Từ năm 2014, YouTube chính thức ra mắt tại Việt Nam, đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái số của đất nước. Đến tháng 6.2024, nền tảng này đã thu hút hơn 50 triệu người dùng trên 18 tuổi, chiếm 90% dân số trực tuyến tại Việt Nam. Những con số ấn tượng này không chỉ thể hiện sự phổ biến của YouTube mà còn minh chứng cho sự kết nối sâu sắc giữa nền tảng này và người Việt.
Sự bùng nổ của cộng đồng sáng tạo nội dung
Hiện nay, Việt Nam có hơn 1.800 kênh YouTube đạt mốc 1 triệu người đăng ký, với hơn 50% thời lượng xem đến từ khán giả quốc tế. Đây là kết quả của quá trình phát triển mạnh mẽ mà các nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam đã nỗ lực xây dựng.
ông Ajay Vidyasagar - Giám đốc điều hành, YouTube, Đông Nam Á và các Thị Trường mới nổi chia sẻ: "Nhìn lại hành trình từ những ngày đầu, khi Việt Nam chưa có nhà sáng tạo nội dung nào nổi bật, đến hôm nay, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc của cộng đồng sáng tạo tại Việt Nam".
Những nhà sáng tạo nội dung như JVevermind, Phở Đặc Biệt, An Nguy hay nhóm FAP TV từng là biểu tượng của YouTube Việt Nam trong những năm đầu. Tuy nhiên, tại lễ kỷ niệm 10 năm, sự vắng mặt của những cái tên này đã để lại không ít tiếc nuối. Dẫu vậy, những thế hệ sáng tạo sau này, như Oops Banana, vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các giá trị mà YouTube mang lại. Anh Phạm Văn Dũ, YouTuber kênh Oops Banana chia sẻ: "Hồi đó, mỗi sự kiện chỉ có vài chục bạn sáng tạo nội dung tham gia. Nhưng giờ đây, thị trường đã phát triển vượt bậc, mang lại nhiều cơ hội hơn cho những ai đam mê lĩnh vực này".
YouTube và chiến lược cạnh tranh trong thời kỳ mới
Dù đạt được những thành tựu đáng kể, YouTube vẫn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ TikTok, Facebook Reels và các nền tảng nội địa khác. Trả lời câu hỏi của báo Thanh Niên về xu hướng chuyển đổi nền tảng của nhiều nhà sáng tạo nội dung Việt, ông Ajay Vidyasagar nhấn mạnh: "YouTube tập trung vào ba trụ cột chính: người xem, nhà sáng tạo và doanh nghiệp quảng cáo. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người dùng sẽ luôn có nội dung đa dạng và chất lượng khi đến với YouTube".
Nền tảng này đã liên tục cập nhật các công cụ hỗ trợ sáng tạo như YouTube Shorts, YouTube Studio và cung cấp chính sách chia sẻ doanh thu hấp dẫn. Đồng thời, YouTube đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo (AI) để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, bảo vệ bản quyền và chống quấy rối hiệu quả. Những chiến lược này không chỉ giúp giữ chân các nhà sáng tạo lâu năm mà còn thu hút thêm nhiều tài năng mới, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
Không chỉ là nền tảng giải trí, YouTube còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế và du lịch tại Việt Nam. Nền tảng này đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam, để thực hiện các chiến dịch quảng bá như "Google Adventure Vietnam" và "Đi Để Yêu". Những chiến dịch này không chỉ thu hút sự chú ý trong nước mà còn tạo dấu ấn mạnh mẽ trên toàn cầu, với hơn 55% thời lượng xem đến từ khán giả quốc tế.
YouTube Việt Nam làm gì để giữ chân nhà sáng tạo sau 10 năm phát triển?
Bà Mukpim Anantachai, Giám đốc Bộ phận Quan hệ Đối tác của YouTube tại Việt Nam và Thái Lan chia sẻ: "Chúng tôi kết nối với các nhà sáng tạo từ các thị trường quốc tế trọng điểm, mời họ đến Việt Nam để sản xuất nội dung, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè thế giới".
Những video giới thiệu cảnh đẹp, văn hóa, con người và ẩm thực Việt Nam đã góp phần làm nên sức hấp dẫn của ngành du lịch nước nhà. Hơn nữa, YouTube còn tạo điều kiện để các nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam phát triển kinh tế bền vững thông qua việc chia sẻ doanh thu từ quảng cáo.
Với hơn 10 năm phát triển, YouTube không chỉ trở thành nền tảng giải trí phổ biến mà còn là cầu nối văn hóa, kinh tế và sáng tạo nội dung. Những chiến lược toàn diện và sáng tạo của nền tảng này là cơ sở để YouTube tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong hệ sinh thái số Việt Nam.
Bình luận (0)