YouTuber ‘hâm’ nhất Sa Pa, cứu thú rừng hoang dã, mua gà lợn cho người nghèo

Thúy Hằng
Thúy Hằng
04/03/2020 10:20 GMT+7

'Chắc mọi người cười thầm rồi nghĩ tôi bị hâm chứ sao bỏ ra bao nhiêu tiền đi mua mấy con thú mang ra rừng thả. Nhưng tôi biết là việc nào mình nên làm', Hoàng Hải, YouTuber làm kênh về Sa Pa chia sẻ.

“Tôi ngày nào cũng xem kênh của anh”, một người phụ nữ đầu chít khăn thổ cầm cười khi Hoàng Hải chìa máy quay tới chị. Mấy phút sau, mấy cô bé xúng xính váy áo dân tộc Mông cũng e thẹn: “Ồ Sa Pa TV, chúng em xem nhiều clip anh làm”, đó là những hình ảnh trong video do Hoàng Hải thực hiện. Chỉ thế thôi mà Hoàng Hải vui cả ngày. Một mình tự sản xuất, “nuôi” kênh hơn 250.000 người đăng ký, YouTuber cho biết chưa bao giờ nghĩ mục đích mình làm vì tiền.

Tôi muốn kể chuyện ẩm thực, đời sống Tây Bắc

Sinh ra và lớn lên ở TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), tốt nghiệp phổ thông anh Hải đã bắt đầu công việc lái xe du lịch, phục vụ du khách tới thị trấn Sa Pa hay những làng bản khác trong Lào Cai. Năm nay 34 tuổi, Hải đã có 16 năm rong ruổi khắp các cung đường, anh tự nhận “thông thạo đường sá, thuộc từng xã, huyện ở Lào Cai như trong bàn tay”.

Sa Pa trong sương dưới ống kính của Hoàng Hải luôn đẹp

Ảnh Hoàng Hải

Sa Pa đẹp như một bức tranh

Ảnh Hoàng Hải

Mùa mận hậu chín ở Tây Bắc

Ảnh Hoàng Hải

Yêu thích nhiếp ảnh, Hải cũng tự học chụp ảnh và sắm đủ đồ nghề, ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống bình dị, những con người trên mảnh đất quê hương. Năm 2011, Hải bắt đầu đăng tải những video đầu tiên về Sa Pa, tuy nhiên đó chỉ là khởi đầu của một hành trình không dễ dàng để có kênh YouTube được nhiều người yêu thích như hôm nay.
Hoàng Hải chia sẻ: “Công việc chính của tôi ngày ngày vẫn là lái xe phục vụ du khách tới bất cứ đâu trong Lào Cai, hoặc có thể tới những tỉnh khác ở Tây Bắc như Yên Bái, Sơn La... Và trong khi du khách thăm thú những nơi này, tôi cũng bắt đầu công việc của một YouTuber với chiếc máy quay cầm tay. Nhiều người nghĩ tôi có một ekip để làm kênh này, nhưng thực tế tất cả chỉ có một mình, từ quay tới dựng video, đôi lúc có thể nhờ khách nào đó quay giùm một số cảnh”.
Không giới hạn bản thân với những video phiên chợ Sa Pa, món ngon ở Sa Pa, Hải đưa người xem tới các phiên chợ ở Bắc Hà, hay các đám cưới, xây nhà của các dân tộc người Mông, người Giáy, người Nùng, Tày, Dao Đỏ… Là người trải nghiệm trong những video thưởng thức đồ ăn, Hải đưa người dân khắp bốn phương bước vào gian bếp của bà con vùng cao đích thực, xem người ta nấu từ nậm pịa, tới mèn mén (ngô xay rồi hấp lên), canh óc đậu (một dạng như tàu hũ nấu nhuyễn).
Anh bộc bạch: “Mục đích chính của tôi khi lập ra kênh này, để giới thiệu cho du khách hiểu nhiều hơn về Tây Bắc nói chung, Lào Cai nói riêng, nơi đây có văn nét truyền thống đặc sắc và những con người chân chất, dễ mến, có cảnh đẹp bạt ngàn và những món ăn ngon. Ví dụ như món mèn mén, canh óc đậu thôi, bạn có thể nhìn vào và nghĩ sao nhìn đơn giản vậy mà tôi khen ngon, nhưng thực tế là đó là món ăn của ký ức. Ăn nó để nhớ về những năm tháng còn khó khăn với cơm độn ngô khoai, mèn mén thay cơm, nên với nhiều người, đó luôn là những món ăn ngon nhất”.
 

Hải (bìa trái) một mình xây dựng kênh YouTube Sa Pa TV

Ảnh NVCC

Khâu chuẩn bị món ăn trong đám cưới người Dao Đỏ ở Lục Yên, Yên Bái trong video của Hải

Chàng trai ‘hâm’ đi làm điều tử tế

Không chỉ lướt qua đời sống của những con người Tây Bắc, Hải dừng lại quan sát và trò chuyện với người dân địa phương nhiều hơn, để hiểu hơn về số phận của họ. Nhiều video, mộc mạc thôi nhưng anh cho người xem cảm giác xúc động.
Đó là một thanh niên làm nghề bốc vác ở chợ phiên, ngồi cạnh vợ chỉ dám gọi mấy tô mèn mén ăn với canh óc đậu. Anh ăn rất khỏe, hết vèo 3 tô mèn mén mà chưa no, Hải gọi thêm cho anh 2 tô mèn mén và thịt lợn để hai vợ chồng ăn. Một lúc, anh kia ăn hết veo 5 tô. Hải về tận nhà chàng trai, thấy bạn đó sống chịu khó làm lụng, thương yêu vợ con, hoàn cảnh khó khăn, Hải tặng người đó một con lợn giống để anh nuôi, hy vọng nó sẽ giúp gia đình từ đó có thêm nguồn thu, cải thiện đời sống.

Chàng trai ăn một lúc 5 tô mèn mén và bên cạnh là người vợ anh

Ảnh cắt từ video

Hay một lần khác, ra chợ gặp một cụ già nghèo khổ, dáng vẻ tiều tụy như bị đói đã lâu, Hải mời cụ ăn cơm. Cơm canh, thịt dọn ra, cụ chỉ ăn hết cơm và canh, nhưng lại xin xách chỗ thịt đi về. Mấy ngày sau, Hải quay lại hỏi bà chủ quán tại sao, câu trả lời khiến anh thấy nghẹn ngào “cụ ông gói thịt mang về cho cụ bà đang nằm ốm yếu ở nhà”.
“Tôi tìm tới nhà ông cụ và thấy cảm thương cho hoàn cảnh, họ không có nhà ở, đang ở nhờ nơi gian nhà ọp ẹp. Cụ bà già yếu. Hai vợ chồng người con trai cụ không biết tiếng Kinh, không được nhanh nhẹn như bình thường. Tôi mua tặng cụ một đàn gà, hy vọng số gà đó lớn lên giúp gia đình cụ có thêm những bữa ăn ngon”, Hải chia sẻ.

Trẻ em Tây Bắc dưới ống kính của chàng trai làm YouTube, mê chụp ảnh

Ảnh Hoàng Hải

Hoàng Hải cho biết có thể nhiều người nghĩ anh bị “hâm” khi rất nhiều lần thấy anh bỏ tiền ra mua đồ ăn, thịt, gạo, rồi tặng gà cho bà con khó khăn. Trong khi Covid-19 đang là nỗi lo lắng của nhiều người, anh mua cả ngàn chiếc khẩu trang mang đi phát miễn phí cho khắp bà con ở phiên chợ. Nhiều người ngơ ngác không dám nhận, xua tay “không có tiền mua đâu”.

Đàn gà của ông cụ nghèo được anh Hải tặng

NVCC

Hay đi tới các vùng biên giới, thấy người dân tộc vùng cao bán động vật hoang dã như mèo rừng, khỉ, anh bỏ tiền túi mua lại rồi liên hệ với lực lượng kiểm lâm, cùng mang chúng vào rừng để thả. “Chắc nhiều người cười thầm nghĩ tôi bị hâm, có ai bỏ bao nhiêu tiền đi mua lại mấy con thú rồi thả mất đi, nhưng tôi biết những gì mình nên làm. Những điều nhỏ bé đó khiến tôi lúc nào cũng cảm thấy thanh thản, vui vẻ”, YouTuber làm kênh về Sa Pa chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.