Xe cứu thương liên tục gây tai nạn: Ưu tiên nhưng… đừng ẩu!

28/08/2021 09:17 GMT+7

Vẫn biết xe cứu thương cần được ưu tiên khi làm nhiệm vụ, tuy nhiên cần rạch ròi một vấn đề là ưu tiên không đồng nghĩa với việc tài xế được… lái ẩu và bất chấp quy tắc giao thông.

Tôi vừa xem đoạn video ghi lại tình huống va chạm giữa hai xe cứu thương xảy ra mới đây tại Đà Nẵng, khiến một y tá bị thương nặng và một bệnh nhân gián tiếp tử vong sau đó tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng.
Đáng nói, xem kĩ hình ảnh được camera quay lại, trong tình huống dẫn đến tai nạn, cá nhân tôi thấy rằng cả hai xe cứu thương đều phóng với tốc độ khá cao và không hề có dấu hiệu cho thấy các tài xế giảm tốc hay quan sát kĩ khi đi qua ngã tư. Đây chắc chắn là nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn thương tâm.
Dĩ nhiên, hậu quả là… chuyện đã rồi. Nhưng có một vấn đề tôi nghĩ rất cần bàn luận, mổ xẻ. Đó là việc các loại xe ưu tiên - cụ thể là các xe cứu thương trong thời gian gần đây liên tục gây ra nhiều vụ tai nạn.
Theo tôi được biết, trước đó chỉ vài ngày, cũng tại Đà Nẵng đã xảy ra một vụ tai nạn khác liên quan đến xe cứu thương tại ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - CMT8 vào sáng 15.8.2021. Nguyên nhân vụ việc cũng xuất phát từ việc tài xế xe cứu thương phóng qua ngã tư với tốc độ cao nhưng không quan sát kĩ và đã tông lật một xe bán tải đã đi vào giao lộ trước.

Khó có thể lấy lý do ưu tiên ra để bào chữa cho những tình huống lái xe cứu thương chạy ẩu, bất chấp nguyên tắc giao thông

ẢNH: MINH HỌA

Nhưng những vụ việc như trên đây không phải hiếm. Chỉ với một vài thao tác tìm kiếm trên mạng về những vụ tai nạn liên quan đến xe cứu thương trong khoảng hai tháng trở lại đây, tôi đã phải hết sức bất ngờ khi kết quả hiện ra rất nhiều vụ tương tự. Có thể kể ra như vụ xe cứu thương vượt ẩu, đâm vào đuôi container vào sáng 19/8 trên đường Hoàng Quốc Việt, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Vụ việc một xe cứu thương ở TP.HCM băng qua ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng với tốc độ cao bị ô tô khác tông lật dẫn đến thương vong (ngày 29.7). Hay trước đó vài ngay là vụ việc một xe cứu thương khác chở sản phụ phóng nhanh, tài xế mất kiểm soát đã đâm vào đuôi xe ben tại Diễn Châu, Nghệ An. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc khác.
Một câu hỏi tôi đặt ra, là tại sao chỉ trong thời gian ngắn gần đây lại liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe cứu thương đến như vậy? (Nên nhớ rằng, khoảng thời gian này rất nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 và đường rất thông thoáng). Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng xem qua các video từ camera an ninh hay camera hành trình ghi nhận, tôi thấy thật khó để có thể bào chữa cho việc các tài xế xe cứu thương đã lái xe quá ẩu và “lạm quyền” khi cầm lái những chiếc xe cứu thương vốn thuộc diện xe ưu tiên.
Chúng ta rất đồng ý rằng, xe cứu thương khi làm nhiệm vụ cần được ưu tiên hết mức vì tính chất công việc, mỗi giây đáng giá bằng mạng sống con người. Nhưng cũng cần nhìn vấn đề hai mặt. Không phải xe ưu tiên là được chạy bất chấp, chạy không cần quan sát, để rồi gây ra tai nạn, chưa thể cứu người đã làm chết người.
Theo tôi tìm hiểu trong luật giao thông đường bộ, các xe ưu tiên như cứu thương, xe quân sự, xe công an hay xe hộ đê khi làm nhiệm vụ sẽ “không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông”.

Cần phải có những giải pháp để hạn chế tối đa những vụ tai nạn thương tâm do lái xe cứu thương chạy ẩu, bất chấp

ẢNH: MINH HỌA

Nhưng về quy tắc tham gia giao thông, tại Điều 4 của luật này cũng nêu rất rõ rằng “việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Ngoài ra, “người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Quy định này có nghĩa các xe cứu thương dù được ưu tiên nhưng về nguyên tắc vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn chung, chứ không phải các tài xế lái loại xe này được nắm trong “kim bài miễn tử’, thích đi thế nào thì đi.
Một vấn đề nữa tôi thấy cần xem xét chính là chế tài xử phạt trong những trường hợp tai nạn liên quan đến xe cứu thương. Qua tìm hiểu trên các văn bản luật, tôi thấy các quy định chủ yếu nhắm đến những phương tiện khác. Trong khi đối với các tài xế lái xe cứu thương chạy không đúng quy tắc gây tai nạn cho xe khác, mức phạt rõ ràng vẫn còn khá chung chung và chưa thuyết phục. Có lẽ, chính điều này đã dẫn đến việc không ít tải xế xe cứu thương “dựa dẫm” và lạm dụng quyền ưu tiên, từ đó chạy ẩu, bất chấp nguy hiểm.
Vẫn biết rằng mọi người tham gia giao thông phải hết sức thông cảm với những tài xế này vì họ phải chịu rất nhiều áp lực từ sự nguy cấp của bệnh nhân, sự hối thúc của người thân… Tuy nhiên, không thể lấy đó là lý do để che lấp, bào chữa cho sự cẩu thả, bất chấp nguyên tắc giao thông của một bộ phận tài xế xe cứu thương.
Những tai nạn thảm khốc, những thương vong về người từ tai nạn do xe cấp cứu chạy ẩu gây ra đang dường như ngày càng tăng mạnh, đó là thực tế cần phải được nhìn nhận. Từ đó tìm ra những giải pháp thực tế hơn, nhằm hạn chế tối đa những “chuyện đã rồi” như vụ việc vừa xảy ra tại Đà Nẵng mới đây.
Quyền ưu tiên của một số loại xe
Điều 22 của Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Đoàn xe tang.
2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ
Khoản 4 và 5 thuộc Điều 4 của Luật giao thông đường bộ 2008 quy định người tham gia giao thông phải:
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.