Xem các yêu sách biển của Trung Quốc là 'phi pháp', Mỹ chính thức bác bỏ 'đường lưỡi bò'

14/07/2020 11:22 GMT+7

Mỹ tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp”, bác bỏ "đường lưỡi bò" của nước này và lên án chính quyền Bắc Kinh “đang bắt nạt” các nước khác trong khu vực.

Trong tuyên bố hôm 13.7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết: "Thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc ứng xử với Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình". Trung Quốc không cung cấp được bất kỳ cơ sở pháp lý nhất quán nào cho tham vọng thâu tóm Biển Đông và nhiều năm qua luôn bắt nạt các quốc gia khác tại khu vực, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo.

Tuyên bố về Trung Quốc và Biển Đông của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trên trang state.gov.

Chụp màn hình state.gov

“Chúng tôi nói thẳng: Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt láng giềng mà nước này đang triển khai lâu nay nhằm kiểm soát khu vực”, ngoại trưởng Mỹ đưa ra quan điểm chính thức của Mỹ trên state.gov.
Theo ông Pompeo, Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ cơ sở pháp lý cho tuyên bố về "đường lưỡi bò", còn gọi là “đường chín đoạn”. Bắc Kinh lần đầu tiên đưa ra tuyên bố trên vào năm 2009, và đến nay Mỹ mới chính thức lên tiếng bác bỏ.
Ông trích dẫn phán quyết vào tháng 7.2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã xác định Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, cái Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn” không có cơ sở pháp lý.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Reuters

Cụ thể, Mỹ bác bỏ bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc đối với khu vực xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi đá Luconia ngoài khơi Malaysia, khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, và vùng biển xung quanh đảo Natuna Lớn ngoài khơi Indonesia. Trung Quốc cũng không có tuyên bố hàng hải hay chủ quyền hợp pháp nào đối với Bãi Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam).

Bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền Việt Nam.

Chụp màn hình CSIS

Vì thế, Mỹ cho rằng bất kỳ hành vi của Trung Quốc nhằm gây rối tàu cá của nước khác hoặc triển khai hoạt động khai thác khí thiên nhiên tại những khu vực trên, đều là hành động phi pháp.
Trung Quốc cũng không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với bãi cạn James, thực thể ngầm chỉ cách Malaysia 50 hải lý trong khi cách bờ Trung Quốc đến khoảng 1.000 hải lý. “Bãi cạn James hiện này - và không bao giờ - thuộc về Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không thể áp đặt bất kỳ quyền hàng hải nào được xem là hợp pháp tại đây”, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông chỉ trích Bắc Kinh "dùng dọa nạt để làm suy yếu quyền chủ quyền của các nước [nằm bên Biển Đông], chèn ép họ ra khỏi các tài nguyên ngoài khơi, áp đặt kiểm soát đơn phương, và thay thế luật pháp quốc tế bằng 'luật của kẻ mạnh'".
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh nước Mỹ đứng về phía cộng đồng quốc tế để bảo vệ cho quyền tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.