Chị Dương Thanh Hoa, trú phòng 505, chung cư Tozaz City, đường Cao Lỗ, Q.8, TP.HCM, phụ huynh có con nhỏ, cho biết chị rất quan tâm tới việc sẽ thành lập đội cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em.
Những kỳ vọng
“Tôi quan tâm tới nhân thân những người trong lực lượng này, phải được đảm bảo về tư cách đạo đức. Ngoài ra, là những cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em, mọi người cần có khả năng gần gũi với trẻ em, tạo độ tin cậy với trẻ. Bên cạnh đó, việc thực hiện hoạt động nghiệp vụ bảo vệ cần nhẹ nhàng, không nên phô trương khiến trẻ em sợ sệt”, phụ huynh Dương Thanh Hoa nói.
Anh Thiều Quang Thanh Sang, thành viên Hội LHTN Việt Nam, quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết anh kỳ vọng đội cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em ra đời sẽ giám sát chặt chẽ, giảm nạn bạo hành, giúp trẻ em an tâm đến trường lớp, phụ huynh an tâm hơn. Đồng thời, lực lượng này sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng tính răn đe để tội phạm bạo hành, dâm ô trẻ em sẽ giảm đi. “Tuy nhiên, khi đã thành lập đội cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em cũng như đi vào hoạt động. đội cần có cơ quan giám sát chặt chẽ, báo cáo nhanh các vụ việc và xử lý nhanh, thường xuyên báo cáo tình hình với ban chấp hành và UBND TP.HCM”, anh Thiều Quang Thanh Sang nói.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, với tư cách Chi hội trưởng Chi hội luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, bà hoàn toàn tán thành, hoan nghênh chủ trương và kiến nghị của UBND TP.HCM về việc thành lập đội cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em, bởi phải “lắng nghe trẻ em bằng trái tim. Bảo vệ trẻ em bằng hành động”.
|
“Nếu có đội cảnh sát, trẻ em của chúng ta sẽ được bảo vệ. Như vậy, là cả 4 quyền của trẻ em, là quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia của các em đều được đảm bảo. Khi có lực lượng cảnh sát chuyên bảo vệ các em, các em cảm thấy được bảo vệ, được chăm sóc, thương yêu và sẽ thấy an tâm. Năm 2019, chúng ta đã phát động năm an toàn cho phụ nữ, trẻ em, và bây giờ UBND thành phố kiến nghị thành lập đội cảnh sát bảo vệ trẻ em, như vậy là chúng ta thấy trẻ em được bảo vệ toàn diện, được vui chơi, được giải trí. 8 tiếng ở trường các em được thầy cô bảo vệ, ở ngoài xã hội các em có lực lượng cảnh sát bảo vệ, về nhà được gia đình bảo vệ, chúng tôi rất an tâm”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.
Theo luật sư Nữ, điều thứ hai mà bà cũng như Chi hội luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM ủng hộ kiến nghị thành lập đội cảnh sát này, đó là chúng ta đều mong sau này nếu có bất kỳ vụ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, dâm ô thì lực lượng cảnh sát, công an vào cuộc nhanh chóng, đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng.
Dạy trẻ tự bảo vệ vẫn là kỹ năng không thể thiếu
Trao đổi với người viết, chị Nguyễn Thị Song Trà, Trưởng ban tổ chức dự án Giáo dục giới tính S Project, cho biết cá nhân chị thấy đề xuất của UBND TP.HCM về thành lập đội cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em là điều rất đáng mừng. Điều này cho thấy sự tiên phong của thành phố lớn nhất cả nước trước vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em nhức nhối cộng đồng thời gian qua.
“Bên cạnh đó, việc giáo dục trẻ em những kỹ năng để các em tự bảo vệ chính bản thân mình luôn luôn cần thiết và không thể thiếu. Cảnh sát không thể bảo vệ mỗi trẻ em 24/24, giả sử một em nhỏ được bảo vệ 23 giờ 59 phút, nhưng chỉ 1 phút lơ là, thì trong 1 phút đó, em có thể là nạn nhân của bạo hành, xâm hại, dâm ô. Do đó, tôi luôn nghĩ, tự chính bản thân mình, dù là người lớn hay trẻ em cũng đều cần học cách tự bảo vệ mình trước những rủi ro, nguy cơ có thể xảy đến”, chị Nguyễn Thị Song Trà trao đổi.
|
Đồng tình với quan điểm này, anh Thiều Quang Thanh Sang nêu ý kiến, kể cả khi có đội cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em, các gia đình cũng không thể lơ là việc quan tâm, dạy dỗ con em mình. “Gia đình là nơi gần gũi nhất với trẻ em. Cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, gần gũi để con cái mạnh dạn chia sẻ những vấn đề xảy ra ở trường lớp hoặc ngoài xã hội, từ đó ngăn chặn kịp thời những nguy cơ, rủi ro cho con. Mới đây, trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam TP.HCM diễn ra sáng 3.11, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân có nói tới hai chữ vô cùng ý nghĩa, đó là 'hạnh phúc'. Vì hạnh phúc sẽ làm con người biết yêu thương nhau hơn, gần gũi hơn và tránh xa các tệ nạn xã hội. Nếu giới trẻ hạnh phúc thì sẽ quên đi các thứ lôi cuốn xấu xa ngoài xã hội hiện nay. Thực tế, chúng ta thấy, đa phần các đối tượng nghiện ngập ma túy đều do buồn bã, chán nản, thiếu thốn tình cảm tìm đến ma túy để tìm niềm vui, từ đó gây ra biết bao nhiêu hệ lụy trộm cướp, bạo lực, xâm hại, giết người…. “, anh Sang trao đổi.
695 trẻ bị xâm hại tình dục từ 2015 tới 2019Việc UBND TP.HCM kiến nghị Bộ tư pháp nghiên cứu thành lập lực lượng cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em là một trong những nội dung báo cáo Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trong 5 năm qua UBND TP.HCM gửi các bộ, ngành T.Ư ngày 31.10.
Thống kê của UBND TP.HCM, từ năm 2011-2014, toàn thành phố có 691 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Còn từ năm 2015-2019, con số này tăng lên 782 trẻ em (nạn nhân là trẻ em gái chiếm gần 95%), trong đó có 695 trẻ bị xâm hại tình dục. Trong các vụ nêu trên, có 6 trẻ tử vong, 6 trẻ bị thương tật, 14 trẻ bị rối loạn tâm thần, 86 trẻ có thai, 9 trẻ phải bỏ học, 661 trẻ bị tác động khác về thể chất, tinh thần…
|
Bình luận (0)