Xem nhanh 12h: Đường Điện Biên Phủ bất ngờ “đổi tên” | Đau thương sau thảm họa động đất

Thanh Niên
Đặng Sinh Tổ chức sản xuất | Yến Thi Biên tập - Dẫn chương trình | Thanh Nguyên Dựng phim | Tấn Cư Quay phim | Cẩm Tú đọc thuyết minh 2 tin | Quỳnh Phương đọc thuyết minh 1 tin
16/02/2023 11:58 GMT+7

Bản tin Xem nhanh 12h ngày 16.2.2023 của Báo Thanh Niên có rất nhiều thông tin đáng chú ý từ trong nước đến quốc tế.

Đường Điện Biên Phủ bất ngờ “đổi tên”

Từ sáng 15.2, khi sử dụng ứng dụng chỉ đường Google Maps thì nhiều người dùng bất ngờ phát hiện đường Điện Biên Phủ tại TP.HCM đã đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp.

Xem nhanh 12h: Đường Điện Biên Phủ bất ngờ “đổi tên” - Ảnh 1.

Đường Điện Biên Phủ bị đổi tên thành Võ Nguyên Giáp trên Google Maps

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Cụ thể, khi mà tìm kiếm đường Điện Biên Phủ tại TP.HCM, trên 3 nền tảng gồm iOS, Android hay trình duyệt máy tính, Google Maps đều cho kết quả đường Võ Nguyên Giáp. Nhiều người đặt ra câu hỏi là TP.HCM đã đổi tên đường Điện Biên Phủ từ bao giờ?

Thế nhưng, ghi nhận thực tế, tại đường Điện Biên Phủ, các biển chỉ dẫn tên đường vẫn đang giữ tên Điện Biên Phủ và chưa có dấu hiệu thay đổi.

Đường Điện Biên Phủ là tuyến đường lớn, chạy qua nhiều quận nội thành của TP.HCM

Phóng viên Báo Thanh Niên đã liên hệ với đại diện Google tại Việt Nam để tìm câu trả lời.

Google Việt Nam lý giải cơ chế hoạt động Google Maps là dựa vào nhiều dữ liệu khác nhau, đôi khi dẫn đến một số thông tin không chính xác. Google xác nhận đây là một sự cố về thuật toán của ứng dụng. Người dùng hoàn toàn có thể báo cáo khi phát hiện thông tin qua 'Trung tâm sự cố' của Google maps.

Cụ thể, Google Việt Nam phản hồi:

"Chúng tôi sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau với mục đích cập nhật và thể hiện thông tin kịp thời trên bản đồ, đồng thời kết hợp sử dụng phương pháp kỹ thuật thủ công và tự động để kiểm tra về độ chính xác. Và khi có bất kỳ vấn đề nào được cảnh báo như trường hợp này, chúng tôi sẽ xử lý và khắc phục nhanh nhất có thể."

Ngay sau khi nhận được báo cáo, Google đã cập nhật và khắc phục lỗi. Khoảng 18 giờ ngày 15.2, Google Việt Nam thông báo Google Maps đã hiển thị lại đúng tên đường Điện Biên Phủ (kéo dài từ quận 10 đến quận Bình Thạnh) như vị trí cũ.

Quân nhân Việt Nam tìm được 3 vị trí nạn nhân động đất Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 15.2.2023, đoàn cứu hộ cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Quân nhân Việt Nam tìm được 3 vị trí nạn nhân động đất Thổ Nhĩ Kỳ

Đoàn chia làm hai đội để thúc đẩy công tác tìm kiếm nạn nhân. Trong đó, đội 1 do Trưởng đoàn là thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam Việt Nam), chỉ huy tìm kiếm tại xã Haci Omer Alpagot thuộc thành phố Antakya (thủ phủ tỉnh Hatay). Trước đó, ngày 14.2 đoàn đã khảo sát hiện trường tại khu vực này.

Đội 2 do thượng tá Nguyễn Duy Minh, Trưởng phòng Mỹ-Úc-Phi, Cục Đối ngoại (thuộc Bộ Quốc phòng), phụ trách, hỗ trợ Đội cứu hộ của Bahrain tìm kiếm tại khu vực dân cư tại đường Harapasi, thành phố Antakya.

Thành phần hai đội đều có bộ đội công binh, chó cứu hộ và quân y. Trước đó, phía Bahrain nhờ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp vì phía bạn không có các thiết bị cứu hộ công binh và chó nghiệp vụ.

Kết quả, lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam trinh sát 8 điểm, phát hiện 3 điểm có người bị nạn. Trong đó, đội 1 đã tìm được hai vị trí có nạn nhân thiệt mạng và bàn giao cho lực lượng cứu hộ hạng nặng địa phương. Đội 2 cùng phía Bahrain tiến vào khu vực sâu và khó tiếp cận nhất ở khu vực đảm nhiệm.

Tại đây, đội 2 đã phát hiện vị trí có nguồn hơi người trong đống đổ nát của một hộ gia đình. Do khối lượng bê tông lớn, đường hẹp, phương tiện máy móc chưa vào hỗ trợ được nên đội đã bàn giao lại vị trí có nguồn hơi cho gia đình để báo cho chính quyền sở tại để tiếp cận hỗ trợ.

Kết thúc ngày tìm kiếm, hai đội trở về nơi đóng quân tại sân vận động Hatay, thành phố Antakya, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

Mang tiếng giết người suốt 39 năm, hai cụ ông được bồi thường hơn 2,7 tỉ đồng

Ngày 15.2, đại diện Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc đã trao số tiền gần 1,1 tỉ đồng bồi thường oan sai cho ông Trần Ngọc Chinh (82 tuổi, trú tại H.Sông Lô, Vĩnh Phúc).

Theo dự kiến, ngày 16.2, cơ quan này sẽ tiếp tục trao số tiền gần 1,7 tỉ đồng, cũng là bồi thường oan sai, cho gia đình ông Trần Trung Thám (trú cùng địa phương, đã chết).

Mang tiếng giết người suốt 39 năm, hai cụ ông được bồi thường hơn 2,7 tỉ đồng

Ông Chinh, ông Thám cùng ông Khổng Văn Đệ (trú cùng địa phương, 100 tuổi) là ba người bị hàm oan trong vụ án giết người xảy ra cách đây đã 43 năm.

Năm 2019, ba ông được Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức xin lỗi công khai, sau đó thực hiện các thủ tục bồi thường oan sai.

Quá trình thương lượng, ông Đệ là người đầu tiên tìm được tiếng nói chung với viện kiểm sát, khi chấp nhận mức bồi thường gần 1,2 tỉ đồng.

Trong khi đó, gia đình ông Chinh và ông Thám khởi kiện Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc, yêu cầu bồi thường tổng số 38 tỉ đồng. Tòa án sau đó tuyên viện kiểm sát bồi thường hơn 2,7 tỉ đồng, trong đó ông Chinh được bồi thường gần 1,1 tỉ đồng, gia đình ông Thám được bồi thường gần 1,7 tỉ đồng.

Trao đổi với Thanh Niên, anh Trần Văn Mạnh (con trai ông Thám) cho biết, số tiền bồi thường mà tòa tuyên không được như mong muốn, dù vậy vụ án đã quá lâu nên gia đình chấp nhận. Ngày 16.2, anh Mạnh sẽ cùng mẹ và một số thành viên trong gia đình làm việc với Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc để giải quyết về số tiền nêu trên.

Theo nội dung vụ án, năm 1980, ông Chu Văn Quản (Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, H.Sông Lô) bị sát hại. Vào cuộc điều tra, cơ quan công an khởi tố, bắt giam 4 bị can, gồm các ông Nguyễn Đình Ký, Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám và Khổng Văn Đệ.

Quá trình giam giữ, ông Thám tử vong vì bệnh. Năm 1983, TAND tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) xác định chỉ một mình bị cáo Ký gây án nên tuyên phạt chung thân về tội giết người, 3 người còn lại không liên quan đến vụ án nên được đình chỉ điều tra.

Tuy nhiên, cũng kể từ đây, không có bất cứ quyết định chính thức nào khẳng định ba ông bị oan. Tai tiếng giết người đằng đẵng đeo bám các ông cùng gia đình.

Đến tháng 10.2019, tức 39 năm sau, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc mới tổ chức xin lỗi công khai đối với những người bị hàm oan.

Con suối vùng cao bị bức tử vì nước bẩn chảy ra từ khe núi

Từ đầu tháng 2.2023 đến nay, nước suối Hón Thành ở thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân, huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, đổi màu nâu đen, bốc mùi hôi tanh.

Dọc con suối dài khoảng 4 km, từ trung tâm thôn Thanh Thủy đến đỉnh núi Cò Nóng của xã Thanh Xuân các loài cá tự nhiên bỗng ngửa bụng, chết trắng bất thường khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Con suối vùng cao bị bức tử vì nước bẩn chảy ra từ khe núi

Tại khu vực đập Hón Thành nằm ở trung tâm thôn Thanh Thủy, một số người đã chèo bè kết bằng luồng đi vớt cá tự nhiên chết. Nhiều loài cá trắm, cá chép, cá rô phi đã chết được người dân vớt lên đem về cho làm thức ăn cho gia cầm.

Suối Hón Thành uốn quanh nhiều khu vực đồi, núi, rừng cây và dài khoảng 4 km. Tháng 2.2023, toàn bộ con suối nước có màu nâu đen. Càng lên phía thượng nguồn nước càng ô nhiễm nặng hơn, mùi hôi tanh bất thường.

Đáng chú ý, ở phía trên khu vực núi có khe nước bẩn chảy ra là khu trang trại chăn nuôi lợn quy mô 17.000 con của Công ty TNHH phát triển chăn nuôi Như Xuân, thuộc thôn Hón Tĩnh, xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân.

Dù tình trạng nước suối Hón Thành bị ô nhiễm bất thường xảy ra từ giữa năm 2022 đến nay, nhưng đến này chính quyền từ cấp xã đến huyện Như Xuân chưa công bố nguyên nhân suối bị ô nhiễm, nguồn nước bẩn từ khe núi chảy ra là từ đâu.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Trịnh Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch phụ trách UBND xã Thanh Xuân, xác nhận từ giữa năm 2022 đến nay nước suối Hón Thành đổi màu bất thường và có mùi tanh.

Còn ông Lê Hữu Đồng, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Như Xuân, thì cho biết đơn vị này đã lấy mẫu nước đưa đi kiểm tra để xác định mức độ ô nhiễm, đồng thời báo cáo cấp trên để có phương án, biện pháp điều tra, tìm hiểu nguồn nước bẩn chảy ra từ khe núi bắt nguồn từ đâu.

Liên quan đến nghi vấn trang trại lợn phía thượng nguồn suối Hón Thành là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm, ông Đồng Văn Thanh, Quản lý trang trại của Công ty TNHH phát triển chăn nuôi Như Xuân, khẳng định trang trại không khoan đục, hay lắp hệ thống ống ngầm để xả nước thải ra môi trường. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết đơn vị này đang cho giảm mực nước chứa trong các bể chứa nước thải để tìm hiểu nguyên nhân xem có hiện tượng thẩm thấu, rò rỉ nước thải ra bên ngoài hay không.

Hậu động đất: Đau thương chưa qua, nỗi lo màn trời chiếu đất, thất nghiệp ập tới 

Hơn một tuần sau trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc tìm kiếm những người sống sót đang dần đi đến hồi kết.

Hiện tại, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để nước này giải quyết vấn đề hàng trăm ngàn người mất nhà cửa và thất nghiệp sau thảm họa này. Hơn 158.000 người đã sơ tán khỏi vùng động đất ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Hậu động đất: Đau thương chưa qua, nỗi lo màn trời chiếu đất, mất việc làm ập tới

Chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, thiệt hại do trận động đất gây ra có thể lên tới 84,1 tỉ USD, theo số liệu của một nhóm kinh doanh.

Theo số liệu chính thức của chính phủ, khoảng 42.000 tòa nhà đã bị sập, cần phải phá hủy khẩn cấp hoặc bị hư hại nghiêm trọng ở 10 thành phố.

Trong khi Tổng thống Erdogan cho biết nhà nước sẽ xây dựng lại các khu vực bị động đất tàn phá trong vòng một năm, những người vô gia cư hiện chỉ cần một chốn nương thân.

Tất cả sẽ có trong Bản tin Xem nhanh 12h, được phát trên thanhnien.vn cùng kênh YouTube Báo Thanh Niên. Kính mời quý vị theo dõi.

Xem nhanh 12h của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 12 giờ trưa mai 17.2.2023 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.