Yêu thương không phải nuông chiều

12/01/2023 04:09 GMT+7

Có 2 thái cực hiện đang tồn tại trong giáo dục: hà khắc và nuông chiều. Theo hướng nào một cách thái quá cũng để lại những hệ lụy mà xã hội phải gánh chịu.

Giáo dục ngày nay lấy tình yêu thương, sự nhân văn làm nền tảng. Thay vì trừng phạt, răn đe học sinh thì người lớn sẽ lấy tình yêu thương làm kim chỉ nam dẫn dắt để giúp người trẻ hướng thiện, đạt đến chân lý. Mọi thực nghiệm đều đã chứng minh giáo dục bằng tình yêu thương có giá trị tích cực hơn rất nhiều so với sự hà khắc, trừng phạt.

Một thí nghiệm mà trong các nhà trường hay dạy cho học sinh là có 2 chậu cây để ở 2 nơi, trong môi trường khác nhau sẽ có kết quả khác nhau. Một chậu cây để gần cửa sổ, có không khí, ánh nắng chan hòa; mỗi ngày được các em học sinh chăm sóc thì sẽ phát triển rất nhanh. Ngược lại, chậu cây để ở góc phòng, thiếu ánh sáng, dẫu vẫn được tưới thì phát triển èo uột. Ánh sáng mặt trời là một dạng của tình thương mà cây trồng cần có để lớn lên khỏe mạnh.

Dẫu vẫn có những ý kiến bàn cãi, tranh luận nhưng bộ sách Thông điệp của nước (tác giả người Nhật Masaru Emoto) tạo nên nguồn cảm hứng mạnh mẽ giúp con người hướng thiện và càng nhận ra rằng sự yêu thương chân thành khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Qua việc chụp bức ảnh của các tinh thể nước, tác giả chứng minh một điều: Những vật tưởng như vô tri, vô giác như nước cũng có cảm xúc, biết buồn giận, yêu thương. Theo đó, những tinh thể nước có hình dáng cấu trúc đẹp là được nghe những từ ngữ của yêu thương, những bản nhạc giàu cảm xúc… Ngược lại, sẽ cho ra đời những tinh thể nước xấu xí.

Tuy nhiên, yêu thương không đồng nghĩa với nuông chiều.

Phản ánh từ các doanh nghiệp, nhà trường hiện nay cho thấy bên cạnh những đặc điểm nổi trội của thế hệ gen Z, vẫn còn nhiều điểm được xem là hậu quả của giáo dục nuông chiều. Đó là thái độ, kỹ năng, cách ứng xử thiếu trách nhiệm của giới trẻ đối với công việc cũng như với các mối quan hệ trong xã hội. Đó là thiếu tính tự lập và kỹ năng sống. Là thiếu sự sẻ chia, cảm thông, là thái độ ích kỷ…

Do đời sống kinh tế xã hội, văn hóa hiện nay rất khác với trước đây nên chúng ta cũng không thể yêu cầu trẻ em ngày nay phải hành xử, tư duy, có thái độ sống như thế hệ trước. Tuy nhiên có những giá trị vẫn không thay đổi và cần được duy trì rèn luyện. Chẳng hạn đó là giá trị của lao động. Đó là tinh thần trách nhiệm, là những kỹ năng cần thiết khác để trẻ bước vào đời sau này.

Trên thực tế nếu gia đình quá nuông chiều con thì sẽ rất khó khăn cho nhà trường khi tiếp nhận các học sinh này vì có nguy cơ thiếu hợp tác hoặc bất đồng về quan điểm giáo dục giữa nhà trường và gia đình. Từ đó dẫn đến việc nhà trường không có cơ hội để rèn luyện học sinh.

Giáo dục nếu không trách phạt thì không hiệu quả nhưng nuông chiều quá thì không giúp trẻ trưởng thành. Nhưng quả thật rất mong manh giữa lằn ranh kỷ luật mà không bạo lực về thể chất, tinh thần; nhẹ nhàng, nhân ái mà không nuông chiều.

Ở đây, tình yêu thương sẽ là “sợi chỉ đỏ” cho cả cha mẹ và thầy cô trong giáo dục học sinh. Yêu thương sẽ khiến không bạo lực và yêu thương là tìm cách để người khác tốt hơn nên không thể có thái độ nuông chiều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.