Xe

Xe bạn đậu lấn chiếm lòng lề đường thế nào thì bị cẩu về phường?

27/03/2017 14:20 GMT+7

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho Thanh Niên biết: "Khi đoàn kiểm tra có mặt mà chủ xe không có mặt thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hàng niêm phong và cẩu xe vi phạm. Lúc đã niêm phong và đang tiến hành cẩu xe thì không thể giải quyết gì hết".

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho Thanh Niên biết: "Khi đoàn kiểm tra có mặt mà chủ xe không có mặt thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hàng niêm phong và cẩu xe vi phạm. Lúc đã niêm phong và đang tiến hành cẩu xe thì không thể giải quyết gì hết".
Vậy theo luật quy định, thì trường hợp nào xe sẽ bị cẩu về và người chủ xe vi phạm lỗi nào trong quy định quản lý Nhà nước về việc cấm dừng, đỗ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường? 
Thời gian gần đây, đoàn kiểm tra liên ngành thuộc quận 1 liên tục ra quân “giành lại vỉa hè”. Trong đó, các xe ô tô đậu sai quy định cũng thường xuyên bị đoàn kiểm tra yêu cầu cẩu về phường mặc dù chủ phương tiện đã có mặt và xuất trình đầy đủ giấy tờ.
VIDEO: Điểm lại những nhân vật showvbiz từng bị cẩu xe
Các trường hợp bị cẩu xe
Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết Điều 78 Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ xe ô tô đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi sau:
- Điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
- Điều khiển ô tô lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường; người vi phạm mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông;
- Người điều khiển ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;
- Điều khiển ô tô không có Giấy đăng ký xe, không có biển số; không đủ kiều kiện an toàn kỹ thuật;
- Người điều khiển xe ô tô Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 6 tháng;
- Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe khi có tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe; chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ.

Pháp luật đặt ra là để nghiêm trị những người có hành vi vi phạm nhưng cố tình ngoan cố, chống đối. Còn đối với những người vi phạm nhưng biết lỗi, ăn năn thì cũng nên có những cách xử lý hài hòa. Vì mục đích của việc xử phạt là tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hình thức cụ thể hóa đối với việc xử phạt 1 hành vi vi phạm cho chính đối tượng vi phạm. Do vậy, theo tôi cách xử lý tình huống như trên là hơi máy móc và chưa đảm bảo được mục đích và ý nghĩa của việc xử lý hành vi vi phạm

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì “việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.”
Do đó, người vi phạm chỉ phạm lỗi đậu, đỗ xe trái quy định, không thuộc trường hợp được nêu tại Điều 78 Nghị định 46/2016 của Chính phủ và có mặt khi bị kiểm tra, có xuất trình các giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe ô tô…, thì không bị tạm giữ phương tiện, mà theo thứ tự sẽ tạm giữ giấy tờ theo quy định.
Chỉ khi nào người vi phạm vắng mặt hoặc không có/không mang giấy tờ hoặc có mang nhưng không chịu xuất trình giấy tờ để tạm giữ thì mới bị áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm.
Đồng quan điểm, LS Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP.HCM) cho biết thêm chủ phương tiện sẽ bị CSGT cẩu xe về trụ sở trong 3 trường hợp sau đây:
- Trường hợp thứ nhất, khi chủ phương tiện, dừng đỗ xe không đúng quy định, không chấp hành quy tắc giao thông, đỗ xe ở nơi giao nhau với đường sắt, che khuất họng nước cứu hỏa... gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.
Khi không có mặt của chủ phương tiện, cảnh sát giao thông phải xin chữ ký của nhân chứng, lập biên bản tạm giữ phương tiện, đưa phương tiện ra khỏi nơi vi phạm., sau đó thông báo, mời chủ phương tiện lên giải quyết.
Xe đậu dưới lòng đường bị cẩu về trụ sở mặc dù chủ xe đã có mặt trình giấy tờ Ảnh: Ngọc Dương
- Trường hợp thứ hai, nếu cơ quan chức năng phát hiện phương tiện vi phạm mà chủ phương tiện cố tình cố thủ trên xe, không xuất trình giấy tờ, không xuống xe, gây nguy hiểm và ùn tắc giao thông, CSGT buộc phải lập biên bản tạm giữ và đưa phương tiện về trụ sở giải quyết.
- Trường hợp thứ ba, khi phát hiện phương tiện không đủ các yếu tố kỹ thuật để lưu thông như hệ thống phanh hỏng, nổ lốp... hoặc quá niên hạn sử dụng, cảnh sát bắt buộc phải di chuyển khỏi đường giao thông để tránh ùn tắc và ảnh hưởng đến các phương tiện khác.
Cần tính đến yếu tố xử phạt để tuyên truyền
Hiện nay, trong quá trình xử lý vi phạm các cơ quan chức năng thường vận dụng các quy định pháp luật như trên để thực hiện. Tuy nhiên, thực tế lại phát sinh những tình huống như: Khi phát hiện hành vi vi phạm, chờ hoài không thấy chủ phương tiện xuất hiện để lập biên bản xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng chuẩn bị cho cẩu xe vi phạm về đồn để giải quyết thì chủ phương tiện biết được thông tin xe mình bị xử lý vi phạm đã chạy ra để cùng phối hợp giải quyết vụ việc.
Việc làm của UBND quận 1 nhận được sự ủng hộ của nhiều người nhưng cũng có một số ý kiến phản đối Ảnh: Ngọc Dương
LS Nguyễn Đức Chánh cho hay theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì; “Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012”.
Trước khi cẩu xe đi, lực lượng chức năng sẽ khóa bánh xe Ảnh: Ngọc Dương
Do đó, theo LS Chánh khi người vi phạm đã có mặt xuất trình được giấy tờ đầy đủ mà vẫn bị lực lượng chức năng cẩu xe về phường là 'khá cứng', chưa kể người vi phạm còn phải đóng một khoản tiền cho đơn vị cẩu xe.
Theo LS Thảo, đây là một tình huống pháp lý phát sinh trong quá trình giải quyết vụ việc mà vẫn chưa có qui định cụ thể là khi phát hiện hành vi vi phạm mà không có chủ xe thì cơ quan chức năng phải chờ trong bao lâu 5 phút, 10 phút hay 20 phút..., rồi mới được tiến hành thực hiện việc cẩu phương tiện vi phạm về đồn? Khi chủ xe xuất hiện trình bày lý do và hợp tác để cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo quy định thì có nên thực hiện việc cẩu phương tiện về hay không?
“Trong trường hợp pháp luật chưa quy định các trường hợp để giải quyết vụ việc thì chúng ta nên vận dụng cách xử lý tình huống như thế nào vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng phải hết sức nhẹ nhàng, uyển chuyển. Vì pháp luật đặt ra là để nghiêm trị những người có hành vi vi phạm nhưng cố tình ngoan cố, chống đối. Còn đối với những người vi phạm nhưng biết lỗi, ăn năn thì cũng nên có những cách xử lý hài hòa. Vì mục đích của việc xử phạt là tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hình thức cụ thể hóa đối với việc xử phạt 1 hành vi vi phạm cho chính đối tượng vi phạm. Do vậy, theo tôi cách xử lý tình huống như trên là hơi máy móc và chưa đảm bảo được mục đích và ý nghĩa của việc xử lý hành vi vi phạm”, LS Thảo nêu ý kiến.
Trật tự đô thị không lập biên bản đậu xe sai quy định
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Phan Trọng Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 cho biết mỗi lần UBND quận 1 ra quân "giành lại vỉa hè" đều có các lực lượng khác đi cùng để đảm bảo việc xử lý đúng thẩm quyền. Trong đó, việc xử lý các hành vi đậu xe trên vỉa hè, dưới lòng đường do CSGT quận hoặc Công an phường lập biên bản và cẩu xe về các đơn vị này để xử lý theo quy định.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo Đội CSGT Bến Thành, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC 67, Công an TP.HCM) thì khi gặp trường hợp xe vi phạm về dừng, đỗ mà chủ phương tiện có mặt, CSGT sẽ yêu cầu xuất trình giấy tờ:
- Trường hợp người điều khiển phương tiện có đầy đủ giấy tờ CSGT sẽ lập biên bản chứ không tạm giữ phương tiện.
- Trường hợp người điều khiển phương tiện không có giấy tờ CSGT sẽ yêu cầu tự lái xe về trụ sở để giải quyết.
- Trường hợp người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện lái xe (say xỉn, chưa đủ tuổi, không bằng lái,...) hoặc chống đối, không chấp hành biên bản CSGT sẽ lái xe về trụ sở (có người làm chứng cùng ngồi trong xe).
Trường hợp chủ phương tiện không có mặt, CSGT sẽ yêu cầu chính quyền địa phương làm chứng để cẩu xe về trụ sở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.