'Xuyên không' ngắm chùa Một cột thời Lý

11/10/2020 06:36 GMT+7

Nghiên cứu của TS Trần Trọng Dương cùng bạn bè cho phép người xem có thể “xuyên không” ngắm chùa Một cột thời Lý cùng những công trình xung quanh.

Hoa sen hay ngọn núi Tu Di cao quý

TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã theo đuổi việc nghiên cứu chùa Một cột (Hà Nội) trong nhiều năm. Năm 2013, ông có một khảo luận dài gần 300 trang về ngôi chùa này. Theo đó, ông Dương cho rằng chùa Một cột (theo cách người dân vẫn gọi) là một kiến trúc có hình bông sen (Liên hoa đài). Đồng thời nó cũng là kiến trúc trung tâm của một mặt bằng tượng trưng cho hình dung về vũ trụ (mandala). “Tôi cho rằng chùa Một cột chính là một Liên hoa đài. Nó nằm giữa mặt bằng tượng trưng cho vũ trụ, là chùa Diên Hựu xưa”, TS Dương cho biết. Ông cũng công bố điều này trong tọa đàm Bước vào lịch sử: Chùa Một cột và công nghệ thực tế ảo diễn ra tại Hà Nội chiều 10.10.
Ông Dương còn cho biết ngoài chùa Diên Hựu (nơi có Liên hoa đài - kiến trúc Một cột) thì nhiều ngôi chùa tháp khác ở Đại Việt thời Lý đều có mô hình mandala. Tuy nhiên, các mô hình này lại được hiện thực hóa theo nhiều hình thức khác nhau. Mandala chùa Bách Môn có 5 đỉnh với 1 lầu ở trung tâm và 4 đỉnh lầu mái ở 4 góc. Bàn thờ theo hình chữ thập đặt các tượng pháp theo 4 hướng để có thể hành lễ và nhiễu Phật vòng quanh chùa. Mandala chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng có đào ao trong điện, và đặt tượng Phật giữa ao...
Chùa Một cột năm 2008 Ảnh: Nhà khảo cổ Nguyễn Văn Kự

Chùa Một cột năm 2008

Ảnh: Nhà khảo cổ Nguyễn Văn Kự

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, khi xây dựng một ngôi chùa là người xưa đã hiện thực hóa thế giới quan của mình bằng nghệ thuật kiến trúc. Ở trung tâm mandala, mỗi đỉnh núi là một Linh Sơn, là một núi Tu Di, trên đó người xưa cho dựng một ngôi chùa, một ngọn tháp là hình dung về một cõi niết bàn ngay giữa nhân gian, để hướng thiện và khuyến hóa chúng sinh”, ông Dương cho biết.

Phục dựng

Khi phục dựng mặt bằng chùa Diên Hựu và kiến trúc một cột thời Lý, nhóm dự án Sen Heritage của ông Dương dựa trên các cứ liệu khảo cổ học, các tư liệu văn bia và chính sử. Cụ thể, họ dựa vào phế tích cột đá chùa Dạm, văn bia Sùng Thiện Diên Linh, văn bia chùa Đọi và nhiều hiện vật khảo cổ khác. Từ đó, Sen Heritage thử tái lập bình đồ mandala của chùa Diên Hựu (năm 1105) và hình thái kiến trúc Liên hoa đài thời Lý với hình dáng một lầu hoa sen sáu cạnh một cột (Việt sử lược). Với việc lắp ghép trang trí kiến trúc, nhóm ông Dương kế thừa các thành quả khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long, chùa Dạm, Chương Sơn, Phật Tích... Về cơ bản, đó là việc đưa ra giả thuyết tái lập một loại hình kiến trúc đặc thù theo phong cách Lý.
Dựa vào văn bia chùa Đọi năm 1121, ông Dương và cộng sự đã dựng lại kiến trúc một tòa sen báu. Bao ngoài tòa sen là cột đá tượng trưng cho ngó sen, cũng là kết cấu chịu lực của kiến trúc. Theo văn bia, cột đá có thể cắm sâu dưới đáy ao, nhưng cũng có thể đặt trên một đảo đất ở trung tâm giống như Tháp Rùa. Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu chọn khả năng lớn nhất là chân cột đá này được gia cố bởi chín tầng đá chạm trổ cửu sơn bát hải giống như cột đá chùa Dạm. Trên cột đá sẽ có kết cấu chịu lực là hoa sen cỡ lớn làm bằng đá. Trung tâm của kiến trúc là đài hoa sen thờ Phật Thích Ca. Đài sen một cột này được đặt giữa một ao sen tên là Linh Chiêu.
Tại tọa đàm, công chúng được thử nghiệm đeo kính 3D và trải nghiệm không gian chùa Diên Hựu, kiến trúc một cột Liên hoa đài đã được dựng lại. Ngoài ra, có thể xem hình ảnh 360o của chùa Diên Hựu với Liên hoa đài tại địa chỉ http://vni.pro.vn. Ở đó, có tháp chuông Quy Điền, tháp lưu ly, hồ Bích Trì, tháp Bạch Manh, điện thờ Nam Phương Thiên Vương như trong nhiều tư liệu Hán Nôm mô tả. Màu của các kiến trúc này là đỏ. Một số hiện vật kiến trúc như ngói sen, lá đề cũng không xa lạ vì đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy ở các công trình thời Lý.
Kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn, người thực hiện 3D hóa, cho biết đây là một giả thuyết đưa ra về Liên hoa đài và chùa Diên Hựu. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục chỉnh sửa khi có các thông tin trao đổi thêm. Họ cũng mong nhận được các trao đổi chuyên môn của các nhà khảo cổ học và người nghiên cứu mỹ thuật, tôn giáo.
Dự án Sen Heritage theo đuổi việc nghiên cứu ứng dụng di sản vào đời sống. Nhóm gồm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, họa sĩ và người yêu văn hóa cổ. Thành viên chủ chốt: kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn (CEO VNI, Holomia), họa sĩ Trần Thanh Tùng (Hội quán Di sản), TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VASS), và các thành viên khác như: Duy Nguyễn, Hiệu Sicula, Lê Minh Quân, Phạm Minh Tùng, Nguyễn Huy...
Sen hướng tới các sản phẩm là mẫu công trình kiến trúc, vật phẩm văn hóa và phần mềm tham quan, phục vụ các công tác bảo tàng (trình bày thực tế ảo, thuyết minh) và phục vụ giáo dục văn hóa lịch sử trong nhà trường. VR3D chùa Diên Hựu - Một cột thời Lý là sản phẩm đầu tiên của nhóm trong chương trình tái lập các di sản kiến trúc - mỹ thuật thời Lý Trần như: Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.