Thặng dư 11 tỉ USD
Đóng góp lớn vào con số trên là tổng trị giá xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt 241,65 tỉ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá của Bộ Công thương sau 11 tháng năm nay, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương đều tăng trưởng tốt. Ví dụ XK sang thị trường Nhật Bản tăng 7,6%, XK sang Nga tăng 9,1%, sang Hàn Quốc tăng 10,1%, sang Canada tăng 27,2% hay xuất vào Mexico tăng 29,5%...
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đạt 10,9 tỉ USD. Khối doanh nghiệp (DN) trong nước cũng tạo được điểm sáng khi có mức tăng về XK hàng hóa đạt 18,1%, cao hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của cả nước và cao hơn gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối DN FDI. Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng, chiếm 30,95% tổng kim ngạch XK từ đầu năm đến hết tháng 11, trong khi cùng kỳ năm trước tỷ lệ này là 29,16%.
Đặc biệt, nếu như năm 2017, có 29 mặt hàng cán mốc XK trên 1 tỉ USD thì đến nay, danh sách này đã tăng lên 31 mặt hàng.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, việc vượt lên mốc 500 tỉ USD về kim ngạch XNK là thành tích về XK của cả nước, đồng thời điều đó cho thấy độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn. Việt Nam đã chủ động mở cửa hội nhập và các ngành hàng đều được thúc đẩy tăng tốc. Đáng chú ý như lĩnh vực nông nghiệp đã có những bước tiến quan trọng khi kim ngạch XK ước tính cả năm nay đạt trên 41 tỉ USD và thặng dư thương mại của ngành này khoảng 9,5 - 10 tỉ USD. “Thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng rộng mở. Sản phẩm Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe ở nhiều thị trường trên thế giới. Bản thân DN trong nước cũng ngày càng tăng cường liên kết, xây dựng thương hiệu mạnh hơn”, TS Nguyễn Minh Phong nói.
Gia tăng sức cạnh tranh
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng gấp 5 lầnNăm 2007, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì kim ngạch XNK đạt 100 tỉ USD. Như vậy sau 12 năm, kim ngạch này tăng gấp 5 lần.
|
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá sau khi lạc quan về tăng trưởng xuất nhập khẩu, các DN đừng quên những thách thức, rủi ro cũng sẽ ngày càng lớn. Khi Việt Nam càng ký nhiều hiệp định thương mại thì sự ràng buộc lẫn nhau giữa các quốc gia càng lớn. Bất kỳ sự biến động nào của thế giới cũng tác động ngay lập tức đến kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động XNK nói riêng. Do đó để giữ vững được tăng trưởng, giảm bớt các rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp thì các DN phải nâng cao sức cạnh tranh. “Nâng cao năng suất lao động là vấn đề cốt lõi cũng như DN phải tăng cường tham gia mạnh hơn nữa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bản thân các bộ ngành, Chính phủ ngoài việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thì phải cảnh giác với các hiện tượng gian lận thương mại, gian lận xuất xứ như đã cảnh báo nhiều lần”, TS Ngô Trí Long chia sẻ.
Bình luận (0)