Xem nhanh: Ngày 370 chiến dịch, Ukraine sẵn sàng phản công; máy bay Nga bị 'quân mình' bắn nhầm?

Xem nhanh: Ngày 370 chiến dịch, Ukraine sẵn sàng phản công; máy bay Nga bị 'quân mình' bắn nhầm?

01/03/2023 22:56 GMT+7

Ngày 1.3 đánh dấu ngày đầu tiên của mùa xuân ở Ukraine. Nói cách khác, Ukraine đã vượt qua những tháng mùa đông được cho là khắc nghiệt nhất từ trước đến nay.

Từ tháng 10 năm ngoái, Nga liên tiếp tiến hành các cuộc tập kích diện rộng bằng tên lửa và máy bay không người lái vào khắp Ukraine, phá hủy khoảng một nửa hạ tầng điện của nước này.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hôm 28.2 bình luận: "Hôm nay là ngày cuối cùng của mùa đông. Tôi có thể tự tin nói rằng chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Chúng ta đã vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng, các hộ gia đình được sưởi ấm".

Ông Shmyhal cho biết Ukraine không còn tình trạng thiếu điện 17 ngày liên tiếp. Ông khẳng định Ukraine sẽ không thiếu hụt điện trong tương lai gần nếu như không còn bị tập kích tên lửa diện rộng.

Trong thời điểm này, Nga tiếp tục khép vòng vây quanh thành phố chiến lược Bakhmut ở tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine), một cố vấn Tổng thống Ukraine hôm 28.2 nói lực lượng nước này có khả năng "rút lui chiến lược" tại đây.

Cố cấn Alexander Rodnyansky nói "Nga đang cố gắng bao vây thành phố, và đã điều động các đơn vị Wagner tốt nhất để làm điều này".

Ông Rodnyansky nói quân đội Ukraine sẽ cân nhắc tất cả lựa chọn, trong đó có "rút lui chiến lược" khỏi thành phố Bakhmut để tránh tổn thất vô ích.

Ông khẳng định Ukraine đã củng cố tuyến phòng thủ phía tây Bakhmut và sẽ sớm tổ chức phản công.

Bắt đầu từ mùa hè 2022, cuộc tấn công thành phố Bakhmut là trận đánh kéo dài nhất của lực lượng Nga từ khi xung đột với Ukraine bùng phát. Bakhmut được coi là đầu mối giao thông quan trọng tiếp tế cho lực lượng Ukraine tại vùng Donbass. Kiểm soát Bakhmut cho phép quân đội Nga tạo bàn đạp để tiến công các thành phố quan trọng khác ở tỉnh Donetsk.

Bakhmut là nơi chứng kiến giao tranh khốc liệt nhất trong nhiều tháng qua. Theo tạp chí Forbes, điều này thể hiện rõ ràng nhất ngay từ mùa hè năm ngoái, khi quy mô tổn thất của quân Nga xung quanh thị trấn trở nên nhiều đáng kể. 9 tháng sau, khi trận chiến giành Bakhmut đang diễn ra gay gắt, cả hai bên đều không có dấu hiệu sẽ lùi bước.

Trong một bản tin trên đài CNN mới đây, binh sĩ Ukraine cố thủ tại Bakhmut thừa nhận thực tế khó khăn hơn nhiều.

Đài CNN hôm 28.2 dẫn lời một người lính Ukraine giấu tên nói: “Tình hình tại Bakhmut hiện nay cực kỳ khó khăn, tồi tệ gấp nhiều lần so với thông tin chính thức… đặc biệt là phía bắc”.

Người lính này cho biết Bakhmut chưa bị bao vây hoàn toàn, nhưng quân đội Nga đang tìm cách cắt đứt tuyến tiếp tế cuối cùng. Ông khẳng định quân đội Ukraine “sẽ bảo vệ thành phố đến cùng” vì “nỗ lực bám trụ Bakhmut nhằm tạo thêm thời gian cho chiến dịch phản công trong mùa xuân”.

Quân đội Ukraine đang lên kế hoạch cho một cuộc phản công quy mô lớn vào mùa xuân này nhằm giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 28.2 cho biết, ông đã họp với các tư lệnh quân đội để thảo luận tình hình và bàn kế hoạch phản công.

Và trong bối cảnh trên, quân đội Ukraine mới đây thông báo quyết định gửi thêm viện binh đến Bakhmut trong nỗ lực bảo vệ thành phố này.

Hôm 1.3, Nga đã đệ trình các sửa đổi luật mới lên quốc hội nhằm tăng cường hơn nữa luật kiểm duyệt của nước này. Theo đó, Moscow dự kiến sẽ tăng hình phạt lên đến 15 năm tù giam cho tội làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang và các tổ chức quân sự tự nguyện như nhóm Wagner.

Chủ tịch Duma Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nói rằng bất kỳ hành vi công khai phổ biến thông tin sai lệch có chủ ý về các lực lượng đều sẽ bị trừng phạt, theo các sửa đổi của bộ luật hình sự, Reuters đưa tin.

Trong một bài đăng trên Telegram, ông Volodin viết: "Cũng như các hành động công khai nhằm làm mất uy tín của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, các tổ chức, tổ chức và cá nhân tình nguyện được tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ được giao cho đều sẽ bị trừng phạt".

Hình phạt dự kiến sẽ là: nộp phạt 5.000 rúp (hơn 1,5 tỉ đồng), lao động cải huấn hoặc lao động khổ sai lên đến 5 năm, cũng như phạt tù lên đến 15 năm.

Trước đó vào ngày 28.2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký ban hành một luật mới liên quan việc đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Mỹ và Nga.

Các nghị sĩ Phần Lan chiều 1.3 có cuộc bỏ phiếu để đẩy nhanh quá trình gia nhập NATO của nước này.

Cả Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ chính sách không liên kết quân sự kéo dài hàng thập niên của họ và nộp đơn xin gia nhập NATO vào hồi tháng 5.2022.

Đối mặt với ít rào cản ngoại giao hơn Stockholm, Helsinki muốn tiến lên ngay cả trước cuộc tổng tuyển cử ở Phần Lan vào tháng 4, vì dư luận cũng ủng hộ tư cách thành viên của nước này.

Phần Lan và Thụy Điển có sự ủng hộ của tất cả ngoại trừ hai trong số 30 thành viên của NATO, đó là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc thông qua một dự luật có nghĩa là Phần Lan có thể hành động nhanh chóng ngay cả khi việc phê chuẩn được đưa ra trước khi một chính phủ mới được thành lập.

Hôm 28.2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Phần Lan cho biết: "Bây giờ là lúc để phê chuẩn và hoàn toàn hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển với tư cách là thành viên (NATO)".

Ông Stoltenberg cũng cho biết các quốc gia thành viên NATO đã đồng ý chấp nhận Ukraine tham gia vào liên minh quân sự. Tuy nhiên ông Stoltenberg lưu ý rằng đó là trong tương lai xa bởi vì ưu tiên hiện tại là đảm bảo để Ukraine "thắng thế với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và độc lập".

Ông cũng nói thêm rằng, sau khi cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga kết thúc, các bên cần phải đảm bảo rằng lịch sử không lặp lại. Để đạt được mục tiêu đó, người đứng đầu NATO cho biết, khối này cần tăng cường khả năng quân sự của Ukraine và thiết lập các khuôn khổ có thể ngăn cản Nga tiến hành thêm bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Kiev.

Chuyển sang một thông tin khác thì theo công ty tình báo dữ liệu Kpler, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu dầu của Nga trong tháng 1.

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây lặp lại khẳng định rằng Mỹ không xem xét chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine trong lúc này, ông Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, tiếp tục đưa ra lý do Kyiv vẫn muốn có chiến đấu cơ này.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 28.2, ông nói tiêm kích F-16 là không thể thiếu để hoàn thiện lưới phòng không của Ukraine.

Ông nói: "Để hiểu lý do cần F-16, hãy nhìn lại những gì diễn ra trong 24 giờ qua, khi Ukraine bị tập kích bằng máy bay không người lái. Lực lượng phòng không Ukraine chỉ có thể bắn hạ được 11 trên 14 UAV đối phương".

Theo ông Sak, Ukraine hiểu rất rõ F-16 là mẫu tiêm kích phức tạp, cần đào tạo nhân sự vận hành và mỗi phi công cần đội kỹ thuật 25-30 người phục vụ, nhưng lưới phòng không sẽ không hoàn thiện nếu thiếu F-16.

Ông nhắc lại việc phương Tây trước đây từng chần chừ không muốn cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí hiện đại như pháo phản lực HIMARS, hệ thống phòng không Patriot, xe tăng chủ lực, nhưng Kyiv cuối cùng vẫn sẽ nhận được số vũ khí này.

Cũng về vấn đề đối phó với các đợt tập kích đường không của Nga, tổng giám đốc tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall hôm 28.2 cho biết Đức sẽ chuyển cho Ukraine hai hệ thống Skynex vốn được đặt mua để bảo vệ không phận Berlin.

Theo đó, chính phủ Đức đã đặt mua hai hệ thống phòng không tầm ngắn Skynex với giá 212 triệu USD để bảo vệ vùng trời thủ đô Berlin, nhưng quyết định sẽ chuyển cho quân đội Ukraine trong vòng một năm tới. Giới chức Đức và Ukraine chưa bình luận về thông tin này.

Cũng liên quan đến cuộc đối đầu trên không thì tình báo Ukraine và phương Tây mới đây tiết lộ rằng vào những ngày đầu xung đột, các lực lượng Moscow đã “bắn nhầm” chiến đấu cơ của mình.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28.2 đã cam kết ủng hộ đối với nền độc lập của 5 quốc gia Trung Á, trong điều mà hãng tin AP gọi là lời cảnh báo thẳng thừng với các quốc gia Liên Xô cũ rằng giá trị của Nga với tư cách là một đối tác đã bị tổn hại nặng nề bởi cuộc xung đột Ukraine.

Có mặt tại Kazakhstan để gặp gỡ các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Á, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết không một quốc gia nào, đặc biệt là những quốc gia có truyền thống nằm trong quỹ đạo của Moscow, có thể bỏ qua các mối đe dọa của Nga đối với không chỉ là lãnh thổ mà còn với các quy tắc quốc tế dựa trên trật tự và nền kinh tế toàn cầu.

Trong các cuộc thảo luận, ông Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng “chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.