Xu hướng mới cho Giải thưởng Kiến trúc quốc gia

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/08/2022 06:44 GMT+7

Chú trọng về bảo tồn và thích ứng di sản kiến trúc ; xanh; có bản sắc, nhân văn là những xu hướng kiến trúc mà Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lấy làm tiêu chí.

Sân chơi không phân biệt trong, ngoài nước

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, vẫn nhớ rõ về những Giải thưởng Kiến trúc quốc gia từng trao trong 28 năm giải thưởng tồn tại. Trong đó, có nhiều giải thưởng đã trở thành xu hướng của kiến trúc trong nước, cũng có giải thưởng còn trở thành xu hướng ở nước ngoài. “Nhiều giải thưởng ở trong nước không biết nhiều nhưng lại có sức lan tỏa ở nước ngoài. Có những giải thưởng ngay sau đó tạo xu hướng bảo tồn trong nước”, KTS Nguyễn Tấn Vạn nói.

Naman Retreat Pure Spa với xu hướng kiến trúc xanh, do KTS Nguyễn Hoàng Mạnh thiết kế

NVCC

Ông Vạn lấy ví dụ giải thưởng cho công trình nhà ở cộng đồng của KTS Hoàng Thúc Hào vừa được trao thì phía Bhutan đã mời ngay anh sang dự giải thưởng kiến trúc quốc tế. Hoàng Thúc Hào sau đó cũng được mời thiết kế Trung tâm hạnh phúc quốc gia của Bhutan. Hoặc công trình sửa đình Chu Quyến do KTS Lê Thành Vinh thực hiện đã được Liên minh kiến trúc sư thế giới UIA trao giải về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010. “Ngôi nhà hạnh phúc của KTS Hoàng Thúc Hào lan tỏa thế giới. Còn cách bảo tồn của KTS Lê Thành Vinh giữ nguyên cột đã bị mất lõi và xử lý bên trong, cách tư duy đó giờ cũng được áp dụng ở nhiều dự án, trong đó có Huế…”, ông Vạn chia sẻ.

Người dân ôm cây cột đình Chu Quyến sau khi trùng tu, vui mừng vì nó vẫn được giữ lại

TL

Chính vì thế, theo ông Vạn, năm nay Giải thưởng Kiến trúc quốc gia không phân biệt yếu tố nội - ngoại. Giải thưởng dành cho tất cả các công dân Việt Nam có tác phẩm, công trình ở trong và ngoài nước; tác giả là công dân nước ngoài có tác phẩm và công trình tại Việt Nam với một số điều kiện. Bản thân các KTS trong trước cũng bắt kịp các yêu cầu, xu thế kiến trúc quốc tế. Ông Vạn đánh giá cao nhiều KTS như Hoàng Thúc Hào, Đoàn Thanh Hà, Nguyễn Hoàng Mạnh… Công trình của họ không chỉ đẹp mà còn xanh, và nhân văn. Quan trọng hơn, chúng được cả cộng đồng kiến trúc quốc tế thừa nhận.

Mặc dù vậy, cũng có tiêu chí mà giải thưởng đưa ra hơi khó đong đếm. Chẳng hạn, một trong những tiêu chí xét giải là “Khuyến khích xét giải theo tiêu trí kiến trúc xanh Việt Nam và các tiêu chuẩn kiến trúc xanh thế giới đang áp dụng”. Theo KTS Phan Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, xanh không có nghĩa là dùng nhiều cây xanh, tranh tre mà là công trình hướng tới cân bằng năng lượng, không phải vật liệu hóa thạch… “Hiện nay, tiêu chí về kiến trúc xanh chưa có quy định cụ thể nào cả. Nên cách chấm là chấm theo tiêu chí Hội cập nhật và học tập…”, ông Sơn nói.

Vườn vệ sinh cho trường vùng cao của KTS Đoàn Thanh Hà với hệ thống lọc nước thải, cây trồng bản địa thân thiện

NVCC

Giải thưởng kiến trúc không “gạn đục khơi trong” nữa

Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm nay có 4 thể loại công trình, tác phẩm. Đó là: Kiến trúc công trình; Kiến trúc nội - ngoại thất và kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị; Quy hoạch; Nghiên cứu - lý luận - phê bình kiến trúc. Trong số này, hạng mục Kiến trúc công trình có một mục đặc biệt. Đó là mục bảo tồn và thích ứng di sản kiến trúc dành cho các dự án bảo tồn hoặc khôi phục di sản kiến trúc, các dự án tái sử dụng thích ứng hoặc phát triển di sản kiến trúc.

Giải thưởng Kiến trúc quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội Kiến trúc sư VN, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT-DL tổ chức, định kỳ 2 năm/lần. Năm nay là 28 năm của giải thưởng. Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022 - 2023 dự kiến sẽ trao Giải thưởng lớn trị giá 50 triệu đồng. Giải vàng cho mỗi thể loại, hạng mục chuyên ngành trị giá 30 triệu đồng. Giải bạc cho mỗi thể loại hạng mục chuyên ngành trị giá 20 triệu đồng. Giải thưởng cho tác phẩm được cộng đồng bình chọn trị giá 10 triệu đồng.

Về điều này, KTS Phan Thanh Sơn nói: “Kiến trúc là mảng mà khi phát triển sẽ đóng góp cho công nghiệp văn hóa có tính bền lâu và hiện hữu nhất trong những lĩnh vực chúng ta nhìn thấy. Công việc bảo tồn thích ứng do đó cũng cực kỳ quan trọng. Kỳ này trong hạng mục kiến trúc công trình, chúng tôi muốn đưa vào các dự án tái sử dụng thích ứng, tái sử dụng di sản kiến trúc. Các di sản không bảo tồn ở tình trạng đứng yên khép cửa mà lan tỏa. Đây là cách làm mới, cũng là một đổi mới”.

TS-KTS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết giải thưởng năm nay sẽ chấm rất thực chất. Thậm chí, theo ông, nếu không có giải vàng cũng được, miễn là có chất lượng. “Đề nghị không gạn đục khơi trong nữa. Các anh phải chấm những công trình mang giá trị ảnh hưởng nhất đến kiến trúc Việt Nam. Bảo tồn di sản cũng thế thôi, xanh cũng thế thôi. Phải xem xanh hết cả nhưng có xanh thật sự không. Chúng ta phải đi vào thực chất, để từ giải thưởng tạo ra cú hích với cộng đồng”, ông Cương nói và nhấn mạnh sự thực chất này vô cùng cần thiết, vì kiến trúc chính là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa mà chúng ta đang muốn phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.