Với mô hình khởi nghiệp độc đáo này, mới đây Phạm Anh Tuấn (29 tuổi, TP.HCM) đã xuất sắc giành được giải nhất bảng doanh nghiệp trị giá 400 triệu đồng tại cuộc thi Vietnam Startup Wheel 2019. Không những thế, T-Farm (tên của dự án) đã từng vượt qua 1.319 tác phẩm đến từ 68 quốc gia để trở thành một trong 12 thiết kế xuất sắc nhất được trưng bày tại triển lãm Milan - Ý. Và đã sở hữu 2 bằng sáng chế của Mỹ.
Trồng được tất cả các loại cây trong nhà
Xuất thân từ chuyên ngành IT, nhưng trong một biến cố phải nằm một chỗ 4 tháng, đây là khoảng thời gian Anh Tuấn đã nghiên cứu rất nhiều về các thực trạng hiện nay như biến đổi khí hậu, thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm... Từ đó, anh chàng muốn làm một điều gì có ý nghĩa và có thể giải quyết được phần nào những thực trạng đang tồn đọng này.
Khi lân la tìm kiếm một mô hình phù hợp, vô tình được tiếp cận với mô hình thủy canh, Anh Tuấn thấy rất tuyệt vời. Cộng với việc chứng kiến những căn hộ hiện nay rất thiếu các mảng xanh, không gian xanh; rồi những dự án hiện giờ đang cố theo xu hướng xanh nhưng chỉ là ở không gian ngoài trời, còn trong nhà thì dường như là không và rất khó để làm được điều đó, thế là ý tưởng về một khu vườn trong nhà lóe lên.
Không những thế, mô hình của Anh Tuấn còn gây được ấn tượng mạnh khi đã nghiên cứu thành công về công nghệ giả lập khí hậu và thổ nhưỡng cho máy. Theo Anh Tuấn, với công nghệ này sẽ phá vỡ hết những đặc trưng về vùng miền và nhân bản vùng miền đó ra khắp thế giới để có thể trồng được tất cả các loại cây. “Đa số các máy trên thị trường chỉ trồng rau, chứ không trồng được hoa hay các loại dược liệu. Nhưng với T-Farm thì điều đó hoàn toàn có thể. Sản phẩm như một khu vườn thông minh trong nhà, được thiết kế để giúp bạn có thể trồng được bất kỳ loại thực vật nào mong muốn. Bạn muốn trồng rau ăn lá, cây gia vị, cây ăn trái mini hay các loại dược liệu quý… chiếc máy này đều có thể giúp bạn”, Anh Tuấn tự hào.
Máy lọc không khí cỡ lớn
Không chỉ là một chiếc máy trồng cây mà T-Farm được ví như một khu vườn trong nhà với mọi chức năng được tự động hóa như chạy hệ điều hành riêng, tự động hóa hoàn toàn các giai đoạn gieo trồng, kết nối với hệ thống và cập nhật dữ liệu cây trồng mới liên tục, thiết kế linh động trang trí với khu vực phòng khách và bếp hay là không gian xanh cho nhà hàng, quán cà phê…
Phân tích cặn kẽ hơn về những tính năng tự động hóa, Anh Tuấn cho biết đầu tiên là pha dinh dưỡng tự động. Với tính năng này, sau khi người dùng xác nhận trên điện thoại, máy sẽ tự động pha chế dinh dưỡng phù hợp với các loại cây bạn chọn để trồng. Tự động cân bằng pH khi nguồn nước không đảm bảo, tự động cân bằng dinh dưỡng cho cây...
Kế đến là hệ thống tưới nuôi cây tự động, sử dụng phương pháp khí canh để tưới các thể bụi dinh dưỡng nuôi bộ rễ cây. Máy giúp tiết kiệm 95% phân bón, giảm tiêu thụ nước 98% so với các cách gieo trồng thông thường khác (một tháng chỉ tốn khoảng 60 lít nước suy ra 1 năm không hết 1 m3 nước).
Tính năng tiếp theo là khả năng chiếu sáng quang hợp tự động với công nghệ đèn LED chuyên dụng, giúp cây phát triển nhanh hơn và ổn định hơn so với các loại ánh sáng khác. “Điều đặc biệt, mình thiết kế cho cây quang hợp về đêm để cung cấp ô xy tươi cho hộ gia đình. Để làm được điều đó, thì tùy theo sự linh động của không gian sử dụng máy, nếu là nhà ở thì mình cho hệ thống đèn LED hoạt động về đêm để cây thức và quang hợp cung cấp ô xy. Thay vì ban ngày, khi cả gia đình đã đi làm thì sẽ cho cây ngủ, tức là mình đảo ngược chu trình quang hợp của cây”, Anh Tuấn chia sẻ.
Theo Anh Tuấn, máy trồng cây này còn đóng vai trò như máy lọc không khí cỡ lớn. Bởi mỗi loại cây có một tác dụng lọc loại độc trong không khí khác nhau, mà với công dụng trồng được nhiều loại cây trên cùng một máy nên khi có “khu vườn” này trong nhà sẽ lọc được rất nhiều không khí ô nhiễm. “Với sản phẩm này thì khách hàng không cần đầu tư bất kỳ kiến thức nào về gieo trồng. Nếu muốn trồng bất kỳ loại cây nào yêu thích, chỉ cần một thao tác là bỏ hạt giống vào trong máy, mở app trên điện thoại lên, chọn đúng loại cây muốn trồng và xác nhận, mọi công đoạn đều hoàn toàn tự động hóa và khách hàng chỉ cần đợi đến ngày thu hoạch”, Anh Tuấn nói.
Để làm ra được chiếc máy với nhiều tính năng thì khó khăn cũng tỷ lệ thuận. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất theo Anh Tuấn là phải tổng hợp được 5 ngành (thiết kế cơ khí chế tạo máy, sinh học, nông nghiệp, mạch tự động hóa và IT) thì mới tạo ra được chiếc máy này.
Bình luận (0)