Ông Budanov nói: “Những nơi còn lại trên tiền tuyến mà quân Nga còn đang tấn công là ở thành phố Bakhmut, nỗ lực bao vây thành phố Avdiivka từ phía bắc và giao tranh cục bộ ở thành phố Marinka. Cả ở Avdiivka và Marinka, các chiến thuật Nga sử dụng đều giống hệt như ở Bakhmut, tức là nỗ lực nhằm quét sạch các khu định cư khỏi bề mặt trái đất".
Ông Budanov cũng cho biết có rất ít khả năng thị trấn Vuhledar sẽ bị Nga kiểm soát.
Trong lúc đó, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 24.4 cho biết lực lượng nước này đang tiếp tục chiến đấu với quân đội Ukraine ở khu vực phía tây Bakhmut. Pháo binh, máy bay chiến đấu và lực lượng đổ bộ đường không Nga đã ngăn chặn nỗ lực phản công của Ukraine vào hai bên sườn của Bakhmut.
Ông Konashenkov cũng cho biết Nga đã tấn công lực lượng dự bị của quân đội Ukraine đang tiến về Bakhmut trong ngày qua.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định rằng các lực lượng Nga đang tập trung vào mục tiêu kiểm soát Bakhmut càng cớm càng tốt trước khi Ukraine tung ra chiến dịch phản công đã được trông đợi từ lâu. Theo viện nghiên cứu này, nhóm quân sự tư nhân Wagner tiếp tục chịu tổn thất nhưng có khả năng hoàn tất việc kiểm soát thành phố Bakhmut không sớm thì muộn.
Bản cập nhật tình hình chiến sự của tình báo Anh nói dựa trên số liệu của Ukraine, thương vong hàng ngày của Nga đã giảm khoảng 30% trong tháng 4. Tình báo Anh dù không thể xác minh con số thương vong nói trên, nhưng vẫn cho rằng xu hướng này có thể chính xác, và có thể phản ánh cuộc tấn công mùa đông của Nga đã không đạt được mục tiêu.
Chuyển sang một thông tin khác, vụ rò rỉ tài liệu quân sự mật của Mỹ đã đưa ra ánh sáng một loạt thông tin quan trọng, trong đó có nhiều thông tin liên quan chiến sự Ukraine. Báo The Washington Post mới đây phát hiện được từ số tài liệu mật này thông tin nói rằng Ukraine đã từng lên kế hoạch tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga vào hồi tháng 2 năm nay nhưng cuối cùng đã không thực hiện.
Trong những tháng qua đã xảy ra một số vụ tấn công sâu trong lãnh thổ Nga. Ukraine không thừa nhận trách nhiệm về những vụ tấn công đó, nhưng giới chức Kyiv ít nhiều cũng có úp mở vai trò của lực lượng nước này. Ví dụ như sau các cuộc tấn công vào Crimea, tướng Valeriy Zaluzhnyi, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, viết trong một bài bình luận trên báo rằng mục tiêu của những vụ tấn công như vậy là để “người Nga phải cảm nhận rõ ràng hơn sự nguy hiểm, cho dù khoảng cách có rộng lớn đến đâu”.
Sau bài báo của tờ The Washington Post về kế hoạch tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, một quan chức Ukraine đã bác bỏ thông tin này và gọi đó là “chiêu giật gân truyền thông”. Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak viết trên Twitter rằng: “Sao chúng tôi lại cần làm điều này? Có làm thay đổi chiều hướng chiến trận không? Có làm người Nga phải bỏ chạy không? Có làm mất nhu cầu vũ khí không”. Và ông tiếp tục kêu gọi phương Tây cung cấp thêm các loại tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu.
Liên quan đến tình hình chiến sự, tờ The Guardian hôm 25.4 dẫn lời một quan chức khu vực cho biết các lực lượng Ukraine đóng ở phía tây sông Dnipro thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào bờ phía đông.
Ông Yuriy Sobolevskiy, phó chủ tịch hội đồng tỉnh Kherson của Ukraine, cho biết các cuộc tấn công nhằm làm giảm khả năng chiến đấu của các lực lượng Ukraine. Ông cho biết: “Quân đội Ukraine rất thường xuyên vượt sông đến tả ngạn và tiến hành các cuộc đột kích. Các lực lượng vũ trang Ukraine đang làm việc rất hiệu quả".
Các lực lượng Nga đang kiểm soát vùng Kherson bên bờ đông của sông Dnipro kể từ khi rút khỏi thành phố Kherson bên bờ tây vào tháng 11. Ukraine được cho là sẽ tiến hành một cuộc phản công vào mùa xuân để cố gắng chiếm lại nhiều lãnh thổ hơn. Kherson là một trong những khu vực bị chiếm đóng một phần của Ukraine mà Nga tuyên bố đã sáp nhập.
Ông Sobolevskiy không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nói rằng một chiến dịch quân sự đòi hỏi sự bí mật về thông tin.
Hôm 23.4, bà Natalia Humenyuk, phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy miền nam Ukraine, đã từ chối bình luận về thông tin các lực lượng Ukraine đã vượt sông Dnipro, tạo chỗ đứng ở bờ đông. Trong khi đó, người đứng đầu khu vực Kherson do Nga hậu thuẫn Vladimir Saldo ngày 23.4 phủ nhận rằng lực lượng Ukraine đang ở tả ngạn sông Dnipro. Ông Saldo cũng khẳng định Nga hoàn toàn kiểm soát khu vực này.
Ở một diễn biến khác, một quan chức ngoại giao Nga mới đây cảnh báo rằng Moscow và Washington đang trên quỹ đạo đối đầu quân sự trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ đối đầu hạt nhân.
Về hiệp ước New START, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố đình chỉ hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ vào hồi tháng 2.
Theo Reuters, Mỹ và Nga nắm giữ gần 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới, một con số đủ để hủy diệt hành tinh nhiều lần. Chính vì thế, New START được xây dựng nhằm đặt ra hạn chế đối với số lượng thiết bị hạt nhân Nga và Mỹ triển khai trên thế giới. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Moscow và Washington được phép triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa và máy bay ném bom trên đất liền và trên tàu ngầm.
Cũng trong phát biểu vừa rồi, ông Vladimir Yermakov, giám đốc Cục Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố Nga không quan tâm phương Tây nghĩ gì về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus và chỉ có "an ninh của Nhà nước Liên minh Nga và Belarus" mới là điều quan trọng.
Ông nhắc đến viện NATO đã phớt lờ các quan ngại của Nga suốt nhiều thập niên qua về việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Còn tại một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 24.4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói thế giới đang ở "ngưỡng nguy hiểm", sau khi Tổng thư ký LHQ cảnh báo nguy cơ các cường quốc xung đột "cao nhất lịch sử".
Ông Lavrov nói: "Thế giới đã chạm đến ngưỡng nguy hiểm như trong Chiến tranh Lạnh, thậm chí còn nghiêm trọng hơn".
Ngoại trưởng Nga cáo buộc Mỹ cùng đồng minh phương Tây đang từ bỏ con đường ngoại giao và muốn tạo ra đối đầu tại LHQ. Ông Lavrov cho rằng Hội đồng Bảo an nên được cải tổ để tăng cường đại diện cho châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, bởi "sự đại diện thái quá" của phương Tây đang "làm xói mòn nguyên tắc chủ nghĩa đa phương".
Ông Lavrov đưa ra tuyên bố sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu mở đầu phiên họp, cảnh báo về căng thẳng giữa các cường quốc cũng như nguy cơ xảy ra xung đột "đang cao nhất lịch sử".
Ông Guterres chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga đang "gây ra sự đau khổ và tàn phá khủng khiếp cho đất nước và người dân Ukraine". Đại sứ các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp cũng có phát ngôn lên án chiến dịch quân sự của Nga.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, Washington mới đây đã đề xuất nhóm G7 cấm toàn bộ xuất khẩu sang Moscow. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã phản đối đề xuất này.
Theo tờ The Guardian, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích mạnh mẽ các động thái của thành viên NATO ở phía tây Thái Bình Dương, đặc biệt là liên minh giữa Úc, Anh và Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ trích mối quan hệ ngày càng khăng khít của Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á.
Ông Lavrov cũng cáo buộc đại sứ quán Mỹ ở Moscow ngăn cản các nhà báo Nga đi cùng ông tới New York bằng cách chỉ chấp nhận thị thực của họ sau khi máy bay của ông cất cánh.
Bộ trưởng Nga nhấn mạnh rằng chủ nghĩa đa phương là một phần quan trọng trong hiến chương Liên Hiệp Quốc và cáo buộc Mỹ và các đồng minh phá hủy toàn cầu hóa bấp chất những lợi ích của nó.
Cũng trên mặt trận ngoại giao, đại sứ Trung Quốc tại Pháp gần đây đã có phát ngôn gây nên sự giận dữ không chỉ trong số các nước từng là thành viên của Liên Xô cũ mà cả châu Âu nói chung. Phát ngôn gây tranh cãi của ông có nhắc cả đến tình trạng của bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập từ Ukraine hồi năm 2014. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24.4 đã phải lên tiếng về vấn đề này.
Reuters đưa tin Nga cần khoảng 6,1 tỉ USD để phát triển một dự án máy bay không người lái (UAV) mới do Tổng thống Vladimir Putin công bố hồi tháng 2.
Trang tin RBC của Nga dẫn các nguồn thạo tin cho hay chiến lược phát triển UAV giai đoạn đến năm 2030 phải được phê duyệt trước ngày 1.6 và bao gồm chi tiết về sản xuất và tài chính.
Hồi tháng 2, Tổng thống Putin cho biết Nga cần đẩy mạnh sản xuất UAV và tạo hạ tầng cho ứng dụng rộng rãi. Dù Nga có sản xuất nhiều UAV, Moscow vẫn phải sử dụng mẫu UAV mà Ukraine và phương Tây cho là của Iran trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bình luận (0)