Xem nhanh 20h ngày 5.2: Anh em sinh ba tự nguyện nhập ngũ | Chìm thuyền chở khách đi chùa

Xem nhanh 20h ngày 5.2: Anh em sinh ba tự nguyện nhập ngũ | Chìm thuyền chở khách đi chùa

05/02/2023 19:59 GMT+7

“Xem nhanh 20h” ngày 5.2 trên Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên có nhiều tin tức đáng chú ý về vụ chìm thuyền trên sông Đồng Nai, anh em sinh ba tự nguyện nhập ngũ, món đồ cúng hot ngày rằm tháng giêng và vụ khinh khí cầu Trung Quốc đi lạc,...

Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 5.2 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Bàng hoàng vụ lật thuyền chở người đi chùa trên sông Đồng Nai

Một vụ tai nạn đã xảy ra khoảng 8 giờ 50 phút sáng 5.2.2023 trên sông Đồng Nai, đoạn giao giữa phường Long Bình Tân (thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và thành phố Thủ Đức (thuộc TP.HCM). Vụ việc đã khiến một người tử vong.

Theo thông tin ban đầu, thời điểm gặp tai nạn, chiếc thuyền đang chở khách rời chùa Phước Long (nằm trên cù lao giữa sông Đồng Nai, thuộc thuộc thành phố Thủ Đức) về lại bến đò Xưa (thuộc thành phố Biên Hòa). Thuyền trưởng là anh Nguyễn Trường Chinh (28 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa).

Xem nhanh 20h ngày 5.2: Anh em sinh ba tự nguyện nhập ngũ | Chìm thuyền chở khách đi chùa

Khi ra đến giữa sông cách chùa khoảng 200 mét, thuyền va chạm với sà lan chở container do thuyền trưởng Trần Thanh Tâm (50 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) điều khiển, đi từ hạ nguồn lên Cảng Đồng Nai giao hàng. Cú va chạm mạnh khiến thuyền lật úp, toàn bộ người trên thuyền rơi xuống sông. Phát hiện sự việc, nhiều thuyền gần đó đã chạy lại và vớt được 12 người.

3 anh em sinh ba cùng lúc tự nguyện đi bộ đội

Chuyện một gia đình có ba anh em đi bộ đội có lẽ không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, chuyện một gia đình có 3 anh em trai sinh ba cùng lúc tự nguyện viết đơn nhập ngũ và đều trúng tuyển thì chắc chắn là rất hiếm có.

Câu chuyện này xảy ra tại gia đình ông Nguyễn Văn Sinh (ở ấp 3, xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Điều đặc biệt là gia đình ông Nguyễn Văn Sinh thuộc diện hộ nghèo. Ông Sinh không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm đó.

Hy hữu: 3 anh em sinh ba cùng lúc tự nguyện đi bộ đội

Theo quy định, nếu như gia đình ông Sinh có đơn xin thì Hội đồng xét tuyển sẽ xem xét tạm hoãn nghĩa vụ với cả 3 người con. Tuy nhiên, 3 thanh niên này và gia đình đã không xin hoãn mà còn tự nguyện đi cả ba.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Tam An, cho biết để động viên, hỗ trợ gia đình, Ban Chỉ huy quân sự và Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện Long Thành đã vận động được 120 triệu giúp ông Nguyễn Văn Sinh sửa lại căn nhà theo chương trình “Ngôi nhà hậu phương”. Trong ngày hội tòng quân, chính quyền sẽ trao phần quà này cho gia đình.

Một niềm vui nữa với gia đình ông Sinh là cả ba người con trai của ông sẽ được phân về cùng một đơn vị là Lữ đoàn pháo binh 96 (thuộc Binh chủng pháo binh, đóng tại xã An Phước, huyện Long Thành).

Bán trăm con gà ngậm hoa hồng ngày rằm tháng giêng tại chợ Hàng Bè

Những con gà trống được luộc vàng ươm, mỏ ngậm hoa hồng đỏ trông vô cùng quyến rũ nằm chờ khách lựa… Đây là những con gà được tiểu thương chợ Hàng Bè (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) trang trí cẩn thận, tạo dáng đẹp mắt, phục vụ khách hàng trong ngày rằm tháng giêng. Người làm ở tiệm của chị Dương Mỹ Hải từ 2 giờ sáng đã thức dậy; người làm gà, người luộc gà, trang trí gà,... Ai cũng tất tả, luôn chân luôn tay. 

Những con gà được tiểu thương chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) trang trí cẩn thận, tạo dáng đẹp mắt, phục vụ khách hàng trong ngày rằm tháng giêng

Những con gà được tiểu thương chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) trang trí cẩn thận, tạo dáng đẹp mắt, phục vụ khách hàng trong ngày rằm tháng giêng

Ngọc Vũ

"Để có được con gà ngon và đẹp thì tất cả các khâu đều quan trọng. Từ khâu chọn con gà đến khâu làm sạch và khâu luộc. Khâu trang trí là khâu sau cùng và nhanh nhất. Để hoàn thiện một con gà, khâu cuối cùng là mình vớt gà ra, tráng qua âu nước sạch và vớt lên. Trang trí là mình chỉnh cho nó cân đối và cài thêm bông hoa hồng màu đỏ vào", chị Dương Mỹ Hải, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội cho biết.

Những con gà cúng được chọn phải là gà trống, mã đẹp được nhập từ đất nuôi gà nổi tiếng như: Thái Nguyên, Sơn Tây, Phú Thọ...  nặng từ 1,5 – 3,5kg. Khi có khách mua hàng, người bán sẽ cân gà lên rồi tính tiền.  

Gà cúng rằm bán đắt như tôm tươi ở chợ nhà giàu Hà Nội

"Cài một bông hoa hồng đỏ son vào gà lễ. Bông hoa tượng trưng cho sự may mắn, màu đỏ tượng trưng cho điều muốn xua tan hết những điều không may mắn của năm cũ. Một con gà lễ của gia đình mình bán giao động từ 400.000 đồng đến hơn 500.000 đồng/con và bán theo cân", chị Dương Mỹ Hải, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội cho biết thêm. 

7 giờ sáng ngày rằm tháng giêng, người dân đến mua gà về thắp hương đông theo từng đợt. Cửa hàng nhà chị Hải phải huy động hơn 4 người phục vụ bán đồ cho người mua. 

"Gà này, ăn rất thơm và dai thịt. Nó là gà ta, tôi rất thích. Từ xưa, công việc đi làm cũng rất bận rộn nên là đã qua đây ăn và mua kiểm nghiệm rồi. Nói chung gia đình nhà bác này làm rất sạch sẽ, tôi mua lâu rồi và ăn thơm ngon. Người bán hàng, các bác làm vui vẻ. Ví dụ mình yêu cầu xin thêm nước về nấu canh hoặc gia vị cũng vui vẻ để lại cho mình", bác Nguyễn Thị Lan, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội chia sẻ. 

 Gà cúng rằm bán đắt như tôm tươi ở chợ nhà giàu Hà Nội - Ảnh 2.

Những con gà cúng được chọn phải là gà trống, mã đẹp được nhập từ đất nuôi gà nổi tiếng như: Thái Nguyên, Sơn Tây, Phú Thọ... nặng từ 1,5 – 3,5kg

Ngọc Vũ

"Mình vào đây để mua gà về cúng rằm tháng giêng. Mình thấy ở đây khách hàng mua rất đông mà nhà bác đã làm hơn chục năm rồi. Gà có uy tín, sạch sẽ, tươi ngon. Hàng năm, ngày giỗ, ngày Tết, mồng 1 mình ra đây mua gà. Mua về thấy hợp lý và thuận tiện", chị Đặng Thị Lợi, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội chia sẻ thêm.

Vào những ngày rằm thông thường trong năm, cửa hàng của chị Hải bán ra từ 100 – 200 con gà cúng luộc sẵn. Riêng ngày rằm tháng giêng, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao nên số lượng bán ra lên tới 500 – 700 con/ngày. 

 Gà cúng rằm bán đắt như tôm tươi ở chợ nhà giàu Hà Nội - Ảnh 3.

Vào ngày rằm tháng giêng, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao nên số lượng gà cửa hàng chị Hải bán ra lên tới 500 – 700 con/ngày.

NGỌC VŨ

"Sau hơn 10 năm bán hàng, có những khách mà tháng nào họ cũng mua. Cái dịp mình bán được gà lễ nhiều nhất trong năm là giao thừa. Sau đó là rằm tháng giêng", chị Dương Mỹ Hải, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội cho biết.

Rằm tháng giêng hay Tết Nguyên tiêu là ngày lễ quan trọng của người dân Việt Nam. Vào ngày này, người dân thường cúng bái tổ tiên, trời đất, cầu tài lộc, bình an trong cuộc sống. Gà luộc sẵn không chỉ là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ cúng mà còn là món hàng hóa nổi tiếng bậc nhất khu chợ Hàng Bè. 

"Thứ đầu tiên là mình thấy đẹp mắt. Thứ hai là về tâm linh, mình thấy bông hoa hồng rất đỏ đem lại sự may mắn cho đình. Mọi người thích thì mình cũng thích thôi", bác Nguyễn Thị Lan, Q.Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội chia sẻ.

"Xem nhanh 20h" của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai 6.2 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.