Trong cuộc tập kích đầu ngày 16.5, Nga đã phóng cả tên lửa bội siêu thanh Kinzhal, tên lửa hành trình Kalibr, và tên lửa đạn đạo Iskander.
Quân đội Ukraine nói đã bắn hạ toàn bộ 18 tên lửa. Tuy nhiên, CNN dẫn lời quan chức Mỹ thừa nhận tên lửa Nga có lẽ đã gây hư hại cho hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ viện trợ cho Ukraine được đặt tại Kyiv.
Quan chức Mỹ giấu tên nói với CNN rằng Nga đã tấn công từ nhiều hướng cùng lúc, nhắm vào các trung tâm chỉ huy và điều khiển ở Kyiv cũng như những địa điểm trọng yếu khác. Quan chức này nhận định với việc tổ chức tấn công quy mô lớn như vậy, có thể Nga đang tìm cách làm chậm cuộc phản công của Ukraine. Tuy nhiên, chính cách tấn công này có thể có lợi cho Ukraine vì sẽ làm Nga nhanh chóng hao tổn kho vũ khí chính xác không dồi dào của mình.
Như vậy, cho dù Kyiv có khẳng định đã bắn hạ được hết tên lửa Nga hôm 16.5, thì trên thực tế nhiều khả năng một trong 2 hệ thống tên lửa Patriot của Ukraine đã bị bắn trúng.
Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn một nguồn tin nói rằng một tiêm kích MiG-31K mang tên lửa Kinzhal đã "phục kích" tổ hợp Patriot. Nga ban đầu bắn tên lửa ồ ạt vào Kyiv để làm quá tải các hệ thống phòng không Ukraine. Sau đó, tên lửa bội siêu thanh Kinzhal mới lao vào trận địa phòng không quan trọng nhất tại Kyiv.
Ông Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, cũng cho rằng trận tập kích của Nga "phức tạp, tinh vi”, sử dụng nhiều loại tên lửa có đường bay khác nhau. Ông nhận định chiến thuật này nhằm nhắm đến Patriot, mục tiêu có giá trị cao nhất trong mạng lưới phòng không của Kyiv.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, Ukraine hôm 17.5 tiếp tục phủ nhận thông tin tên lửa bội siêu thanh của Nga đã phá hủy hệ thống Patriot trong một cuộc tập kích vào Kyiv.
Phát ngôn viên lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ihnat nói với truyền hình Ukraine rằng: "Đừng lo lắng về số phận của Patriot".
Ông Ihnat cho rằng chỉ một tên lửa Kinzhal không thể phá hủy hệ thống Patriot, vì đây là một hệ thống khẩu đội tên lửa bao gồm xe chỉ huy, radar và có thể lên đến 8 bệ phóng, tất cả đều đặt cách xa nhau.
Giới chức Kyiv nhiều tuần qua đã cảnh báo người dân thành phố không đăng lên mạng hình ảnh về hệ thống Patriot triển khai gần nơi họ sống, bởi Nga có thể dựa vào đó để định vị tổ hợp phòng không. Cơ quan An ninh Ukraine hôm nay cho biết đã xác định được 6 người lan truyền thông tin về phòng không Ukraine trong vụ không kích ngày 16.5.
Chuyển sang một thông tin khác. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm nay cho biết trên truyền hình quốc gia rằng một liên minh sẽ được lập ra nhằm cung cấp cho Ukraine các chiến đấu cơ phương Tây.
Phát biểu này được đưa ra sau chuyến công du của Tổng thống Volodymyr Zelensky tới một số nước châu Âu chủ chốt. Trong chuyến đi này, ông Zelensky cũng nhiều lần nhắc lại đề nghị được cung cấp máy bay chiến đấu F-16.
Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã tìm cách thuyết phục phương Tây cung cấp chiến đấu cơ F-16 để tăng cường năng lực cho lực lượng không quân khiêm tốn của mình. Loại chiến đấu cơ này được nhắm đến vì tính phổ biến, khi có khoảng 3.000 chiếc đang phục vụ tại 25 quốc gia.
Tuy nhiên, khi được hỏi vào hôm 15.5 rằng Mỹ có thay đổi lập trường về việc cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine hay không, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã đưa ra câu trả lời vỏn vẹn là "không".
Mặc dù Kyiv rất khao khát có được F-16 cho cuộc xung đột, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự mà bản tin truyền hình báo Thanh Niên từng đề cập thì loại máy bay này có thể đặt ra một gánh nặng lớn cho quân đội Ukraine trong khi hiệu quả thì không chắc chắn. Một cựu phi công F-16 của không quân Mỹ mới đây cũng có ý kiến không được thuận lợi lắm về vấn đề này.
Về tình hình ở điểm nóng giao tranh Bakhmut, theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, dù lực lượng Ukraine đã phản kích thành công quanh thành phố này nhưng Nga có vẻ quyết tâm củng cố nỗ lực tấn công để kiểm soát.
ISW dẫn lời nhà lãnh đạo vùng ly khai Donetsk Denis Pushilin hôm 16.5 nói Nga “tăng cường lực lượng trong khu vực Bakhmut để ổn định tình hình".
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar hôm 16.5 nói lực lượng Ukraine đã giành lại khoảng 20 km vuông ở vùng ngoại ô phía bắc và nam của Bakhmut. Nhưng bà Maliar cũng cho biết trong nội thành Bakhmut thì quân Nga vẫn đang tiến thêm.
Như vậy, “cối xay thịt" Bakhmut tiếp tục hoạt động, cả hai bên xung đột vẫn đang tiếp tục đổ thêm nguồn lực vào nơi mà giới quân sự phương Tây cho là có ít giá trị chiến lược.
Dù là thành viên NATO và EU nhưng Hungary đang tiếp tục giữ tiếng nói riêng của mình liên quan vấn đề Ukraine. Chính phủ Hungary hôm 16.5 thông báo nước này không đồng ý để Liên minh châu Âu (EU) giải ngân đợt viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine bằng ngân sách của Cơ chế Hòa bình châu Âu.
Đây là cơ chế được EU tạo ra năm 2021, là công cụ ngoài ngân sách nhằm tăng cường năng lực của EU trong ngăn chặn xung đột, xây dựng hòa bình và củng cố an ninh quốc tế.
EU tính tới nay đã cung cấp gần 4 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine theo khuôn khổ EFP. Tuy nhiên, Hungary tuyên bố phản đối EU tiếp tục viện trợ cho Ukraine theo cơ chế này vì sẽ không còn đủ ngân sách để thúc đẩy lợi ích của EU ở những khu vực khác như vùng Balkan hoặc Bắc Phi.
Hungary tuy là thành viên EU và NATO, nhưng đến nay vẫn từ chối cung cấp vũ khí hoặc thiết bị quân sự cho Ukraine sau khi cuộc xung đột bùng phát hồi tháng 2.2022.
Hungary cũng nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga, cũng như tranh cãi với liên minh về các khoản hỗ trợ Ukraine.
Chuyển sang một thông tin khác, tổng thống Nam Phi cho biết Nga và Ukraine sẽ đón đoàn lãnh đạo châu Phi để bàn về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng để chấm dứt xung đột.
Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đã yêu cầu Hàn Quốc cung cấp hệ thống phòng không cũng như khí tài quân sự phi sát thương khi bà gặp Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Seoul vào hôm 16.5, theo CNN.
Bà Zelenska, người đang thăm thủ đô Hàn Quốc với tư cách là đặc phái viên của tổng thống Ukraine, đã yêu cầu được cung cấp máy dò mìn, thiết bị rà phá bom mìn và phương tiện sơ cứu, người phát ngôn của tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Tuy nhiên, bà Zelenska cho biết cũng đã “thảo luận với tổng thống Hàn Quốc về sự cần thiết của các hệ thống phòng không” để ngăn chặn tên lửa Nga"
Kể từ khi xung đột nổ ra, Hàn Quốc đã duy trì lập trường không cung cấp vũ khí sát thương cho một quốc gia đang tham chiến.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng 4, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết nước ông sẽ cân nhắc gửi viện trợ sát thương cho Ukraine nếu xảy ra một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào dân thường.
Bình luận (0)