Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 12.11 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Tại sao tạm ngừng phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan?
Ngày 12.11, do chưa đủ cơ sở để đề nghị mức án, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM quay lại phần xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng, trong giai đoạn 1.
"Bị cáo ra tòa mới biết việc tái cơ cấu là vi phạm pháp luật. Vừa mất tiền lại còn đi tù. Bị cáo không ký bất cứ cái gì hết tại SCB và không rút tiền của ngân hàng này mà chỉ là vay mới trả cũ. Nhưng sẽ chịu trách nhiệm với anh em SCB. Bị cáo mong tòa xem xét cho tội danh với mức án phù hợp, cho bị cáo có cơ hội được trở về", bị cáo nghẹn lời.
Xem nhanh 20h ngày 12.11: Rắc rối về ‘núi’ tài sản Trương Mỹ Lan
Đại diện Viện kiểm sát hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về 658 mã tài sản ở phụ lục 9. Bị cáo khai, trong 658 mã tài sản có 2 dự án lớn là dự án cảng Sài Gòn và siêu dự án Amigo. Nếu dự án được phát triển đúng thời điểm và kịp thời thì sẽ mang về không dưới 200.000 tỉ đồng.
Bị cáo Lan khẳng định, 658 mã tài sản này không đảm bảo cho bất kỳ khoản vay nào khác nên bị cáo đồng ý dùng khắc phục hậu quả cho SCB. Nếu SCB không đủ tài sản thì bị cáo sẵn sàng mang tài sản ra hỗ trợ cho SCB tái cấu trúc.
"Đối với 440 mã tài sản không định giá được, trên sổ sách có giá trị khoảng 620.000 tỉ đồng, còn thực tế thì theo bị cáo là bao nhiêu?", đại diện Viện kiểm sát hỏi.
"Theo kinh nghiệm bị cáo thì trên 100.000 tỉ đồng. Còn dự án 6A theo như định giá của Công ty Hoàng Quân thì được khoảng 16.000 tỉ đồng", bị cáo Lan trả lời.
Tiểu thương chợ cá cảnh về đêm ví von là 'nghề của cả họ': Hé lộ lý giải bất ngờ
Khung cảnh chợ cá cảnh nhộn nhịp lúc 3 giờ sáng giữa lòng TP.HCM, ngay góc đường Trần Hưng Đạo - Lưu Xuân Tín, quận 5. Người mua, kẻ bán, cứ thế tấp nập cho đến lúc 6 giờ sáng là tan chợ.
Tiểu thương chợ cá cảnh về đêm ví von là 'nghề của cả họ': Hé lộ lý do bất ngờ
“Nghề truyền thống” hay “nghề của cả họ” là cách gọi thân thương của nhiều tiểu thương bán cá cảnh về đêm ở đây. Bởi lẽ đây không chỉ là nghề giúp họ kiếm tiền trang trải cuộc sống mà còn là nghề từ cha ông truyền lại. Cũng vì lẽ đó mà nhiều người quyết tâm bám trụ và truyền nghề cho con cháu mai sau.
Chòi hàng 0 đồng nhỏ nhất TP.HCM: Ai cũng có thể làm người thiện
Chị Lành về xã Nhơn Đức (H.Nhà Bè) sinh sống được 4 năm. Thấy ở đây còn nhiều mảnh đời khó khăn, thiếu thốn, chị quyết định "không có của thì sẽ giúp công". Đầu năm nay, chị bàn với chồng mắc sào rồi treo quần áo của gia đình, bạn bè tặng tạo thành gian hàng 0 đồng để giúp mọi người. Những bộ quần áo cũ nhưng thiết thực với nhiều người, chị Lành duy trì hoạt động bằng cách lên các hội nhóm mạng xã hội xin hỗ trợ.
Bà chủ chòi hàng 0 đồng nhỏ nhất TP.HCM bật mí món đồ 'các anh công nhân rất hảo'
"Ban ngày đi làm, tối về tôi phụ vợ đi chở quần áo cũ người ta cho, có điểm cách nhà mấy chục cây số vẫn ráng đi", anh Trương Đăng Chung, chồng chị Lành, cho hay.
Ban đầu, gian hàng chỉ vỏn vẹn có 1 cây sào để treo quần áo. Chị Lành ở nhà vừa chăm con nhỏ, vừa duy trì hoạt động của gian hàng, sáng 7 giờ đem ra, tối 22 giờ lại dọn vào. Mới đây, chị quyết định nâng cấp thêm mái che, chòi tạp hóa cũng mở xuyên đêm, phục vụ thêm những ai đi sớm về khuya.
"Ai có gì góp đó, ai cần gì lấy đó. Người có tiền thì đi làm nhiều việc thiện, tôi không có tiền thì góp ít công sức làm người thiện", chị Lành chia sẻ.
Bản tin "Xem nhanh 20h" sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)