Sáng 22.11, theo dự kiến TAND tỉnh Trà Vinh tiếp tục ngày xét xử thứ 2 phiên tòa sơ thẩm vụ “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP.Trà Vinh từ năm 2009 đến tháng 7.2018. Cũng theo kế hoạch, Viện KSND tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục công bố bản cáo trạng “Trục lợi chính sách” dài 65 trang trước phiên tòa có 17 bị cáo, 19 luật sư và hơn 100 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, trong phiên xử hôm nay 22.11, phát hiện một luật sư bào chữa bị dương tính với Covid-19, tòa tạm hoãn.
Khởi nguồn từ các bị cáo Long - Trung - Mười
Theo Viện KSND tỉnh Trà Vinh, hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” của ông Diệp Văn Thạnh, ông Trần Trường Sơn và một số cán bộ, công chức làm việc tại Phòng TN-MT TP.Trà Vinh đã diễn ra suốt trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến cuối tháng 7.2018. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian trước năm 2015, các mắt xích quan trọng trong “Chiêu trò trục lợi chính sách” gồm cò đất, chủ đất là chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Bởi, cò đất, chủ đất không có sự bàn bạc, thống nhất với những người có thẩm quyền trong thẩm định, ký tờ trình… để thông qua hồ sơ sai phạm.
Bị cáo Trần Mười bị khởi tố, bắt giam từ 6.7.2019 đến nay. |
CÔNG AN CUNG CẤP |
Sự việc bắt đầu từ năm 2016. Khi đó, do quen biết và biết rõ công việc của nhau từ trước, Trầm Ngọc Long (56 tuổi, trú P.2, TP.Trà Vinh, khi đó là Giám đốc Công ty TNHH MTV TM-DV Ngọc Long) biết Lý Kiến Trung (50 tuổi, khi đó là Phó trưởng Phòng TN-MT TP.Trà Vinh) có quyền thẩm định hồ sơ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất. Đồng thời, Long cũng biết Trung có quen biết với nhiều người làm cò đất. Từ đó, Long và Trung bàn bạc thống nhất để Trung giới thiệu cò đất có khả năng tìm được hộ gia đình chính sách để ghép nối hồ sơ, hợp thức hóa việc chuyển mục đích sử dụng đất bằng chính sách để Long không phải đóng tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.
Long thông tin và bàn bạc với Trung rằng mình có 2 thửa đất nông nghiệp với tổng diện tích 300 m2 ở P.8, TP.Trà Vinh, muốn lên đất thổ cư mà không phải tốn nhiều tiền đóng vào ngân sách nhà nước theo quy định. Để giúp Long, Trung giới thiệu "cò đất" Trần Thanh Vũ (45 tuổi, thường trú P.5, TP.Trà Vinh, cùng tỉnh Trà Vinh) có khả năng tìm người hưởng chính sách để ghép nối, hợp thức hóa hồ sơ cho Long chuyển mục đích sử dụng đất thành đất thổ cư mà không phải đóng thuế. Long thống nhất thuê Vũ với giá 100 triệu đồng (mỗi thửa 50 triệu đồng) hoàn tất hồ sơ để hưởng miễn giảm theo chính sách, còn phần tiền thuế, phí phát sinh do Long tự đóng.
Các bị cáo trong vòng kiểm soát của lực lượng công an tại khu vực TAND tỉnh Trà Vinh. |
BẮC BÌNH |
Vũ gặp 2 người thuộc diện hưởng chính sách khi có nhu cầu lên đất thổ cư là bà T.T.X. (79 tuổi, ngụ xã Long Đức) và bà N.T.C. (76 tuổi, ngụ xã Tân Bình, H.Càng Long) để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất khống qua lại giữa Long với 2 bà này nhằm giúp Long trục lợi chính sách được 846 triệu đồng.
Trong quá trình ghép nối hồ sơ, chuyển nhượng khống này, Vũ và Long đã dễ dàng qua mặt được lãnh đạo UBND 2 xã, nơi bà X., và bà C., cư trú; Lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH TP.Trà Vinh và H.Càng Long, nhiều công chứng viên (mỗi hồ sơ phải công nhất ít nhất 2 lần), lãnh đạo Phòng TN-MT, Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi cục thuế TP.Trà Vinh và lãnh đạo UBND TP.Trà Vinh (tức ông Diệp Văn Thạnh và ông Trần Trường Sơn).
Xong phi vụ, nhận 100 triệu đồng từ Long, "cò đất" Vũ đã chia bà X., bà C., mỗi người 30 triệu đồng, Trung 10 triệu đồng, còn lại 30 triệu đồng Vũ hưởng.
Các cò đất cấu kết trục lợi chính sách ra sao ?
Theo truy tố của Viện KSND tỉnh Trà Vinh, từ tháng 7.2016 - 7.2017, ngoài giới thiệu cho Long cò đất Trần Thanh Vũ, Lý Kiến Trung còn giới thiệu với Long "cò đất" Trần Mười (45 tuổi, trú P.9, TP.Trà Vinh) để giúp Long (tương tự như cách trên) chuyển trót lọt tổng cộng 5 thửa đất lên thổ cư gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 3,1 tỉ đồng. Tổng số tiền mà Trung nhận được từ các cò đất là 33 triệu đồng.
Hơn 100 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được HĐXX TAND tỉnh Trà Vinh triệu tập để tham dự trong quá trình xét xử. |
BẮC BÌNH |
Trong quá trình thực hiện, Trần Mười còn phối hợp với "cò đất" Huỳnh Công Chúc (52 tuổi), Lâm Hoành Anh (30 tuổi, cùng ngụ xã Long Đức, TP.Trà Vinh) để cùng Mười thực hiện hoàn tất nhiều phi vụ của Trầm Ngọc Long, cũng như nhiều phi vụ khác.
1 trong 5 thửa đất trục lợi thành công của Trầm Ngọc Long, Lý Kiến Trung nhờ bà Lữ Thị Thảo Trang (41 tuổi, ngụ H.Châu Thành, Trà Vinh, là cán bộ công tác tại Văn phòng đăng ký đất đai TP.Trà Vinh) gặp Long thỏa thuận giá 60 triệu đồng để giúp Long thực hiện. Thảo Trang cùng Võ Thị Thu Trang (54 tuổi, làm nghề buôn bán, ngụ P.5, TP.Trà Vinh) trực tiếp gặp Long để “nhận kèo”.
Thảo Trang giao Thu Trang đến gặp bà B., (vợ liệt sĩ) ở H.Cầu Kè giao dịch thành công và hồ sơ trót lọt. Trong vụ này, bà B., được 30 triệu, Thu Trang được 8 triệu, còn Lữ Thị Thảo Trang đưa toàn bộ 10 triệu đồng mà lẽ ra mình được hưởng cho Lý Kiến Trung vì muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp.
Các bị cáo tại tòa. |
BẮC BÌNH |
Riêng 2 bị cáo là chủ đất gồm Trang Thị Xây (61 tuổi) và Phú Thanh Tâm (con trai bà Xây, 38 tuổi, cùng ngụ P.3, TP.Trà Vinh) thì vào năm 2015, do Tâm nhờ Lâm Pho La (45 tuổi, nguyên quán H.Cầu Kè, ngụ P.7, TP.Trà Vinh, là công chức địa chính P.7, TP.Trà Vinh) và Nguyễn Trọng Nghĩa (42 tuổi, nguyên quán H.Vũng Liêm, Vĩnh Long, ngụ P.6, TP.Trà Vinh, là chuyên viên Phòng TN-MT TP.Trà Vinh) giúp mẹ con mình lên thổ cư 2 thửa đất mà không phải đóng tiền vào ngân sách.
Lâm Pho La xuống tận H.Cầu Kè, hứa cho tiền bà B., (83 tuổi, Mẹ Việt Nam Anh hùng) và chở bà B. đến Văn phòng công chứng Công Lý (ở TP.Trà Vinh) để bà ký tên cho Pho La thực hiện trót lọt các hồ sơ mà mình đã chuẩn bị sẵn sàng trước đó. Sau đó, Nguyễn Trọng Nghĩa làm tất cả thủ tục hồ sơ còn lại giúp bà Xây và con bà xây chuyển lên thổ cư thành công 2 thửa đất mà không phải đóng hơn 2,4 tỉ đồng vào ngân sách. Bà Xây đưa cho Pho La 148 triệu đồng để chia chác với những người có liên quan đã hỗ trợ trong phi vụ trục lợi chính sách này.
Các bị cáo nhóm cò đất, chủ đất gây thiệt hại bao nhiêu?
- Bị cáo Trần Mười đã thực hiện 49 hồ sơ sai phạm, gây thất thoát ngân sách hơn 13 tỉ đồng. Cá nhân Mười hưởng lợi hơn 575 triệu đồng.
- Bị cáo Trần Thanh Vũ thực hiện 11 hồ sơ, gây thất thoát ngân sách hơn 4,1 tỉ đồng, hưởng lợi 70 triệu đồng.
- Bị cáo Huỳnh Công Chúc thực hiện 64 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 6,4 tỉ đồng, hưởng lợi 64 triệu đồng.
- Bị cáo Lâm Hoàng Anh thực hiện 8 hồ sơ (trong đó có 1 hồ sơ bị cáo bán chính sách của bà nội mình) gây thiệt hại hơn 2,3 tỉ đồng, hưởng lợi 24 triệu đồng.
- Bị cáo Lâm Pho La thực hiện 2 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 2,6 tỉ đồng, hưởng lợi cá nhân 800.000 đồng/
- Bị cáo Lữ Thị Thảo Trang và Võ Thị Thu Trang mỗi người thực hiện 1 hồ sơ, gây thiệt hại 423 triệu đồng. Trong đó, Võ Thị Thu Trang hưởng lợi 8 triệu đồng, riêng bị cáo Lữ Thị Thảo Trang không được chứng mình đã hưởng lợi từ hành vi bị truy tố của mình.
- Bị cáo Trầm Ngọc Long đã thực hiện trốn nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất 5 hồ sơ gây thiệt hại hơn 3,1 tỉ đồng ngân sách.
- Hai bị cáo Trang Thị Xây và Phú Thanh Tâm thực hiện miễn giảm 2 thửa đất của gia đình mình, trục lợi chính sách hơn 2,4 tỉ đồng.
Bình luận (0)