Xót lòng những trẻ mồ côi mất nhiều người thân tại TP.HCM do Covid-19

Thanh Đông
Thanh Đông
29/09/2021 02:32 GMT+7

Báo Thanh Niên tiếp tục hành trình đến với trẻ mồ côi do dịch Covid-19 . Lần này báo đến với các gia đình có tới 3 hay 4 người mất chỉ trong thời gian ngắn tại TP.HCM, để lại những đứa trẻ bơ vơ giữa cuộc đời.

Con nhớ ba, bà nội và chú lắm

Em Trần Diệp Anh, học sinh lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Đức, P.14, Q.8, sinh ra và lớn lên những năm đầu đời ở Củ Chi. Vì một số lý do, khai sinh của em không có tên cha. Khi chuẩn bị bước vào lớp 1, Diệp Anh cùng mẹ được bà nội và ba em đón về Q.8 để làm thủ tục nhập học cho em. Ngoài ra, ba em cũng đang làm thủ tục nhập khẩu cho mẹ con Diệp Anh vào nhà ở đường Hoài Thanh, P.14, Q.8.
Kế hoạch của ba Diệp Anh chưa thực hiện được, em mới về sống chung với bà nội, ba và chú chỉ vài tháng thì dịch Covid-19 tràn tới, cướp đi cả 3 người yêu thương nhất của em.
Khi chúng tôi đến thăm Diệp Anh, bước vào nhà ngay phòng khách, là chiếc bàn thờ với 3 di ảnh của nội, chú và ba em. Vốn là cô bé thông minh, nhanh nhẹn, vừa gặp chúng tôi, Diệp Anh đã bắt chuyện: “Chú biết ba con ở đâu không, ba con trên bàn thờ kìa, ba con, nội con với chú con chết rồi, con nhớ bà nội, ba và chú con lắm!”. Theo chị Trần Thị Mộng Diệp, 46 tuổi, mẹ của Diệp Anh, chỉ trong vòng 9 ngày, em đã mất cả 3 người thân: chú ruột (ngày 2.8); ba (10.8) và bà nội (11.8). “Ai cũng bàng hoàng và khủng hoảng”, chị Mộng Diệp nhớ lại.

Báo Thanh Niên kêu gọi bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19

Ba của Diệp Anh là anh Nguyễn Hoàng Vũ, sinh năm 1970. Từ ngày về ở bên ba, Diệp Anh cả ngày cứ quẩn quanh bên ba. Ngoài học bài, em hay ngồi vẽ và vẽ thật đẹp. Khi nói nhớ ba, Diệp Anh liền lấy bức tranh em vẽ gia đình hạnh phúc của mình có ba mẹ và em khoe cùng chúng tôi. “Vậy đó, mà giờ ảnh đi rồi, mẹ con ai cũng buồn, thiếu vắng, đau lòng quá đỗi”, chị Mộng Diệp gạt nước mắt.
Hai mẹ con Diệp Anh hiện vẫn tiếp tục sống ở nhà nội. Nơi đây, còn bác, cô chú của em cùng sinh sống. Trước đây, chị Diệp phụ bán cho một đại lý vé số ở Q.Tân Bình, mấy tháng nay thất nghiệp, chị cho biết sau dịch, chị lại tiếp tục đi phụ bán để kiếm tiền nuôi con.
Sau khi đại diện Báo Thanh Niên trao tiền hỗ trợ cũng như chia sẻ về chương trình bảo trợ cho những trẻ mồ côi như Diệp Anh, chị Mộng Diệp xúc động nói: “Xin cảm ơn báo đã đến, quan tâm, thăm hỏi và hỗ trợ tiền cũng như sẽ tìm nhà bảo trợ cho Diệp Anh để giúp con có kinh phí học tập. Vừa rồi, phòng giáo dục cũng có tặng cho cháu máy tính bảng để học online. Tấm lòng của báo, của ngành giáo dục em xin cảm ơn nhiều lắm!”.

Bức tranh gia đình do Diệp Anh vẽ thật đẹp, thật hạnh phúc, vậy mà, giờ ba em đã đi xa…

Ông nội mất, mẹ cũng mất luôn

Huỳnh Tấn Tài (lớp 12A10, Trường THPT Tạ Quang Bửu, Q.8) và em trai là Huỳnh Tấn Lộc (lớp 8/7 Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8) sinh ra và lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, ấm êm. Ba Tài là anh Huỳnh Quốc Tuấn, 43 tuổi, làm cho một cửa hàng giày da tại Q.4; mẹ là Lưu Thị Hương, 44 tuổi, phụ việc gia đình. Ông nội của Tài cũng sống cùng.
Vậy rồi, dịch ập đến, ông nội của Tài mất vào ngày 22.7. Một tháng sau, mẹ em cũng vĩnh viễn rời xa con. “Bỗng chốc, cả gia đình tan tác. Tôi ngày thường có biết việc gì trong nhà đâu, toàn một tay vợ lo. Bỗng nhiên vợ mất, mọi thứ đảo lộn, đời sống gia đình đang bình yên giờ u buồn, ảm đạm”, anh Tuấn buồn rầu tâm sự.
Anh Tuấn cho biết thêm khi xét nghiệm PCR cho vợ, lượng vi rút rất thấp, chẳng hiểu vì sao, sau một thời gian điều trị tại nhà, sức khỏe vợ anh yếu dần rồi khó thở, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu rồi ra đi. “Nếu một người bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài và ra đi thì dễ chấp nhận cho những người ở lại. Còn với Covid, mới đó thôi đã cướp đi mãi mãi người thân yêu của mình, thật khủng khiếp”, anh Tuấn nói.
Vợ đi rồi, một mình anh chăm lo cho hai con trai. Nói về con, anh chia sẻ: “Tài thì lớn rồi, tinh thần cũng ổn. Còn Lộc thì ngày thường hay quấn quýt bên ông nội và mẹ, nay cả hai ra đi quá đột ngột, nên tôi cũng hay quan tâm, chăm sóc, an ủi con, sợ con sốc, ảnh hưởng tâm lý”.
Hỏi Tài dự tính sẽ thi vào đại học nào sau khi tốt nghiệp THPT, em cho biết: “Em sẽ cố gắng vào học ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đó là mơ ước của em”.
Nhắc đến chuyện học của con, anh Tuấn thoáng buồn bởi phía trước là con đường còn rất dài, trong lúc chỉ mình anh đi làm, lo ăn ở, chi phí học hành cho 2 con. “Khi Báo Thanh Niên đến thăm, trao 2 triệu đồng và sẽ giới thiệu nhà hảo tâm để bảo trợ học phí cho 2 con tôi, tôi thiệt sự rất mừng và cảm động. Xin cảm ơn báo và tấm lòng của những nhà hảo tâm. Vợ tôi chắc sẽ được an ủi, yên lòng!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.