12 cách phòng ngừa sa sút trí tuệ

04/02/2018 08:01 GMT+7

Để đối phó tình trạng sa sút trí tuệ khi về già, các nhà nghiên cứu khuyến khích mọi người thay đổi lối sống ngay từ khi còn trẻ.

 Sau đây là những cách điều chỉnh có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, theo báo Express.
Ngủ ngon. Ngủ không thẳng giấc và mất ngủ được xem là những tác nhân dẫn đến chứng sa sút trí tuệ. Bạn nên thường xuyên tập thể dục và ăn uống lành mạnh để có chất lượng giấc ngủ tốt. Nếu gặp khó khăn với việc ngủ nghỉ, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn chứ đừng tự dùng thuốc.
Nạp a xít béo omega-3. Nghiên cứu cho thấy chất DHA trong a xít béo omega-3 giúp giảm rủi ro sa sút trí tuệ. Hãy bổ sung cá vào bữa ăn tối ít nhất 2 lần mỗi tuần. Các loại hạt và quả hạch cũng chứa nhiều omega-3, góp phần tăng thêm độ ngon và hấp dẫn cho món ngũ cốc mà bạn chọn làm điểm tâm.
Ăn thêm trái cây. Một cuộc nghiên cứu được công bố năm 2014 cho thấy chất fisetin trong trái cây có tác dụng tốt cho trí não. Thường được tìm thấy trong dâu và xoài, fisetin có các đặc tính kháng viêm giúp ngăn chặn hiệu quả sự tấn công của bệnh Alzheimer, dạng phổ biến của chứng sa sút trí tuệ.
Bổ sung vitamin K vào chế độ ăn uống. Được xem là một “sinh tố bị quên lãng”, vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc chống lão hóa và có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Bạn có thể hấp thu vitamin K từ các loại rau xanh nhiều lá hoặc dùng viên bổ sung.
Hạn chế hấp thu đường. Bệnh tiểu đường có liên quan chặt chẽ đến bệnh Alzheimer, đến mức một số chuyên gia nghiên cứu gọi đây là tiểu đường loại 3. Hãy kiểm soát việc hấp thu đường và mức đường huyết để giữ cho bộ não luôn khỏe mạnh.
Tập thể dục thường xuyên. Vận động thường xuyên có thể giúp chữa trị nhiều bệnh, và khi bạn già đi thì điều đó càng nên làm. Tập thể dục ít nhất 3 - 4 lần mỗi tuần giúp giảm rủi ro mắc bệnh tim, được xem là một tác nhân góp phần dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ.
Chạy 25 km mỗi tuần. Có thể đây là một thử thách không nhỏ đối với bạn, nhưng chạy 25 km mỗi tuần đã được chứng minh có thể cắt giảm đến 40% rủi ro mắc bệnh Alzheimer, theo một nghiên cứu mới được công bố gần đây.
Theo dõi trọng lượng. Huyết áp cao và bệnh tiểu đường loại 2 thường là hậu quả của tình trạng thừa cân và có liên quan đến việc gây ra tình trạng sa sút trí tuệ. Kiểm soát cân nặng cũng là một cách hiệu quả để bảo vệ trí não.
Không hút thuốc. Nghiên cứu gần đây cho thấy những người hút thuốc trên 65 tuổi có rủi ro bị sa sút trí tuệ cao hơn 80% so với những người không hút. Ngừng hút thuốc không chỉ có lợi cho phổi. Một lối sống không khói thuốc giúp cải thiện sự lưu thông máu trong não khiến bạn có trí óc khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Có cuộc sống xã hội năng động. Tình trạng cô độc có liên quan đến việc sớm có những dấu hiệu sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức, đó là lý do tại sao phải tăng cường giao lưu xã hội. Dành thời gian tiếp xúc, trò chuyện với mọi người mang lại tác dụng tốt cho cơ thể và trí não.
Kích thích trí não. Học một ngôn ngữ mới, một nhạc cụ hoặc một nghề thủ công là những hoạt động có tính chất kích thích trí tuệ và mang lại niềm vui, sẽ giúp bạn bảo toàn trí nhớ. Hãy xem điều này giống như đem bộ não đi... tập thể dục.
Giảm stress. Stress kéo dài không có lợi cho não và có thể gây tình trạng sa sút trí tuệ sau này. Các hoạt động thư giãn như đọc sách, tập thể dục nhẹ, nghe nhạc hoặc thiền có thể giúp bạn rũ bỏ stress.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.