Chiến dịch này nhắm vào 10.000 công ty trên toàn Việt Nam được cho là có nguy cơ sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Các doanh nghiệp này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, xây dựng, ngân hàng và tài chính, kỹ thuật, kiến trúc, thiết kế, công nghệ thông tin và y tế… Ông Tarun Sawney - Giám đốc cấp cao của BSA tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, mục tiêu của chiến dịch này là mong muốn hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp để kéo giảm việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp tại các công ty trong thời gian tới.
Theo ghi nhận của BSA, số lượng các tập đoàn tại Việt Nam sử dụng phần mềm có bản quyền trong hoạt động kinh doanh đang tăng lên. Một phần nhờ vào những nỗ lực liên tục của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy thực thi hoạt động tuân thủ luật bản quyền. Tuy nhiên, ông Tarun Sawney nhấn mạnh, bước cải thiện lớn nhất phải đến từ chính công ty và các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp. Bởi việc sử dụng phần mềm không bản quyền sẽ khiến công ty đối diện nhiều rủi ro về pháp lý và chi phí tiềm tàng gia tăng nếu bị khởi kiện và phải đóng phạt.
“Thay vì tập trung đối phó, chúng tôi muốn được hợp tác với các lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam để đảm bảo việc sử dụng các phần mềm tại công ty của họ là hợp pháp 100%. Việc sử dụng phần mềm có bản quyền là phòng tuyến đầu tiên để phòng chống những cuộc tấn công qua mạng, phòng chống nguy cơ bị trộm cắp thông qua phần mềm độc hại thường ẩn trong các phần mềm trái phép hoặc không được cập nhật đầy đủ và thường xuyên”, ông Tarun Sawney nói.
Để thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng sử dụng phần mềm hợp pháp, sắp tới BSA sẽ cung cấp miễn phí công cụ ước tính rủi ro cho lãnh đạo. Với phần mềm này, doanh nghiệp có thể xác định mức phạt mà họ phải đối mặt nếu không kiểm soát tốt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp.
Theo quy định tại Việt Nam, vi phạm bản quyền có thể bị xử phạt lên đến 3 tỉ đồng hoặc bị đình chỉ kinh doanh 2 năm và thậm chí có thể bị xét xử hình sự.
Trước đó vào tháng 6.2018, BSA chính thức công bố “Điều tra Phần mềm Toàn cầu 2018: Quản lý phần mềm - Đòi hỏi bắt buộc về an ninh và Cơ hội kinh doanh toàn cầu”. Theo đó, tỷ lệ sử dụng phần mềm máy tính không có bản quyền tại Việt Nam năm 2017 là 74%, giảm 4% so với nghiên cứu được BSA công bố năm 2016. Như vậy, kết quả nghiên cứu của BSA cho thấy tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam giảm liên tục từ mức 85% năm 2009 xuống 83% năm 2010, giảm xuống mức 78% năm 2015 và 74% vào năm 2017...
Bình luận (0)