Xem nhanh: Ngày 404 chiến dịch, Nga giăng bẫy phi công Ukraine, Crimea hối hả xây chiến hào

Xem nhanh: Ngày 404 chiến dịch, Nga giăng bẫy phi công Ukraine, Crimea hối hả xây chiến hào

La Vi: Kịch bản. Cẩm Tú: MC. Thanh Nguyên: Dựng. Tuấn Anh: Quay.
04/04/2023 23:16 GMT+7

Đài truyền hình nhà nước Ukraine Suspilne đã đưa tin về một loạt cuộc tấn công của Nga trên khắp Ukraine.

Cụ thể, Nga đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) Shahed để tấn công ở phía nam trong đêm, 14 trong số đó đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ. Tại khu vực Odessa, một doanh nghiệp bị tấn công và không có thương vong nào xảy ra.

Sáng nay 4.4, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam Ukraine cho biết "tổng cộng 17 máy bay không người lái Nga đã tập kích vào Odessa”, và số máy bay này được cho là xuất kích từ biển Azov.

Theo truyền thông địa phương, vụ tấn công xảy ra khoảng 1h20 ngày 4.4. Hàng loạt tiếng nổ lớn làm rung chuyển Odessa, thành phố cảng chiến lược ở miền nam Ukraine. Tuy nhiên, vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, hệ thống còi báo động không kích hoạt, mà chỉ kích hoạt sau đó vài phút.

Thông tin ban đầu cho hay vụ tấn công gây hỏa hoạn, khiến một tòa nhà bị hư hại, song không có thiệt hại về người.

Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam Ukraine cho biết các hệ thống phòng không ở Odessa đã bắn hạ 14 trong tổng số 17 UAV tấn công.

Cuộc tấn công này cho thấy dù đặt trọng tâm chiến dịch quân sự ở miền đông thì Nga vẫn tiếp tục tập kích các mục tiêu chiến lược của Ukraine ở miền nam. Thậm chí những động thái gần đây của Moscow còn làm dấy lên lo ngại hải quân Nga sẽ tiến hành một cuộc đổ bộ nhằm vào hải cảng quan trọng bậc nhất của Ukraine. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov khẳng định quân đội nước này đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào. Theo ông Reznikov, một tuyến phòng thủ với nhiều công sự và hàng rào chống tăng đã được Ukraine chuẩn bị dọc các bãi biển tại Odessa. Bên cạnh đó, nhiều vũ khí với uy lực lớn cũng đã được Kyiv triển khai đến tuyến phòng thủ tại đây.

Nước Nga đang xôn xao bởi vụ nổ làm thiệt mạng một blogger quân sự nổi tiếng. Cơ quan chức năng đã bắt giữ một phụ nữ có liên quan, và đã công bố những thông tin đầu tiên về thế lực bị nghi ngờ đứng sau vụ ám sát này.

Theo hãng tin TASS, số người bị thương trong vụ nổ ở quán cà phê ở St Petersburg đã tăng lên 40 người.

TASS dẫn lời Bộ Y tế Nga cho biết 25 người trong số những người thương vong vẫn đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 5 người trong tình trạng nghiêm trọng.

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin hôm nay cáo buộc Kyiv đứng sau vụ đánh bom quán cà phê ở St. Petersburg. Ông cáo buộc: “Sự hỗ trợ mà Washington và Brussels dành cho Kyiv đã dẫn đến sự hình thành một nhà nước khủng bố ở trung tâm châu Âu".

Về tình hình chiến sự thì ở miền đông Ukraine, ngoài mặt trận Bakhmut thì còn một điểm nóng khác là Avdiivka. Tình hình căng thẳng tại đây đã khiến thành phố này được gọi là “Bakhmut thứ hai". Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24, quan chức “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng Denis Pushilin cho biết mọi con đường tiếp viện dẫn tới thành phố Avdiivka đều đã được lực lượng thân Moscow đặt trong tầm ngắm.

Ông nói các lực lượng Nga đạt được nhiều bước tiến ở hướng Avdiivka, và tình hình tại đây vẫn hết sức căng thẳng.

Việc kiểm soát Avdiivka sẽ giúp gây sức ép lên toàn tuyến phòng ngự của Ukraine ở Donbass, qua đó cũng đe dọa trực tiếp Bakhmut. Theo các chuyên gia quân sự, từ Avdiivka, quân đội Nga có thể nã pháo vào vị trí phòng ngự của Ukraine tại Donetsk, Makiivka, Yasynuvata cùng các vùng lân cận.

Ông Pushilin cũng khẳng định các lực lượng Nga cũng đang tấn công nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Krasnohorivka.

Bộ Quốc phòng Ukraine hiện chưa bình luận về những tuyên bố trên.

hông tin mà có lẽ giới quan sát đang chờ đợi nhiều nhất là liên quan đến cuộc phản công dự kiến sắp diễn ra của Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã mô tả năm 2023 sẽ là "năm chiến thắng" của Ukraine. Lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov thậm chí tuyên bố, người Ukraine có thể nghỉ dưỡng ở Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014, vào mùa hè này.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley ngày 31.3 có nhận định rằng mục tiêu của Ukraine về việc đẩy lùi quân đội Nga ra khỏi tất cả các vùng lãnh thổ khó có thể đạt được trong năm nay.

Và một dẫn chứng cụ thể là việc Nga đang tăng cường phòng ngự cho bán đảo Crimea bằng cách xây dựng hệ thống chiến hào lớn.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 3.4 thông báo, Phần Lan sẽ chính thức trở thành thành viên của liên minh quân sự trong tuần này. Quyết định này được đưa ra sau gần một năm kể từ khi Helsinki nộp đơn xin gia nhập.

Hiện tại, các thành viên NATO có biên giới chung với Nga hoặc lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga gồm Na Uy, Latvia, Estonia, Lithuania và Ba Lan. Năm quốc gia này có hơn 1.200km đường biên giới chung với Nga. Trong khi đó, chỉ riêng Phần Lan đã có hơn 1.300km đường biên giới chung chạy dọc theo khu vực tây bắc nước Nga. Do đó, kể từ ngày 4.4, NATO sẽ có tổng cộng hơn 2.500 km đường biên giới chung với Nga, tức gấp đôi so với trước đây.

Nga trong khi đó đang chạy đua với những nỗ lực ngoại giao nhằm phá thế cô lập ở châu Âu. Trong những nỗ lực này có việc củng cố quan hệ với Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn mới được công bố, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng chỉ trích phương Tây đang tìm cách chia rẽ mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn báo Argumenty i Fakty, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Moscow tiếp tục để ngỏ đối thoại với phương Tây về vấn đề hạt nhân. Ông nói cuộc đối thoại phải tiến hành trên cơ sở "bình đẳng và xét đến các lợi ích của Nga, vì một môi trường tốt hơn ở châu Âu, châu Âu - Đại Tây Dương và giảm thiểu các rủi ro hạt nhân trong dài hạn".

Tuy nhiên, ông cho rằng, phương Tây chưa sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với Nga, thay vào đó, tìm cách để kiềm chế Nga.

Cuộc xung đột Ukraine cho tới nay chủ yếu là một cuộc chiến trên bộ, nhưng dù vậy thì vẫn có những cuộc đối đầu nảy lửa trên không, khi không quân Nga dù có sức mạnh vượt trội nhưng vẫn chưa thể giành thế thống trị. Tuy nhiên, một phi công Ukraine nổi tiếng gần đây thừa nhận Nga đã có những điều chỉnh chiến thuật để phục kích máy bay Ukraine, mà theo cách nói của ông là giăng “bẫy tử thần".

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Ukraine hôm 3.4, cho biết ông sẽ vận động Washington cung cấp máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa tầm xa cho Kyiv.

Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa tầm xa cho Ukraine hay không, ông Pompeo trả lời: "Có. Cùng với việc huấn luyện, các phần mềm và tất cả những thứ cần thiết để thực sự bảo vệ và phòng thủ lãnh thổ của chính quý vị".

Theo ông Pompeo, Mỹ và các quốc gia châu Âu cần phải hành động mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh quá trình viện trợ cho Ukraine. Cựu Ngoại trưởng Mỹ khẳng định việc viện trợ vũ khí cùng các hỗ trợ tài chính khác một cách kịp thời cho Kyiv chính là giải pháp nhanh nhất nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Chuyển sang một thông tin khác thì Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý chuyển 94,8 tỷ rúp cho Shell để đổi lấy cổ phần trong dự án khí đốt Viễn Đông Sakhalin-2, nhật báo Kommersant của Nga đưa tin.

Công ty khí đốt Nga Novatek đã nhận được chỉ đạo của Tổng thống Putin về việc chuyển tiền cho Shell, tờ báo dẫn nguồn thạo tin cho hay.

Hôm 3.4, Novatek cho biết họ đã nộp đơn xin mua cổ phần của Sakhalin Energy, nhà điều hành dự án khí đốt Sakahlin-2.

Quốc hội Lithuania hôm 4.4 đã quyết định cấm công dân Nga mua bán bất động sản ở nước này với lý do rủi ro đối với an ninh quốc gia.

Reuters báo cáo lệnh cấm sẽ có hiệu lực cho đến năm 2024, sẽ không áp dụng cho những người Nga được phép cư trú tại nước này.

Quốc hội cũng tạm dừng cấp thị thực mới cho công dân Nga và đồng minh Belarus.

Nhiều công dân của hai quốc gia này mang theo các giấy tờ thông hành khác, chẳng hạn như thị thực đã cấp trước đó, sẽ bị kiểm tra tại biên giới để xác định xem họ có gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia hay không, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.