Những người đồng hành cùng chương trình Tiếp sức mùa thi chia sẻ suy nghĩ của họ những đóng góp vào sự thay đổi giáo dục của chương trình.
Những bài học quan trọng thực tế từ Tiếp sức mùa thi
|
Chương trình Tiếp sức mùa thi tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM mỗi năm có số lượng sinh viên tình nguyện tham gia khoảng hơn 500 người, có mặt tại hơn 20 điểm thi của trường để hỗ trợ thí sinh, phụ huynh, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho các em vững vàng hơn, bước vào kỳ thi an tâm hơn.
Chương trình Tiếp sức mùa thi là một chương trình xã hội nhằm hỗ trợ các thí sinh thi vào các trường ĐH, CĐ. Chương trình do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức lần đầu tiên từ năm 1996 với tên gọi “Chương trình hỗ trợ thí sinh dự thi ĐH, CĐ”. Đến năm 2001, T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên cùng Tập đoàn Thiên Long nhân rộng mô hình và tổ chức chương trình với tên gọi chính thức là Tiếp sức mùa thi.
Chương trình Tiếp sức mùa thi ra đời với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh có một kỳ thi an toàn, đạt kết quả tốt nhất. Qua 20 năm, chương trình Tiếp sức mùa thi có nhiều đổi chỉnh cho phù hợp với những thay đổi của xã hội, giáo dục.
Với những ý nghĩa và giá trị tích cực, chương trình được rất nhiều thành phần trong xã hội hưởng ứng, ủng hộ và tham gia tích cực, trở thành một hoạt động xã hội có uy tín.
|
Điều tuyệt vời nhất là trong bao năm qua, chương trình đã góp phần thay đổi tư duy giáo dục cho nhà trường, cho giới trẻ. Từ các hoạt động của chương trình này, nhà trường đã giáo dục sinh viên theo hướng trải nghiệm, trui rèn và với những bài học thực tế mang đậm giá trị nhân văn chứ không chỉ kiến thức trong sách vở, trên giảng đường.
Đối với chính bản thân những sinh viên tình nguyện, chương trình đã làm thay đổi nhận thức, tình cảm của các em. Các em học được tinh thần trách nhiệm, yêu thương, chia sẻ. Các em mang nhiệt huyết của mình để làm những điều có ích, giúp cho tuổi trẻ ý nghĩa hơn.
Không chỉ thế, các hoạt động này mang đến cho các sinh viên tình nguyện những trải nghiệm thực tế và kiến thức xã hội quý giá, cùng những bài học về kỹ năng như quản lý thời gian, làm việc nhóm, thuyết phục, lãnh đạo... Nhiều cựu sinh viên tình nguyện sau khi tốt nghiệp ĐH đi làm đã đảm nhận nhiều trọng trách trong các doanh nghiệp, cơ quan. Có em trước đây rất nhút nhát, rụt rè nay trở thành các diễn giả. Một phần nhờ vào những năm tháng tham gia các chương trình tình nguyện từ thời sinh viên, trong đó có chương trình Tiếp sức mùa thi.
Tiến sĩ Trần Đình Lý (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
|
Môi trường giáo dục sinh viên về trách nhiệm cộng đồng
|
Gắn liền với chương trình Tiếp sức mùa thi qua nhiều năm tôi thật sự yêu mến, biết ơn chương trình và mong chương trình thay đổi, thích nghi với thời cuộc để hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh.
15 năm trước, từ miền Tây lên TP.HCM thi đại học, tôi cũng nhờ chương trình. Ngày ấy, kỳ thi còn tổ chức thi theo hình thức 3 chung, nên có thể nói đâu đâu cũng thấy màu áo xanh, từ các bến xe, trục đường, các cụm nhà trọ, ký túc xá... để hỗ trợ thí sinh. Tất nhiên là các bạn tình nguyện viên còn có mặt ở các điểm thi để phát cơm, bản đồ, nước uống, hỗ trợ điều tiết giao thông...
Ra trường, tôi làm trong ngành giáo dục, lại có cơ duyên trong ban tổ chức của trường để triển khai chương trình Tiếp sức mùa thi ở các điểm thi của trường. Phải tìm tài trợ, tuyển tình nguyện viên, tổ chức các không gian tiếp đón, xe ôm tình nguyện... Có làm mới thấy, để duy trì và vận hành được một hoạt động như thế ở quy mô cả nước thì rất khó, mình lại càng trân quý hơn những hỗ trợ từ chương trình mà mình từng nhận.
Giờ đây, khi thi và tuyển sinh không còn như xưa, các thí sinh thi tại địa phương mình sinh sống và học tập chứ không còn đi xa, thì chương trình cần thích ứng cho phù hợp. Số hóa nhiều hơn, ứng dụng công nghệ nhiều hơn, tập trung vào những hỗ trợ trực tiếp tại các điểm thi nhiều hơn... Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, chương trình có thể phát triển nhiều hình thức để hỗ trợ phòng chống dịch tại các điểm thi nếu được cho phép...
Cũng cần triển khai thêm nhiều hình thức tiếp sức. Chẳng hạn trước mùa thi thì hỗ trợ ôn tập (có thể xây dựng, phát triển các app ôn thi, giải bài tập, chia sẻ kiến thức, bí quyết chọn trường), trong thời gian thi (hỗ trợ tại điểm thi), và kể cả các hướng tư vấn sau mùa thi - sau khi có kết quả thi và những hướng đi mà thí sinh có thể chọn...
Chương trình Tiếp sức mùa thi là môi trường cho sinh viên rèn luyện, trải nghiệm, trưởng thành từ những sẻ chia và trách nhiệm cộng đồng.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương (Phó trưởng phòng Tư vấn truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Xây dựng nền giáo dục nhân văn
|
Thầy Thái Hoàng, giáo viên, Trợ lý thanh niên Trường THCS-THPT Bác Ái, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết: Tôi tốt nghiệp ĐH năm 2003 và đến nay đã có 18 năm giảng dạy ở các trường học. Trong suốt những hành trình tôi đã và đang đi, tôi nhận thấy chương trình quá ý nghĩa, cho tôi rất nhiều bài học, những chất liệu để lồng ghép vào bài giảng để dạy cho học sinh, để các em được học, được đọc và nghe những câu chuyện truyền cảm hứng.
Nhiều năm về trước, điều kiện của nhiều thí sinh ở các vùng quê rất khó khăn, để lên TP.HCM thi ĐH, CĐ, với các em và gia đình là chuyện không đơn giản. Nhưng chương trình đã giúp các em tự tin hơn để bước vào kỳ thi.
Những hình ảnh sinh viên tình nguyện áo xanh, đứng đón thí sinh ở các bến xe, tìm cho các em nhà trọ giá rẻ, chở các em tới đúng điểm thi, che mưa che nắng cho các em đẹp vô cùng.
Là trợ lý thanh niên, tôi cũng thiết kế các chuyên đề sinh hoạt dưới cờ, nói chuyện với các học trò, lan tỏa lối sống đẹp, lối sống mình vì mọi người cho các em từ chương trình ý nghĩa này. Học sinh không chỉ được học văn học, đạo đức, kỹ năng sống từ những trang sách giáo khoa. Những câu chuyện người thật, việc thật từ chương trình Tiếp sức mùa thi giúp các em hình thành nhân cách con người, để các em sống đẹp hơn, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Từ đó, thầy và trò cùng góp phần xây dựng một nền giáo dục nhân văn, thiết thực, vì con người.
Không gì vui hơn khi những năm sau, tôi ra đường và bắt gặp học sinh cũ của mình mặc áo xanh tình nguyện, chương trình Tiếp sức mùa thi cho các bạn học trò từ các tỉnh thành khác về thành phố thi ĐH, CĐ.
Bình luận (0)