TP.HCM hiện nay chỉ có một chỗ để biểu diễn xiếc là Công viên văn hóa Gia Định (Q.Gò Vấp). Hằng tuần, vào thứ bảy và chủ nhật, đoàn xiếc Mặt trời đỏ và Bầu trời xanh cùng chia nhau... bám trụ.
Trước đây, khi còn điểm diễn công viên 23.9 (Q.1) thì xiếc vẫn có thu nhập đều đặn do thuận tiện cho khách du lịch và khán giả thành phố đi xem. Tuy nhiên, từ hơn 1 năm nay, khi rạp xiếc được dời về Công viên văn hóa Gia Định để chờ xây rạp xiếc mới trong tổ hợp Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ (đã có đề án từ... 16 năm nay), việc biểu diễn rơi vào tình trạng rất khó khăn do lượng khán giả đi xem ít, dẫn đến thu nhập của nghệ sĩ giảm mạnh.
|
Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã nỗ lực đưa xiếc và múa rối sang diễn “thử nghiệm” ở Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với hy vọng khi diễn ở trung tâm sẽ kéo được khán giả đến xem, nhưng mới 2 tháng đã phải bỏ cuộc do sân khấu được thiết kế không phù hợp với 2 bộ môn nói trên. Rốt cuộc, trong tháng 8 tới, đoàn rối Rồng Phương Nam sẽ chia sẻ điểm diễn Công viên Gia Định với hai đoàn xiếc Mặt trời đỏ, Bầu trời xanh. “Chứ chúng tôi biết đi đâu nữa bây giờ”, một lãnh đạo Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam than thở.
Khủng hoảng lực lượng nghệ sĩ kế thừa
NSƯT Phi Vũ, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, cho biết: “Toàn bộ nghệ sĩ xiếc của nhà hát có 45 người (trong đó có 7 NSƯT), với mức lương bình quân chỉ 5 triệu đồng/tháng. Múa rối thì 20 người, thu nhập còn thấp hơn cả xiếc. Các em diễn viên trẻ mới vào, thu nhập chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Như thế quả thực nghệ sĩ rất khó sống bằng nghề. Vì vậy, để có thêm thu nhập, anh em phải tham gia vào game show, làm chương trình truyền hình thực tế”.
Do vậy, việc tìm kiếm lực lượng hậu bị gặp nhiều trở ngại, trong khi ở bộ môn đặc thù như xiếc thì phải tuyển các em nhỏ có độ tuổi từ 10 - 12, sức khỏe dẻo dai, thể hình “ngon lành” và năng khiếu rồi cho đi đào tạo khoảng 5 năm mới đủ điều kiện đứng trên sân khấu.
“Nhiều gia đình biết nghề xiếc, múa rối cực khổ, thu nhập thấp, tập và biểu diễn xiếc dễ bị chấn thương nên dù con có năng khiếu, họ cũng không muốn cho con theo nghề. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng có nhiều văn bản xin cấp trên cho chủ trương tuyển sinh nhưng không biết vướng mắc ở đâu mà chờ hoài chưa thấy hồi âm, trong khi lần nào họp Sở và TP cũng bàn rất nhiều về vấn đề nguồn nhân lực cho hai bộ môn này”, NSƯT Phi Vũ nói. Ông cho biết đã có 43 năm gắn bó với nghề xiếc nhưng chưa bao giờ thấy xiếc gặp khó khăn chồng chất như hiện tại.
Hiện tại, nhờ kinh phí của chương trình Nông thôn mới mà xiếc và múa rối TP.HCM mới có điều kiện đi biểu diễn cho người lao động và thiếu nhi ngoại thành xem miễn phí.
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV Thanh Niên từ ngày 1.7, theo quy định của Sở VH-TT TP.HCM các hoạt động căn tin liên kết tại rạp xiếc ở công viên Văn hóa phải tạm thời bị đóng cửa để chờ phê duyệt đề án mới mở cửa trở lại cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập của nghệ sĩ.
Vượt khóTrong tình hình khó khăn, bộ môn xiếc và ảo thuật TP.HCM vẫn xuất hiện những nghệ sĩ tài năng: Cặp đôi Hiển Phước - Thanh Hoa đoạt HCV xiếc quốc tế ở Tây Ban Nha đầu năm 2019 và HCĐ ở Kazakhstan tháng 6 mới đây, Lê Hưng - Nhã Hiếu giành HCV Liên hoan xiếc toàn quốc 2018 tại Hà Nội, Trịnh Thắng - Phương Đông giành HCB xiếc quốc tế 2016. Đặc biệt, hai anh em “hoàng tử xiếc” Quốc Cơ - Quốc Nghiệp còn có màn trình diễn rất thành công trong đêm chung kết Britain’s Got Talent 2018. Tác phẩm Sông nước phương Nam (rối nước) được trao HCV và Sự tích ba giọt máu (rối càng) nhận HCB tại Liên hoan múa rối toàn quốc 2018.
|
Bình luận (0)