. Bởi công năng từ các lớp học chuyển sang nuôi người già, trẻ mồ côi là hoàn toàn không phù hợp. Chưa kể hàng loạt các công năng khác như điện, nước sinh hoạt, cửa, nhà vệ sinh… phải được chỉnh sửa, hoặc đầu tư mới hoàn toàn rất tốn kém, dự kiến chi phí phát sinh thêm hơn 5 tỉ đồng.
Trần Thanh Phong
>> Xây trường rồi bỏ hoang
>> Trường bỏ hoang mà học sinh thiếu chỗ học
>> Trường học bỏ hoang
>> Lãng phí chợ bỏ hoang
>> Lãng phí các dự án du lịch bỏ hoang
>> Bệnh viện xây mới bỏ hoang
>> Đề nghị tước quyền sở hữu 7 tàu cá bỏ hoang
>> Xây chợ rồi bỏ hoang
>> Bỏ hoang hàng trăm biệt thự
>> Bệnh viện bỏ hoang vì thiếu nước
>> Chưa bố trí được đất để xây trường mới
>> Tài trợ xây trường tiểu học
Bình luận (0)