3 hãng xe Trung Quốc chật vật tại Việt Nam vì định giá 'không rẻ'

17/06/2024 09:22 GMT+7

Ngoài rào cản tâm lý, giá bán "không rẻ" cũng đang là trở ngại lớn khiến nhiều hãng xe Trung Quốc gặp khó trong việc tiếp cận khách hàng và rất "chật vật" để cạnh tranh tại Việt Nam.

Ô tô Trung Quốc cho thấy quyết tâm chinh phục khách hàng Việt trong lần thứ ba trở lại, bằng việc thay đổi, cải tiến rõ rệt từ mẫu mã đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, cùng với tâm lý e dè của người dùng, việc định giá bán "không rẻ" như những giai đoạn trước đây lại đang trở thành rào cản mới, khiến không ít hãng xe Trung Quốc đang rất chật vật với cuộc cạnh tranh doanh số.

MG, Haval hay Haima được xem là các hãng xe Trung Quốc điển hình tại thị trường Việt Nam.

Làn sóng ô tô Trung Quốc mới liệu có "làm nên chuyện" tại Việt Nam?

MG

Trở lại thị trường ô tô Việt Nam từ giữa năm 2020, MG được kỳ vọng sẽ gặt hái thành công nhờ dải sản phẩm thế hệ mới thiết kế bắt mắt và trang bị nhiều công nghệ. Tuy nhiên, sau gần 4 năm phân phối, hãng xe mang thương hiệu Anh quốc nhưng đã thuộc sở hữu của Tập đoàn ô tô Thượng Hải (SAIC Motor) vẫn chưa "làm nên chuyện".

Phần lớn mẫu xe được hãng xe này lựa chọn để bán ra thị trường Việt Nam đến thời điểm này đều khá chật vật trong việc cạnh tranh với các đối thủ xe Nhật Bản hay Hay Quốc. Từ các mẫu xe mở đường như MG5, MG HS, MG ZS đến những cái tên mới như RX5 và kể cả xe điện MG 4; tất cả đều chưa thể thuyết phục được số đông khách Việt.

3 hãng xe Trung Quốc chật vật tại Việt Nam vì định giá 'không rẻ'- Ảnh 1.

Nhiều mẫu xe MG không thể cạnh tranh tại Việt Nam vì định giá chưa "rẻ"

Theo nhiều chuyên gia trong ngành ô tô, bên cạnh xuất xứ Trung Quốc, một trong những nguyên nhân khiến MG chưa thể bứt phá doanh số là do giá bán những mẫu xe của các hãng này đưa về Việt Nam "chưa rẻ"… như kỳ vọng. Đặc biệt với những mẫu xe thế hệ mới. Trong đó, minh chứng rõ nhất có thể kể đến trường hợp của mẫu RX5.

Mẫu SUV/crossover cỡ trung tung ra thị trường Việt Nam đầu tháng 10.2023, được kỳ vọng sẽ vực dậy doanh số cho MG, trong bối cảnh những mẫu xe "anh em" đi trước gồm MG5, MG HS và MG ZS đều gặp khó và rất chật vật để cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế tiếp tục không như mong đợi từ hãng. Mức giá bán công bố từ 739 - 829 triệu đồng cho hai phiên bản không những không tạo được lợi thế, trái lại còn khiến RX5 bị "chê" khá nhiều, do tiệm cận với giá của nhóm xe "gạo cội" đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc như Hyundai Tucson, Kia Sportage và đặc biệt là Mazda CX-5. Kết quả, dù chỉ mới ra mắt thị trường khoảng nửa năm, nhưng RX5 đã liên tục phải giảm giá (nhiều thời điểm lên tới hơn trăm triệu đồng) để tìm kiếm khách hàng và thanh lý hàng tồn kho.

Trường hợp của MG4 EV cũng tương tự. Mẫu xe điện đầu tiên vừa được MG trình làng khách Việt đầu tháng 6.2024 cũng khiến không ít khách hàng "giật mình"; khi công bố mức giá lần lượt 828 triệu đồng và 948 triệu đồng. Mức giá này cao hơn nhiều so với mặt bằng xe nhóm B-SUV (giá 550 - 800 triệu đồng) nói chung và đối thủ trực tiếp VinFast VF 6 (giá 765 - 855 triệu đồng, đã bao gồm pin). Và với phản ứng ban đầu từ người dùng, MG4 EV nhiều khả năng lại đi vào "vết xe đổ" như đàn anh RX5.

Haval

Haval cũng là thương hiệu xe Trung Quốc gây chú ý với người Việt khi xuất hiện trên thị trường vào cuối năm 2023. Thời điểm đó, hãng này giới thiệu mẫu Haval H6, cũng định vị ở phân khúc SUV/crossover cỡ trung và sở hữu nhiều lợi thế từ kiểu dáng đến trang bị công nghệ; đặc biệt là động cơ xăng lai điện (hybrid) tiên phong trong phân khúc.

3 hãng xe Trung Quốc chật vật tại Việt Nam vì định giá 'không rẻ'- Ảnh 2.

Tung ra thị trường Việt Nam chỉ nửa năm nhưng Haval H6 phải liên tục giảm giá để tìm kiếm khách mua

Tuy nhiên, mức giá công bố lên đến gần 1,1 tỉ đồng của H6 khiến nhiều người phải "ngao ngán". Bởi với tầm giá này, người dùng có rất nhiều lựa chọn xe SUV/crossover khác cùng phân khúc, được đánh giá cao hơn về thương hiệu, thay vì chọn mua xe Trung Quốc như Haval H6. Đó là chưa kể, mức giá trên còn ngang với không ít tùy chọn xe SUV cỡ lớn hơn, như Hyundai Santa Fe, Kia Sorento, Ford Everest, Toyota Fortuner hay ô tô điện VinFast VF8 Plus và VF9 Eco.

Và thực tế doanh số Haval H6 thời gian qua cũng đã phần nào phản ánh điều này. Chỉ sau 2 tháng tung ra thị trường Việt Nam, mẫu xe Trung Quốc đã cho thấy sự thất thế, buộc hãng phải nhiều lần giảm giá, thậm chí giảm mạnh tay (gần 300 triệu đồng) để tìm khách vì quá ế ẩm.

Wuling 

Một thương hiệu ô tô Trung Quốc khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự là Wuling. Giữa năm 2023, thương hiệu này "chào sân" thị trường Việt Nam bằng mẫu Wuling Hongguang MiniEV. Thời gian đầu mở bán, mẫu xe "hạt tiêu" này gây xôn xao dư luận nhờ mức giá khởi điểm thấp nhất, chỉ 239 triệu đồng. Tuy nhiên, có vẻ như với khách Việt, mức giá này vẫn chưa đủ hấp dẫn, nhất là với một mẫu xe đến từ Trung Quốc.

3 hãng xe Trung Quốc chật vật tại Việt Nam vì định giá 'không rẻ'- Ảnh 3.

Wuling Hongguang MiniEV cũng từng được kỳ vọng nhiều, tuy nhiên doanh số thực tế của mẫu xe này lại khiến không ít người thất vọng

Đình Tuyên

Số liệu tiết lộ từ báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ đại hội cổ đông thường niên của TMT Motors - đơn vị phân phối xe Wuling tại Việt Nam cho thấy, tính đến hết năm 2023, doanh nghiệp này chỉ bán ra thị trường 591 xe điện thuộc mẫu Wuling HongGuang MiniEV. Đây thực sự là con số gây thất vọng. Bởi, mục tiêu doanh số TMT Motors đặt ra trong giai đoạn đầu với mẫu ô tô điện cỡ nhỏ này ở mức 5.525 xe, tức trung bình mỗi tháng bán ra gần 1.000 xe. Thế nhưng, doanh số trên báo cáo bán hàng chỉ đạt 100 xe/tháng, tương đương khoảng 10%.

Đầu năm 2024, để tăng sức hút cho mẫu xe này, nhiều đại lý của TMT Motors đã mạnh tay áp dụng các chương trình giảm giá. Không ít thời điểm, giá thực tế của Wuling Hongguang MiniEV xuống mức 189 triệu đồng. Tuy nhiên, khách Việt dường như vẫn chưa mấy "mặn mà" với mẫu xe Trung Quốc này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.