36 năm ngày Thanh Niên phát hành số báo đầu tiên (3.1.1986 - 3.1.2022): Hành trình dấn thân

03/01/2022 04:50 GMT+7

Năm 2021 với những lần tác nghiệp không thể nào quên của những người làm báo ở Thanh Niên . Năm mà chúng tôi phải để nỗi sợ hãi nằm yên trong tim mình và lao tới những điểm nóng nơi tâm dịch ...

30 ngày trong bệnh viện dã chiến

30 ngày làm tình nguyện viên trong Bệnh viện (BV) dã chiến số 12, phóng viên (PV) Như Lịch viết 12 kỳ phóng sự khiến lớp PV trẻ như tôi ngỡ ngàng. Chị Như Lịch đã quá quen thuộc với độc giả Báo Thanh Niên qua các phóng sự nhập vai, nhiều cây bút khác cũng vậy, nhưng để ở 30 ngày trong BV dã chiến thì không phải ai cũng làm được.

Phóng viên Độc Lập tác nghiệp tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện dã chiến

NVCC

Thời điểm ấy, các BV tuyển tình nguyện viên từ 40 tuổi trở xuống, tuổi chị Lịch thì vừa vượt đôi chút nên chị nói chuyện với PV Duy Tính (phụ trách mảng y tế) về việc làm sao tiếp cận được gần nhất với đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu. Im ắng chừng 1 - 2 tuần, chị tình cờ xem được đoạn clip em bé 2 tuổi một mình lên xe vào khu cách ly mà không có người thân đi cùng, chị càng thêm xót xa về dịch bệnh. Đúng lúc này, PV Duy Tính kết nối được với BV Da liễu TP.HCM, chuẩn bị sang phụ trách BV dã chiến số 12, nên xin phép để chị Lịch vừa làm tình nguyện viên vừa tác nghiệp.

“Tôi vừa tiêm vắc xin mũi 1 được 2 ngày thì lên đường. Chồng biết tính tôi rồi, biết tôi yêu nghề nên anh ủng hộ, ở nhà chăm con để tôi yên tâm tác nghiệp. Ngay ngày đầu tiên tôi làm ở đội hậu cần, khiêng cơm nước phục vụ y bác sĩ, sau đó xin kiêm nhiệm ở đội vệ sinh rác thải, cùng các sơ lau dọn vệ sinh. Có như vậy mới tiếp cận được đúng vùng lõi của BV, gặp những nhân vật mà tôi mong muốn”, chị Như Lịch kể.

Tác nghiệp trong BV dã chiến cũng rất đặc thù, sau khi làm xong công việc của một tình nguyện viên, chị Lịch vội vàng lấy máy chụp hình, gặp được nhân vật nào thì gặp ngay hoặc tranh thủ xin số điện thoại vì biết đâu ngay sau đó người ấy hoặc bản thân chị có thể trong diện phải cách ly, điều trị.

Khi được hỏi vào BV dã chiến sợ nhất điều gì, chị Như Lịch cười: “Đã quyết định vào BV dã chiến thì chuyện nhiễm là quá gần rồi. Mình ở trong BV dã chiến, bệnh thì chữa thôi, nhưng lo là khi nhiễm bệnh, sức khỏe yếu thì sẽ không viết bài được dù đã có tư liệu. Mà nếu không viết được thì sẽ có lỗi với những người đã dành thời gian cho tôi, để tới khi mình khỏi bệnh thì qua dòng thời sự… Và điều này cũng đến, khi tôi hoàn thành công việc ở BV, về cách ly tại nhà”.

Những ngày sống chung với Covid-19, chị Như Lịch vẫn tiếp tục vừa điều trị vừa viết trọn vẹn 12 kỳ phóng sự. Nhưng chồng chị phải đi cấp cứu tại BV Trưng Vương, đến nay sau hơn 3 tháng, anh vẫn chưa ngửi được mùi, còn chị thường xuyên mất ngủ vì di chứng hậu Covid-19.

Phóng viên Độc Lập, Vũ Phượng (từ trái qua) trên chuyến xe taxi của biệt đội taxi cấp cứu F0 ở TP.HCM

Đ.L

Gạt qua mọi nỗi lo…

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư ở TP.HCM, những chuyện liên quan chốt kiểm soát cửa ngõ, nội đô, giấy đi đường… khiến nhiều người bối rối. Sáng, chiều, tối người viết thường cùng PV ảnh Độc Lập hoặc Ngọc Dương theo chân các tổ công tác tuần tra kiểm soát. Gặp nhau là lên đường tác nghiệp, chuyện trò sôi nổi nhất cũng chỉ quanh các câu chuyện thấy dọc đường và góc ảnh, thông tin…

Đến gần cuối năm, khi TP.HCM thích ứng an toàn với dịch bệnh, PV Độc Lập thông báo vợ anh vừa sinh. Ai nghe tin cũng giật mình, vì vợ mang bầu như vậy mà anh vẫn lao ra đường tác nghiệp bất kể giờ giấc. Anh phóng viên ảnh da ngăm đen thì chỉ cười hề hề: “Nói ra sếp không cho đi tác nghiệp nữa thì sao?”. Thật vậy, mấy năm trước vợ anh Độc Lập vừa sinh bé thứ hai, anh xin đi công tác một sự kiện “nóng” ở miền Trung, anh Hải Thành, Phó tổng biên tập, đã gạt phắt: “Không được, phải ở nhà chăm vợ, lỡ hậu sản thì sao…”. Ở Thanh Niên là vậy, ngoài công việc, đó còn là tình cảm anh em như một gia đình.

PV Độc Lập chia sẻ: “Khi xảy ra một sự việc gì nguy hiểm thường mọi người sẽ chạy thoát ra và PV ảnh là những người sẽ chạy ngược chiều để vào hiện trường. Chính vì thế khi dịch căng thẳng tôi buộc phải gạt đi nỗi lo về sức khỏe, về tính mạng để có những tấm ảnh báo chí tốt nhất phản ánh đúng những gì đang diễn ra, cũng như qua đó để cảnh báo người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch”.

Đến bây giờ, PV Độc Lập vẫn khẳng định chắc nịch anh không lo mình bị nhiễm mà chỉ sợ mang bệnh về lây nhiễm cho người thân trong gia đình. Chính vì vậy, anh đã sắp xếp đưa vợ con về nhà ông bà ngoại, một mình anh ở chung cư để khi đi làm phải vào những nơi có thể lây nhiễm, anh về nhà ở một mình coi như tự cách ly.

PV Độc Lập cũng có 2 tuần ở trong BV dã chiến 5D cùng PV Mai Thanh Hải. Lúc đó không phải chỉ đơn thuần là vào BV ăn ở, sinh hoạt cùng y bác sĩ để tác nghiệp nữa, 2 PV Thanh Niên còn chung tay cùng bác sĩ, nhân viên y tế giúp đỡ bệnh nhân đang điều trị Covid-19, từ hộp sữa cho trẻ sơ sinh có mẹ bị mất sữa khi nhiễm Covid-19, vận động xin rau củ quả để tăng cường dinh dưỡng cho những suất ăn, đi kêu gọi quyên góp để tổ chức tết Trung thu cho bệnh nhi ở BV dã chiến...

Hình ảnh được PV Độc Lập đăng lên mạng xã hội khiến chúng tôi “xót” nhất là khi anh “tắm” cho máy ảnh bằng cloramin B và cồn khi rời BV dã chiến. “Tôi cũng sợ máy ảnh sẽ “chết ngủm”, nhưng để đảm bảo an toàn, tránh bị lây nhiễm thì phải chấp nhận”, anh bộc bạch.

Phóng viên Mai Thanh Hải tặng sữa cho trẻ sơ sinh phải cùng gia đình vào điều trị Covid-19 tại bệnh viện dã chiến

NVCC

Cuộc gọi của chủ tịch thành phố và bản tin trên xe tuần tra

Ngày 5.8.2021, bài Biệt đội taxi chở F0 cấp cứu ở TP.HCM vừa đăng, một số điện thoại lạ gọi đến: “Em có phải Vũ Phượng - Báo Thanh Niên không?”. Nghe giọng hơi nghiêm trọng, tôi đáp: “Dạ đúng rồi”. Bên kia tiếp: “Anh là anh Phong, Chủ tịch UBND TP”. Nhiều suy nghĩ ập đến, tôi nghĩ Chủ tịch TP thì gọi mình làm gì cơ chứ, chắc ai chọc mình, nhưng rồi lại nghĩ: “Bài mình viết có gì sai hay sao mà chủ tịch gọi luôn trời!”. Lo là vậy, nhưng tôi vẫn bình tĩnh hỏi: “Dạ có gì không ạ?”. Anh Phong nói luôn: “Anh vừa đọc bài taxi cấp cứu F0 của em trên Thanh Niên. Cảm ơn em vì đã viết rất đúng về tình trạng dịch, về sự nỗ lực của TP để cấp cứu F0. Anh rất xúc động...”.

Sau đó, tôi được biết anh Phong cũng gọi tới tòa soạn chia sẻ về bài viết này. Cả Biệt đội taxi chở F0 cấp cứu ở TP.HCM và bài về Trung tâm cấp cứu 115 sau đó đều nhận được thư cảm ơn của Chủ tịch UBND TP.

Phóng viên Như Lịch tham gia Đội hậu cần tại Bệnh viện dã chiến số 12

H.N

Trước đó, ngày 26.7 - ngày đầu tiên TP.HCM hạn chế người ra đường sau 18 giờ, tôi cùng PV Ngọc Dương đi theo nhóm tuần tra của đội CSGT - TT Công an Q.Tân Bình. Hiếm hoi lắm mới thấy một chiếc xe đi trên đường, nhưng đập vào mắt tôi là một người đàn ông đeo khẩu trang, bao tay, kính chắn giọt bắn, trên xe có treo bình xịt khuẩn, chở theo một bình ô xy.

Sau vài câu phỏng vấn nhanh, được biết anh là Lê Đình Vân (ngụ TP.Thủ Đức) đang đi đổi bình ô xy về cho con trai bị u gan nguyên bào. Không có giấy đi đường, anh Vân chụp ảnh cậu con trai nằm trên giường bệnh, run rẩy trình CSGT lý do ra đường. Nhìn tấm ảnh, cả tôi và tổ công tác lặng người trước tình phụ tử thiêng liêng. Mọi người vội gửi anh chút chi phí đổi bình ô xy rồi chào tạm biệt. Tôi ngồi sau xe PV Ngọc Dương tiếp tục theo chân CSGT, vừa đi tôi vừa viết bài trên điện thoại, gửi ảnh và bài về tòa soạn để các anh chị biên tập viên đưa lên hệ thống tòa soạn. Ca tuần tra vẫn đang tiếp tục thì bài đã lên trang. Ông bố chở bình ô xy cứu con vừa về tới nhà, câu chuyện xúc động của anh cũng đã được chia sẻ khắp mạng xã hội. Chưa đầy một ngày sau, anh Vân nhận được hơn 500 triệu đồng các nhà hảo tâm chia sẻ với gia đình để chữa bệnh cho con.

Không chỉ PV chính thức, xuyên suốt mùa dịch, những PV tập sự như: Trần Xuân Khánh, Trần Tiến, Bích Ngân, Cao An Biên, Song Mai, Lê Hồng Hạnh… cũng có mặt ở các điểm nóng, bất kể mưa nắng, ngày đêm, để ghi nhận, gửi về tòa soạn những bài viết, thông tin nóng hổi trong cao điểm dịch.

Bạn Trần Xuân Khánh, từng vào BV dã chiến ở 1 ngày 1 đêm, tâm sự: “Em còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên được đi tác nghiệp, tiếp cận các điểm nóng chính là cơ hội để học hỏi. Em cẩn thận hết sức khi tác nghiệp, về tự cách ly theo dõi và sẵn sàng tiếp tục lên đường khi được phân công…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.