Ngày 7.11, Thanh tra TP.HCM công khai kết luận thanh tra trách nhiệm thủ trưởng tại Sở GD-ĐT TP.HCM. Theo đó, Thanh tra TP.HCM thực hiện thanh tra nội dung các cuộc hội nghị và tập huấn do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức trong thời gian năm 2017 và từ tháng 1.2018 đến nay.
Chi sai quy định
Về nội dung thanh tra các đoàn đi công tác nước ngoài sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, Thanh tra TP.HCM nêu rõ trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng kế hoạch tài chính đối với chuyến đi công tác của đoàn cán bộ đi học bồi dưỡng quản lý ngành học mầm non tại Nhật Bản có chi phí phụ cấp tiền tiêu vặt là 46,4 triệu không đúng quy định của Bộ Tài chính vì khoản tiền này phải thanh toán trực tiếp cho các cá nhân đi nước ngoài.
Tổ chức khóa bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh cốt cán các cấp tại Mỹ, ký hợp đồng với Công ty cổ phần IIG Việt Nam nhưng không thể hiện nội dung chương trình. Đề xuất UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương và kinh phí tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên trong khi Quyết định 448 của UBND TP.HCM phê duyệt Đề án "Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020" không có nội dung tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài (Mỹ). Việc Sở tham mưu đề xuất UBND TP.HCM không đúng nêu trên cần phải nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
Cấp kinh phí cao hơn thực tế
Ở nội dung quản lý, sử dụng tài chính, Thanh tra cũng chỉ ra rằng Sở phân bổ lại dự toán kinh phí hoạt động cho các đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, định mức khác nhau về các mức phân bổ chưa phù hợp theo định mức phân bổ chi ngân sách. Phòng Kế hoạch tài chính của Sở không kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ về số lượng học sinh, dẫn đến sai sót trong việc cấp kinh phí cao hơn so với số lượng học sinh bình quân thực tế tại 6 trường được thanh tra với số tiền là hơn 550 triệu đồng.
Sở cấp kinh phí năm 2017 cho Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cao hơn thực tế với số tiền hơn 450 triệu đồng do không điều chỉnh, cắt giảm kinh phí theo số lượng cán bộ, viên chức, người lao động thực tế.
Hiệu trưởng 6 trường được thanh tra không báo cáo tình hình giảm số học sinh và giảm số người làm việc thực tế tại đơn vị dẫn tới việc Sở cấp cao kinh phí hơn thực tế. Những trách nhiệm này thuộc Phòng kế hoạch tài chính thuộc Sở và hiệu trưởng các trường liên quan.
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa chặt chẽ
Cũng theo kết luận, chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần giám định Ngân Hà về kết quả tư vấn giá dịch vụ đào tạo giảng viên dạy các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh với số tiền 36,44 tỉ đồng, căn cứ vào báo giá của Công ty cổ phần đầu tư và giáo EMG là chưa đủ cơ sở để xác định giá trị dịch vụ đào tạo giáo viên.
Sở đã không trình UBND TP.HCM xem xét quyết định về giá dịch vụ đào tạo theo đề nghị của Sở Tài chính, không có quyết định đầu tư được phê duyệt, kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa chặt chẽ trong việc lựa chọn hình thức chỉ định thầu theo quy định… Thanh tra chỉ rõ, trách nhiệm đối với thiếu sót, khuyết điểm này thuộc về Giám đốc Sở và các cá nhân được phân công.
Ký hợp đồng cho thuê mặt bằng không đúng quy định
Trong khi đó, ở nội dung quản lý, sử dụng nhà đất, trong văn bản có nêu Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie thực hiện ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác khu Liên hợp thể dục thể thao thư viện với Công ty TNHH Gym One nhưng không có văn bản chấp thận của UBND TP.HCM. Trường này cũng sử dụng nhà đất ký hợp tác với Công ty cổ phần văn hóa Ngôi nhà xanh từ năm 2012 không đúng quy định. Tới năm 2015, Hiệu trưởng trường này đã ký biên bản thanh lý hợp đồng với công ty này nhưng tới nay Công ty cổ phần văn hóa Ngôi nhà xanh vẫn sử dụng nhà đất. Tổng số tiền sau khi nộp thuế và trích quỹ phát triển còn lại hơn 1,1 tỉ đồng. Trách nhiệm này thuộc về hiệu trưởng, kế toán nhà trường và Giám đốc Sở thời kỳ có liên quan.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ký các hợp đồng cho thuê phòng học, nhà thi đấu thể dục thể thao là không đúng quy định. Số tiền sau khi nộp thuế và trích quỹ phát triển còn lại gần 3,2 tỉ đồng. Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong thời kỳ có liên quan.
Sở ký hợp đồng cho thuê mặt bằng tầng hầm B1 (trụ sở 66-68 Lê Thánh Tôn) để giữ xe từ tháng 1.2012 đến tháng 12.2018 với số tiền 252 triệu đồng không đúng quy định. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc, Chánh văn phòng và Kế toán trưởng Sở thời kỳ có liên quan.
Tổ chức hội nghị, tập huấn xa thành phố
Thanh tra TP.HCM cũng có kết luận về việc tổ chức hội nghị, kết hợp du lịch. Cụ thể, các cuộc hội nghị, tập huấn ngoài TP.HCM đều căn cứ vào kế hoạch năm học của Sở hoặc văn bản, kế hoạch của Bộ GD-ĐT, lượng người tham gia tập huấn… tuy nhiên còn có các nội dung không đúng quy định.
Về thời gian, có 18 cuộc hội nghị đi nhiều hơn 2 ngày không đúng quy định. Về địa điểm, tất cả các cuộc hội nghị, tập huấn đều được tổ chức kết hợp với tham quan, du lịch tại các địa điểm xa thành phố là không đúng quy định.
Các đơn vị trực thuộc Sở báo cáo quyết toán chi phí cho các đơn vị cá nhân tham gia hội nghị, tập huấn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (qua kiểm tra ở một số đơn vị) không quy định cụ thể mức thanh toán…
Sở tổ chức "hội nghị chuyên đề xây dựng Đảng" tại Côn Đảo 3 ngày và "hoạt động về nguồn, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, công tác cho cán bộ đoàn" tại các tỉnh phía Bắc 7 ngày, không phải là chuyên đề công tác chuyên môn… Ở nội dung này, Thanh tra kiểm tra hồ sơ các chuyến đi cho thấy số tiền thanh toán cho các công ty lữ hành khoảng 29 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với mức quy định của nhà nước là không phù hợp với thu nhập của ngành giáo dục. Sở phải chấm dứt và ban hành văn bản phổ biến cho toàn ngành được biết. Thanh tra chỉ rõ trách nhiệm này thuộc về Giám đốc, Phó giám đốc phụ trách và các phòng trực thuộc.
Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cũng ghi rõ việc sử dụng các nguồn kinh phí hoạt động tại một số trường còn sai sót.
Cụ thể, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, báo cáo trích nguồn kinh phí cải cách tiền lương năm 2017 với gần 470 triệu đồng không phù hợp với số tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng. Không kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng…
Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn chưa trích nguồn cải cách tiền lương năm 2017.
Trường THPT Marie Curie không nộp đầy đủ tiền thu học phí vào kho bạc còn để tồn quỹ tiền mặt vào cuối tháng gần 3 tỉ đồng.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bán thanh lý tài sản không cần dùng số tiền 25,5 triệu đồng nhưng chưa nộp vào ngân sách nhà nước. Thanh toán cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thuê xe đưa rước học sinh, suất ăn, dạy toán - khoa học bằng tiếng Anh số tiền hơn 800 triệu đồng nhưng không có hóa đơn của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Thanh tra nêu rõ, trách nhiệm này thuộc về hiệu trưởng các trường.
|
Bình luận (0)