Đi làm mùa chống dịch virus corona

09/02/2020 08:11 GMT+7

Trong cơn dịch virus corona , dường như các cụm từ 'đeo khẩu trang đi làm', 'đi làm thời corona'... đã trở thành xu hướng của giới trẻ để nhắc nhở mọi người cùng nhau phòng chống và không thờ ơ với dịch bệnh.

Đâu đâu cũng thấy người trẻ đăng những dòng trạng thái “đi làm thời corona”. Làm một cuộc phỏng vấn nhanh vài người trẻ thì họ cho rằng: Sống ngoài đời sợ virus  corona nên sống ảo trên mạng là tốt nhất. Và hơn nữa cũng là để nhắc nhở mọi người đừng quên là đang trong thời dịch bệnh”.

Những câu chuyện bi hài

Cũng hưởng ứng theo “trend”, ca sĩ trẻ Hồ Nhật Hào đăng trên trang cá nhân Facebook: “Phong cách đi diễn thời nay” kèm với hình ảnh đeo khẩu trang kín mít.
Chia sẻ với người viết, ca sĩ Hồ Nhật Hào kể thường thì lúc trước khi chương trình chính thức diễn ra sẽ có nhiều lần tập và tổng duyệt. Lúc tập đội hình thì mỗi người một cái khẩu trang mà hát cho an toàn. Tuy nhiên, lúc tổng duyệt và lúc diễn thì bắt buộc phải tháo khẩu trang ra. Và micro là phương tiện dễ lây truyền vi khuẩn nhất.
“Nhưng làm gì có cách nào khác, tụi mình đành để micro ra xa và hát lớn thêm xíu cho an toàn và đương nhiên hại cổ họng ghê gớm. Bi hài nữa là những giờ học thanh nhạc buộc phải ngưng trệ vì hát phải văng nước bọt mà hát xong một bài thì chắc cái phòng học thanh nhạc vi khuẩn đầy luôn quá (cười)”, Nhật Hào chia sẻ.
Cũng theo ca sĩ Nhật Hào, hầu hết mọi người đều bị hủy khá nhiều show diễn nhưng ai nấy đều thông cảm vì sức khỏe của cộng đồng là trên hết.
Nói vui với người viết, Nguyễn Thị Hoàng Lan, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hài hước: “Đi làm cái thời gì mà chẳng biết ai vô ai, chẳng còn cười nói với nhau tự nhiên như trước đây nữa”.
Lan kể do đi làm ai cũng đeo khẩu trang, ngồi phòng máy lạnh nên càng sợ và càng muốn đeo. “Lúc trước chị em sau giờ ăn trưa hay ngồi tán dốc đủ chuyện rồi ôm nhau cười rần rần. Còn mấy ngày này chắc ai cũng ngại nên hạn chế và nói thật cũng không tự tin khi cười đùa với nhau”, Lan chia sẻ.
Còn Bùi Thị Khánh Linh, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thì kể: “Mình làm văn phòng, công ty thì không bắt buộc phải đeo khẩu trang nhưng mọi người đều tự giác đeo hết. Chỉ có điều mọi người chưa nắm rõ đeo khẩu trang như thế nào cho đúng nên rất nhiều tình huống bi hài xảy ra. Như có anh đeo khẩu trang khi ở trong phòng làm việc bước ra khỏi phòng thì cởi bỏ, hay đeo khẩu trang trong giờ làm việc còn đến giờ ăn trưa thì quây quần bên nhau cười nói rôm rả…”.

Người trẻ chia sẻ “phong cách” đi làm thời corona trên các trang mạng xã hội

Ảnh: chụp màn hình

Không lo không được

Đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi

Trần Thị Mỹ Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, kể với người viết về những trường hợp bi hài trong mùa dịch mà cô nàng đã chứng kiến: “Bạn mình có lúc nhắn tin hỏi đi ngủ có cần đeo khẩu trang không nhỉ, mà mình thấy buồn cười, nên gửi nguyên cái bảng khuyến cáo và cách đeo khẩu trang đúng cách của Bộ Y tế qua cho nó xem. Rồi bi hài hơn là lúc đi uống cà phê, nhìn thấy một bạn đeo khẩu trang xong rồi mỗi lần uống lại kéo khẩu trang xuống, uống xong thì kéo lên. Nhưng chưa hết đâu, đi ăn cũng gặp trường hợp tương tự, nên mình nghĩ mọi người đã có ý thức phòng chống như vậy sao không “nhịn” hẹn hò, nhịn gặp gỡ nhau một thời gian, vì có thể bàn công việc hay trò chuyện online mà”.
Đang làm nhân viên lễ tân cho khách sạn The Blue trên đường Phan Thúc Duyện (Q.Tân Bình, TP.HCM) nên Nguyễn Thị Kiều Diễm (cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn) cảm thấy khá lo lắng vì công việc phải thường xuyên tiếp xúc với du khách.
Diễm kể: “Biết được thông tin có một trường hợp là lễ tân ở Nha Trang do tiếp xúc với du khách nhiễm bệnh nên cũng bị dương tính với virus corona, vì thế mình càng sợ hơn. Nhưng mà công việc thì phải làm thôi. Tuy nhiên, đầu tiên mình cứ tự phòng bệnh, đeo khẩu trang, mua nước rửa tay có cồn để rửa thường xuyên, với lại khách sạn cũng quy định không nhận khách Trung Quốc trong mùa dịch nên cũng an tâm phần nào”.
Thế nhưng, cũng theo Diễm, không lo sợ không được, do có nhiều du khách có thể họ đã đến Trung Quốc trước khi đến mình hay đã tiếp xúc với người bệnh, nói chung là mấy trường hợp đó không thể nào lường trước được.
“Mình đã lo mà ba mẹ ở nhà còn lo hơn gấp bội, cứ gọi điện vào nhắc thường xuyên rằng phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên các kiểu… Nói chung không ai thờ ơ trước dịch bệnh được, đặc biệt làm những công việc đặc thù là tiếp xúc với nhiều người lạ như mình”, Diễm trải lòng.
Cảm thấy mình khá may mắn vì công việc có thể làm online, nên Hồ Nguyễn Anh Phong, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, đang công tác tại cửa hàng Thế giới di động, chia sẻ: “Bình thường thì có thể làm ở văn phòng hoặc làm online, nên mình cảm thấy thật may mắn so với nhiều bạn đang sợ đi làm văn phòng sẽ dễ lây nhiễm bệnh. Do đội ngũ của mình cũng hay làm online nên nếu lúc nào mà tình hình dịch bệnh căng thẳng quá thì có thể ở nhà làm”.
Nên cũng theo Phong, giải pháp tốt nhất nếu tình hình dịch bệnh  do virus corona nghiêm trọng hơn thì nên cho làm việc online tại nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.