Gần đây, giới truyền thông đồng loạt đưa tin có nhiều nhãn hiệu ô tô điện sắp trình làng và phân phối tại thị trường Việt Nam, nhất là ô tô điện cỡ nhỏ (mini) xuất xứ Trung Quốc và "đình đám" nhất là mẫu xe Wuling HongGuang.
Được biết, ô tô điện Wuling HongGuang sẽ được lắp ráp và phân phối tại Việt Nam, định vị thuộc phân khúc xe hạng A và hứa hẹn có giá bán lẻ ở mức khá hấp dẫn, khoảng trên dưới 200 triệu đồng. Chính vì vậy, nhiều người đang kỳ vọng ô tô điện cỡ nhỏ từ Trung Quốc này sẽ "sáng cửa" thành công, đồng thời hiện thực hóa giấc mơ ô tô của nhiều người Việt.
Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ mọi chuyện không dễ dàng như vậy. Bởi vì bên cạnh giá bán, việc sở hữu ô tô tại Việt Nam còn vướng phải rất nhiều rào cản khác. Xin nêu một vài quan điểm như sau:
Khả năng ô tô điện cỡ nhỏ thay thế xe máy?
Môi trường tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang bị ô nhiễm nặng bởi bụi và các loại khí thải. Trong khi, ô tô với hệ thống điều hòa có lọc khí ngoài trời và có mái che, sẽ giúp giảm thiểu tác dụng của ô nhiễm không khí và tránh mưa nắng, vì vậy người tham gia giao thông đang có xu hướng thay thế xe máy bằng ô tô. Tuy nhiên, cái khó ở đây là giá xe máy thông dụng hiện nay nằm trong khoảng từ 20 - 40 triệu đồng/xe. Do vậy, để "lên đời ô tô với giá kỳ vọng khoảng 200 triệu đồng/xe như xe Wuling HongGuang thực tế vẫn còn khá xa vời.
Đó là chưa kể đến tính khả thi khi cả gia đình sống ở đô thị lớn phải dùng chung một ô tô cho các nhu cầu khác nhau, từ đưa con đi học đến đi làm… Về lý thuyết thì phương án trên là có thể. Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy. Một gia đình sống ở đô thị lớn tại Việt Nam trung bình có hai con. Hai vợ chồng cũng đi làm ở hai công ty/cơ quan khác nhau. Mỗi con cũng học mỗi trường khác nhau. Do vậy, một gia đình dùng một ô tô để đưa các con đi học và sau đó đi làm ở hai nơi trong thành phố là không hợp lý, tính khả thi rất thấp.
Vấn đề bãi đỗ
Việc đỗ 2 xe máy sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với một chiếc ô tô, cho dù ô tô có kích thước nhỏ gọn như xe hạng A của Wuling HongGuang. Tôi có trò chuyện với một số người sử dụng xe máy tại Hà Nội, họ cho biết có thừa khả năng mua ô tô. Thế nhưng vấn đề chỗ đỗ xe gây cản trở họ. Hơn nữa, với ngõ hẻm chỉ rộng từ 2,5 - 3 mét và việc sử dụng xe máy sẽ dễ dàng hơn nhiều so với ô tô.
Vấn đề tắc đường (kẹt xe)
Tắc đường ở Hà Nội và TP.HCM rất phổ biến, cả trong nội đô lẫn của ngõ ra vào thành phố. Khi tắc đường xảy ra, ô tô điện có thể không phải di chuyển. Tuy nhiên ô tô điện vẫn phải tiêu dùng điện cho điều hòa, đèn xe, âm nhạc, giải trí... Chuyện gì sẽ xảy ra với ắc-qui (pin) của ô tô điện nếu tắc đường kéo dài từ 1 đến 1,5 giờ hoặc lâu hơn?
Vấn đề ngập lụt trong thành phố
Một vấn đề khác cũng cần xem xét là tình trạng ngập lụt trong nội đô đang trở nên nghiên trọng tại các thành phố lớn. Ô tô điện nói chung đều bố trí bộ ắc-qui (pin) dưới sàn xe. Đối với ô tô điện cỡ nhỏ, vị trí bộ ắc-qui trên xe rất thấp, gần với mặt đường. Trong điều kiện ngập lụt, cho dù ắc-qui được bọc và bảo về rất kín vẫn dễ đối mặt với nguy cơ bị ngập nước. Nước có thể thẩm thấu vào khoang chứa ắc-quy qua các khe hở (do lỗi kỹ thuật khi chế tạo) hoặc các vết nứt vỡ của khoang chứa ắc-quy do va chạm với các vật thể trên đường.
Việc này khiến người dân tại các thành phố hay bị ngập lụt sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua ô tô điện, đặc biệt là ô tô điện cỡ nhỏ với đặc trưng là gầm thấp.
Nguồn cung điện và giá điện
Đối với xe điện, điện được xem là "nguồn sống" tương tự xăng hay dầu với xe dùng động cơ đốt trong. Tại Việt Nam, hiện đang xảy ra tình trạng thiếu điện và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã lỗ tới 31.000 tỉ đồng trong năm 2022 vừa qua (lỗ lũy kế đến năm 2023 dự kiến lên đến 99.000 tỉ đồng). Trong khi đó, giá than (dùng để sản xuất ra điện) tăng mạnh. Nếu không tăng giá điện thì EVN lỗ rất lớn. Hậu quả sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh năng lượng và việc cung cấp điện.
Vì vậy EVN đang đề xuất với Chính phủ tăng giá điện. Theo một số chuyên gia, giá điện trong năm 2023 này có thể tăng (từ 5 - 7%). Việc tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí vận hành ô tô điện. Khi ô tô điện trở nên phổ cập hơn, thì tiêu thụ điện sẽ tăng lên tương ứng. Kết quả là giá điện sẽ tăng hơn nữa. Khi đó, ưu điểm chi phí vận hành thấp của ô tô điện so với ô tô dùng động cơ đốt trong truyền thống cũng giảm theo.
Mạng lưới trạm sạc
Các trạm sạc điện hiện nay có thể được xây dựng tại các khu tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, các trạm dừng nghỉ, các khu (trung tâm) du lịch, các trạm xăng-dầu hiện có... Và các trạm sạc có thể do nhà sản xuất ô tô điện, các công ty phân phối xăng - dầu hoặc bên thứ ba đầu tư. Nhưng vấn đề ở chỗ, mạng lưới trạm sạc cho ô tô điện tại Việt Nam còn chưa phát triển. Sẽ mất nhiều thời gian để phát triển các trạm sạc đủ rộng khắp đáp ứng nhu cầu của ô tô điện.
Đối với ô tô điện cỡ nhỏ, ắc-quy ô tô điện có thể sạc tại nhà. Khi một khu dân cư có nhiều ô tô điện thì hệ thống cấp điện thiết kế trước đây khi chưa có ô tô điện sẽ đối mặt với quá tải.
Xu hướng mua ô tô phân khúc B và C gầm cao
Căn cứ theo số liệu bán hàng từ các hãng, trong các năm 2021 và 2022, người tiêu dùng ô tô cá nhân Việt Nam đang có xu hướng ít dùng ô tô con phân khúc xe hạng A, mà chuyển sang dùng ô tô phân khúc B- và phân khúc C- gầm cao và MPV. Do xu hướng chuyển đổi xu hướng sử dụng ô tô nói trên, ô tô điện cỡ nhỏ (thuộc phân khúc A) sẽ rất khó bán cho khách hàng Việt Nam trong tương lai.
Từ các phân tích nêu trên, có thể thấy rõ ràng rằng, sẽ có một con đường dài phía trước để ô tô điện cỡ nhỏ nói chung và các dòng xe điện Trung Quốc nói riêng sẽ phải đi qua để có thể tiến đến thành công tại thị trường Việt Nam.
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một chuyên gia có gần 40 năm làm việc trong ngành ô tô tại Việt Nam. Đóng góp bài viết, câu hỏi xin gửi về xe@thanhnien.vn hoặc thainguyenthanhnien@gmail.com.
Bình luận (0)