Kiếm việc làm thêm để kiếm tiền trang trải
Khi hay tin TP.HCM sẽ cho gỡ bỏ các hàng rào, chốt chặn sau ngày 1.10, các
bạn trẻ như Phạm Duy Thắng, sinh viên năm 4 Trường ĐH
Công nghệ TP.HCM, hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát và anh có thể kiếm việc làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống.
“Nếu tìm được công việc làm thêm thì mình sẽ đi làm ngay vì mấy tháng trời ở nhà không kiếm ra tiền nên cuộc sống rất khó khăn. Tiếp đến mình sẽ hoàn tất việc học để có thể tốt nghiệp sớm hoặc chậm nhất là đúng tiến độ. Ngoài ra, mình sẽ qua nhà thăm mấy đứa bạn vì do ảnh hưởng của dịch
Covid-19 mà lâu rồi không thể gặp được”, Thắng bày tỏ.
Một hàng rào chắn ngang đường trên địa bàn Q.Tân Phú, TP.HCM
|
Tương tự, Nguyễn Đoàn Phương Uyên, sinh viên năm 2 Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ: “Em cảm thấy ở nhà tránh dịch
Covid-19 gần 3 tháng qua quá ngột ngạt vì em không có cơ hội để đi làm thêm và một số kế hoạch, dự định đều phải bỏ ngang".
"Với em, khi tháo dỡ các chốt chặn, hàng rào em sẽ đi làm thêm, gặp lại vài người bạn và thực hiện một số dự định mới được thay đổi và đi sắm thêm vài đồ dùng cá nhân đã hết nhưng trước đó do
giãn cách xã hội nên không thể ra ngoài mua được”, nữ sinh viên chia sẻ.
Hàng rào chắn ngay đầu hẻm 153 Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
|
Chốt chặn thép gai được tháo dỡ, người dân phấn khởi ‘thông chỗ nào mừng chỗ đó’
|
Được đi làm, mua thực phẩm dễ dàng hơn
Anh Phạm Nguyễn Tiến (34 tuổi), giám đốc Công ty Thiết kế và đầu tư xây dựng TDB (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), nhận xét:
“TP.HCM sẽ tháo dỡ các chốt chặn, hàng rào ngăn cách và mở cửa dần sau ngày 1.10, tuy còn hạn chế nhưng đối với mình đó là sự thành công lớn trong công tác chống dịch, là niềm vui vỡ oà của đại đa số bà con vì mọi người cảm thấy hết ngột ngạt trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Khi đó, người dân sẽ được đi làm hoặc đi mua thực phẩm dễ dàng hơn...". Riêng anh Tiến lên kế hoạch đi cắt tóc rồi lên công ty làm việc sau vài tháng trời giam mình ở nhà.
Anh Tiến chia sẻ thêm: “Chỉ thị 16 kéo dài quá lâu đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt của gia đình. Trong suốt thời gian giãn cách xã hội, tôi vẫn cố lo cho anh em nhân viên công ty có chế độ lương 70%".
Hàng rào trên đường Thạch Lam, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM
|
Còn anh Kiều Việt Anh (32 tuổi), bình luận viên kênh
Bóng đá Phủi miền Tây (hiện ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM), cho rằng: “Nhiều tháng ròng rã với phương châm "Ai ở đâu ở yên đó" khiến bản thân tôi có nhiều thay đổi. Chắc chắn là sẽ khó khăn và ngột ngạt rồi, nhưng với quyết tâm cùng chung tay để vượt qua đại
dịch Covid-19 nên không chỉ riêng tôi mà tất cả chúng ta đều cố gắng từng chút một để góp phần vào
cuộc chiến chống dịch Covid-19 của TP.HCM...”.
Hàng rào trên đường Hoàng Ngọc Phách, Q.Tân Phú, TP.HCM
|
Theo anh Việt Anh, việc phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch
Covid-19 trong một thời gian dài nó khiến công việc của anh cũng gặp khá nhiều khó khăn, kế hoạch bị gián đoạn.
“Chính vì vậy, trước thông tin TP.HCM sẽ tháo dỡ các hàng rào, chốt chặn sau ngày 1.10, tôi cảm thấy rất phấn khích và đang rất mong chờ sớm được trở lại với công việc theo trạng thái bình thường mới”, anh Việt Anh chia sẻ.
Bình luận (0)