Xuất khẩu gạo vào EU giảm, vì sao?

Chí Nhân
Chí Nhân
21/12/2024 06:11 GMT+7

Năm 2024, xuất khẩu gạo của VN dự kiến đạt mức cao kỷ lục 9 triệu tấn và giá trị 5,8 tỉ USD. Tuy nhiên, tại thị trường cao cấp EU, xuất khẩu gạo của VN đang giảm và đạt chưa bằng một nửa so với nhiều nước trong khu vực.

VN không đủ gạo để bán cho EU

Năm 2024, VN tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên, tại thị trường châu Âu - nơi có dung lượng nhập khẩu tới 2 triệu tấn mỗi năm, gạo VN đạt sản lượng cao nhất cũng chỉ mới hơn 100.000 tấn. Hơn nữa, con số này hiện giảm mạnh và chưa bằng một nửa so với các nước như Campuchia và Myanmar.

Ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp VN tại EU, cho biết: Tính đến hết tháng 10.2024, xuất khẩu gạo sang EU mới đạt 81.700 tấn và kim ngạch 68,3 triệu USD; so với cùng kỳ năm 2023 đạt 79% về lượng và 95,2% về giá trị. "Ấn Độ, Thái Lan là những nước có nhiều năm kinh nghiệm và thương hiệu ở thị trường EU. Trong khi đó, Campuchia và Myanmar được hưởng cơ chế ưu đãi về thuế 0%, nên sản lượng của 2 nước này đạt từ 200.000 - 300.000 tấn mỗi năm, có năm lên tới 400.000 tấn", ông Công giải thích.

Xuất khẩu gạo vào EU giảm, vì sao?- Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo của VN vào EU giảm mạnh vì nhiều nông dân và DN đang tập trung vào số lượng

Ảnh: M.T

Thực tế mấy năm trước, xuất khẩu gạo sang thị trường EU đã tăng mạnh. Thậm chí năm 2022 đạt 94.510 tấn, vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo hằng năm mà EU dành cho VN theo cam kết từ Hiệp định EVFTA. Thế nên con số mới nhất gây bất ngờ với nhiều người.

Đặt vấn đề này với ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), ông Bình thẳng thắn thừa nhận về nội tại thì vẫn là "căn bệnh trầm kha" của chúng ta khi làm ăn với nước ngoài là cạnh tranh phá giá lẫn nhau. Các doanh nghiệp (DN) mới tham gia thị trường luôn đưa ra giá thấp hơn để cạnh tranh. Giá thấp, chất lượng cũng tương ứng nên bản thân DN đó sẽ mất hợp đồng thậm chí bị trả lại hàng. Thiệt hại không chỉ một mình DN chịu mà gây ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành gạo VN. Theo ông Bình, do cạnh tranh phá giá kéo dài nên đòi hỏi các DN làm ăn nghiêm túc phải có sự kiên trì và cả nguồn vốn đầu tư lớn để lấy lại uy tín. Đây là một thách thức không hề nhỏ với các DN ngành hàng này.

Về yếu tố khách quan ông Bình giải thích càng ngày yêu cầu về chất lượng, độ an toàn thực phẩm càng cao, dư lượng hóa chất tồn dư ít. Trong khi đó, từ giữa năm 2023 đến nay giá gạo thế giới lên cơn sốt khiến tâm lý chạy theo số lượng và không còn chăm chút vào thị trường EU. "Thị trường EU vẫn có nhu cầu nhưng chúng ta không có hàng để xuất. Bản thân chúng tôi cũng chỉ cố gắng duy trì mức ổn định như những năm trước. Ngoài EU, khách hàng ở Nhật Bản đề nghị ký hợp đồng với Trung An sản lượng 10.000 tấn/năm nhưng chúng tôi cũng không dám nhận", ông Bình cho biết.

Tương tự, ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), lý giải: Công ty có khoảng 500 ha trồng lúa giống ST25 theo mô hình lúa tôm để tạo ra các sản phẩm gạo chất lượng cao xuất sang các thị trường cao cấp như Đức, Anh, Úc, Hồng Kông… Tuy nhiên với diện tích này thì sản lượng vẫn còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, các mô hình liên kết với bà con nông dân lại bị phá vỡ do cơn sốt giá thời gian qua. Bình thường giá lúa ST25 chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, DN liên kết với nông dân với mức cao hơn thị trường 200 - 300 đồng/kg.

Từ giữa năm 2023 khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá lúa nguyên liệu ST25 lên tới 12.000 đồng/kg. Giá tăng nhanh và vượt nhiều lần so với thỏa thuận giữa DN và nông dân nhưng DN không thể tăng giá tương ứng theo thị trường nên có lúc xuất khẩu giá lên tới 1.200 USD/tấn vẫn chưa có lãi. "Ở các thị trường cao cấp này thì việc điều chỉnh giá theo thị trường là rất khó. Ngược lại, ngoài EU thì các thị trường còn lại có nhu cầu tiêu thụ cao mà lại dễ tính hơn đáng kể. Điều này khiến nhiều DN siết lại hoạt động xuất khẩu vào EU nên tổng lượng xuất của VN vào thị trường này giảm", ông Tâm phân tích.

Khó cạnh tranh với gạo Thái

Là DN có sản lượng xuất khẩu gạo vào EU tăng tới 32% so với cùng kỳ, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo VN - Vinarice, lý giải nguyên nhân là do khó khăn khách quan nên một số DN thu hẹp hoạt động xuất khẩu, bao gồm cả thị trường EU. Riêng Vinarice xác định mục tiêu dài hạn từ nay tới 5 năm tiếp theo, mỗi năm sẽ tiếp tục tăng trưởng 30% ở thị trường châu Âu. Với mục tiêu này, sản phẩm của công ty luôn đảm bảo các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường. "Bên cạnh đó, việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp cũng là một yếu tố quan trọng để sản phẩm có thể tiếp tục tăng trưởng ở thị trường EU trong những năm tới. Đây là chiến lược dài hạn của công ty chúng tôi chứ thật sự hiện tại xuất khẩu gạo vào EU lãi rất mỏng do giá lúa gạo nguyên liệu nội địa quá cao", ông Tài nhấn mạnh.

Ông Tài dẫn chứng lúa ST25 có giá 12.000 - 13.000 đồng/kg, tỷ lệ thu hồi gạo chỉ có 41% nên giá thành 1 kg gạo xuất khẩu lên tới 30.300 đồng. Với mức giá này thì bán nội địa còn khó trong khi xuất khẩu phải cộng thêm rất nhiều loại chi phí khác. Mặt khác, vụ 3 vừa qua, sản lượng gạo ST25 của VN không nhiều, chưa đủ để phục vụ thị trường nội địa mùa cuối năm. "Do giá nguyên liệu tăng quá cao khiến gạo VN hiện nay khó cạnh tranh với gạo Thái Lan. Thị trường gạo VN rơi lại cái vòng luẩn quẩn giá cả và chất lượng. Giá cứ tăng vượt ngưỡng chịu đựng thì thị trường sẽ bất ổn tác động ngược lại sản xuất", ông Tài nói.

Còn theo ông Đinh Minh Tâm, từ cuối năm 2024, Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu và thị trường bắt đầu hạ nhiệt. Đến năm 2025, giá lúa gạo sẽ ổn định hơn và có thể từ người sản xuất đến chế biến sẽ tập trung trở lại cho câu chuyện nâng cao chất lượng, thương hiệu gạo VN. Nhờ đó mà lợi ích của các khâu trong chuỗi sẽ được cân bằng và xuất khẩu có thể sẽ tăng trưởng trở lại ở thị trường EU.

Xuất khẩu gạo vào Trung Quốc giảm mạnh nhất

Trong 11 tháng của năm 2024, VN đã xuất 8,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 5,3 tỉ USD. Đến ngày 16.12, đang có hơn 300.000 tấn gạo nằm cảng tại TP.HCM chờ ngày lên đường, nên dự báo cả năm 2024 xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới. Tuy nhiên, trong năm qua, một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng sụt giảm mạnh nhất chính là Trung Quốc. Thị trường này chỉ nhập khoảng 259.000 tấn gạo các loại, giảm đến 71% so với cùng kỳ năm 2023; dù năm 2023 đã giảm mạnh so với năm 2022. Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm do các loại gạo chất lượng cao gặp cạnh tranh khốc liệt từ gạo của Thái Lan, Lào.

Ở chiều ngược lại, trong năm qua VN cũng đã nhập khẩu một lượng lớn lúa gạo từ Campuchia và Ấn Độ để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Đặc biệt là gạo Ấn Độ phục vụ chế biến các sản phẩm từ gạo như bún, phở, miến…

Dự báo năm 2025, với sự trở lại của Ấn Độ và lượng gạo xuất khẩu dự báo lên tới 22 triệu tấn các loại, thị trường sẽ cạnh tranh gay gắt. Ngược lại, Indonesia có khả năng sẽ giảm lượng nhập khẩu. Đây là những yếu tố quan trọng chi phối thị trường thế giới trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA)

Xuất khẩu gạo vào EU giảm, vì sao?- Ảnh 2.

NGUỒN: TCHQ - ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.