Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm: Ngân hàng đổ trách nhiệm cho nhau trong vụ Huyền Như

30/05/2014 03:00 GMT+7

Hôm qua 29.5, tiếp tục phát biểu bảo vệ quyền vì lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), luật sư 2 phía đã đổ trách nhiệm cho nhau trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hôm qua 29.5, tiếp tục phát biểu bảo vệ quyền vì lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), luật sư 2 phía đã đổ trách nhiệm cho nhau trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm: Ngân hàng đổ trách nhiệm cho nhau trong vụ Huyền Như

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa - Ảnh: Hà An

Bảo vệ cho ACB, luật sư (LS) Trương Thanh Đức phát biểu, theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, việc một tổ chức hay cá nhân nào đó khi làm nguyên đơn dân sự thì điều kiện cần là bị thiệt hại do tội phạm gây ra và điều kiện đủ là có đơn yêu cầu bồi thường. “ACB không thừa nhận mình bị thiệt hại và cũng không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thì không thể bắt ACB làm nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự này”, LS Đức lập luận.

Cũng theo LS Đức, cáo trạng truy tố các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB cố ý làm trái do gây thiệt hại trên 1.400 tỉ đồng là chưa có cơ sở. Vì khoản tiền 687 tỉ đồng đầu tư vào cổ phiếu là không trái quy định pháp luật, ACB chịu trách nhiệm về hiệu quả các khoản đầu tư, không đổ tội lỗi cho ai trong trường hợp này. Còn 718 tỉ đồng mà các nhân viên ACB đem gửi cho Vietinbank bị Huyền Như chiếm đoạt, ACB yêu cầu Vietinbank phải bồi thường.

Đề cập đến trách nhiệm của Vietinbank đối với khoản tiền 718 tỉ đồng bị chiếm đoạt, LS Đức đã viện dẫn nhiều chứng cứ trong hồ sơ cũng như lời khai của Huyền Như tại phiên tòa cho thấy số tiền mà nhân viên ACB đem gửi đã vào tài khoản của Vietinbank. “Vietinbank có lỗi 100% trong việc làm sai nguyên tắc cơ bản, chấp nhận thẻ tiết kiệm giả, chứng từ giả, chữ ký giả để tội phạm rút tiền khỏi tài khoản của khách hàng. Là ngân hàng cung cấp dịch vụ và trực tiếp quản lý tài khoản, Vietinbank không thể chối bỏ  trách nhiệm”.

Bảo vệ cho Vietinbank, LS Nguyễn Như Thái Dũng phát biểu: “Người gửi tiền phải có trách nhiệm trực tiếp đến làm thủ tục, chủ tài khoản phải tự hạch toán số dư tài khoản, chịu trách nhiệm về sự thay đổi số dư. Tuy nhiên nhân viên ACB đã không nhận các thẻ tiết kiệm theo quy định ủy thác gửi tiền mà phó mặc cho Huyền Như giữ thẻ tiết kiệm và không có ý kiến gì với Vietinbank khi số tiền bị trích khỏi tài khoản. Huyền Như bị thúc ép bởi các khoản nợ vay nặng lãi nên đây là cơ hội để thực hiện chuỗi hành vi phạm tội”. LS Dũng quy kết: “ACB khi thực hiện chủ trương ủy thác tiền gửi trong khi NHNN chưa có hướng dẫn về hoạt động này theo quy định tại điều 106 luật Tổ chức tín dụng năm 2010. Vì vậy, Huyền Như mới có cơ hội lừa đảo và chiếm đoạt. Việc ACB đưa ra yêu cầu xem xét trách nhiệm Vietinbank đối với khoản tiền 718 tỉ đồng là không có căn cứ. Vietinbank không có trách nhiệm với khoản tiền này”.

“Thấy trời đất như sụp đổ”

Trong phần tự bào chữa bổ sung về hành vi cố ý làm trái, các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB đều kêu oan về các cáo buộc. Bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) bào chữa rằng: “Rất ngạc nhiên khi trong phần luận tội của đại diện Viện KSND TP.Hà Nội cho rằng bị cáo quanh co chối tội; lợi ích nhóm… Trong quá trình điều tra và ngay cả tại phiên tòa, tôi đều khai báo đúng sự thật, trung thực khách quan”. Bị cáo Hải nói tiếp: “Tôi không cố ý làm trái vì cuộc họp HĐQT về ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng pháp luật cho phép, đúng điều lệ ngân hàng. Số tiền 718 tỉ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt là do Vietinbank quản lý lỏng lẻo, ACB không sai. Còn cổ phiếu thì tôi chỉ đề xuất trong cuộc họp, chứ không chỉ đạo mua cổ phiếu của ACB”. Bị cáo Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ (cùng nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB) cũng có lời bào chữa tương tự.

Trong khi đó, vừa đứng vào vành móng ngựa để bào chữa bổ sung, bị cáo Nguyễn Đức Kiên trình bày: “Khi bị khởi tố và bắt tạm giam về tội kinh doanh trái phép, tôi thấy trời đất như sụp đổ. Tôi không kinh doanh trái phép, không làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhà nước… Trong suốt quá trình tôi bị bắt, việc gửi đơn tới các cấp lãnh đạo là vô cùng khó khăn vì đối tượng tôi khiếu nại là Cơ quan CSĐT và các điều tra viên. Việc thông tin tới các vị lãnh đạo đã bị bưng bít ngay trong quá trình điều tra”. Rồi bị cáo Kiên yêu cầu dành cho 3 phút để công bố đơn tố cáo gửi lãnh đạo nhà nước, nhưng chủ tọa phiên tòa cho phép chỉ nêu vài nội dung cụ thể.

Tự bào chữa về hành vi kinh doanh trái phép và trốn thuế, bị cáo Kiên cho rằng việc thành lập các công ty để đầu tư tài chính và kinh doanh vàng trạng thái giá đều đúng quy định của pháp luật.

Khi chủ tọa đề nghị chuyển sang hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Kiên nói: “Bức xúc và buồn nhất trong 4 tội danh. Tôi là một  doanh nhân có tên tuổi, uy tín lại đi lừa đảo bạn bè thân. Những người không biết bản chất sự việc sẽ nghĩ ra sao, trong khi đây là nghĩa cử tôi giúp bạn bè, giúp anh Long (Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát - PV) ngoài ra không có mục đích nào khác. Tôi đã nhiều lần khai trong hồ sơ, nhưng Cơ quan CSĐT không đưa vào nội dung để đánh giá chứng cứ...”. Rồi bị cáo Kiên cho rằng đây là việc hoán đổi cổ phiếu chứ không lừa đảo 264 tỉ đồng của Hòa Phát…             

Hoàng Tuấn - Hà An

>> Xét xử vụ ‘bầu’ Kiên: Nguyên tổng giám đốc ACB đổ trách nhiệm cho kế toán trưởng
>> Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm: Các luật sư quy kết do... thiếu văn bản hướng dẫn
>> Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị mức án tổng hợp 30 năm tù
>> Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm: Nguyễn Đức Kiên phủ nhận các tội danh
>> Nguyễn Đức Kiên liên tục nhận và gỡ tội cho cấp dưới
>> Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Ở Việt Nam không ai có thể lừa được anh Long
>> Xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng 8 đồng phạm: Tranh cãi hành vi kinh doanh trái phép
>> Xét xử Nguyễn Đức Kiên và 8 đồng phạm: Các bị cáo phản ứng cáo trạng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.