Tri ân bạn đọc tiếp sức cho một hành trình…

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
01/01/2022 06:30 GMT+7

Lời tri ân sâu sắc này đến với toàn thể bạn đọc sẽ không nói hết nỗi lòng của chúng tôi, những người làm Báo Thanh Niên, song tôi tin bạn đọc luôn luôn nghe thấy, đồng cảm và thấu hiểu sẻ chia…

Ngày cuối năm, Thanh Niên nhận được bài viết của một cộng tác viên viết về hình ảnh chàng trai trẻ Phạm Công Hải (Đồng Tháp), mất cả vợ con do đại dịch Covid-19 khi ở trọ tại Q.8 (TP.HCM). Về lại quê nhà, anh trở thành tình nguyện viên cưu mang đồng bào mình trong những ngày căng thẳng dịch giã.

Nhà báo Nguyễn Đức Tú, Trưởng ban Công tác bạn đọc Báo Thanh Niên và ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Quỹ tình thương Việt (giữa) cùng phụ huynh ký kết thỏa thuận bảo trợ trẻ mồ côi do Covid-19

ĐÀO NGỌC THẠCH

1. Lúc vợ của Hải mất tại Bệnh viện Từ Dũ, vào đầu tháng 8.2021, đứa con 7 tháng tuổi cũng “đi” theo mẹ, dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa. Hải bơ vơ, điếng người. Người anh họ là Th.S Nguyễn Phạm Hữu Hậu gửi email đến chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời đề nghị hỗ trợ. Và PV Thanh Niên đã ngay lập tức có mặt, an ủi động viên Hải, trao chút quà là tấm lòng của bạn đọc đã gửi đến tài khoản chương trình.

Nén nỗi đau, rời căn phòng trọ nơi mình tá túc, từng ôm ấp hy vọng đứa con thứ 2 ra đời sẽ là niềm vui nhân đôi của hai vợ chồng, đầu tháng 10.2021, Hải dắt đứa con thơ dại mới hơn 3 tuổi trở về quê nhà ở Lấp Vò, Đồng Tháp. Nghĩ suy bao đêm trong ý niệm vô thường, Hải vét túi, động viên người nhà cùng bắt đầu xây dựng quán cơm 0 đồng tại xã Tân Khánh Trung, để hỗ trợ người nghèo trong đại dịch Covid-19 đang dần lan xuống quê hương anh!

Cùng con đi tiếp cuộc đời

Những cơn đau tột cùng trong đại dịch ấy, cứ phả vào những người làm Báo Thanh Niên, nhưng đoạn cuối của câu chuyện đầy ắp tính nhân văn như vậy lại bừng lên chút hy vọng về tình người, giữa cuộc đời đang bủa vây khốn khó.

Ngay từ giữa tháng 9.2021, khi khởi sự chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời nhằm bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19, Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã lường hết mọi nỗi gian lao của một hành trình đằng đẵng khi nâng đỡ các cháu đến năm 18 tuổi. Nhưng vì đó là tôn chỉ nối vòng tay yêu thương của một tờ báo, nên đã nhận được sự thấu cảm, nhiệt tâm của bao bạn đọc.

Không chỉ anh Hải trong câu chuyện trên vươn dài cánh tay nâng đỡ người khác, mà mọi nơi mọi chốn, những cuộc điện thoại, những dòng thư đổ về qua email, điện thoại của chương trình. Bạn đọc của Thanh Niên, có người dâng trào cảm xúc thổn thức và ra quyết định rất nhanh: không chỉ bảo trợ các cháu đến tuổi học hết THPT, mà nối thêm chặng đường bảo bọc cho đến lúc học xong bậc đại học hoặc cao đẳng chuyên nghiệp.

Đó là các lãnh đạo Công ty CP dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), là bạn đọc Nguyễn Đăng Toàn (TP.Thủ Đức), bạn đọc Nguyễn Văn Tâm (Q.12)… Những bạn đọc ấy bảo rằng kéo dài thời gian bảo trợ thêm chút để các cháu có thể tự thân lập thân, tự định đoạt số phận đời mình khi tuổi đã chín hơn thêm 3, 4 năm!

Ông Nguyễn Đăng Toàn, một nhà bảo trợ nhận nâng đỡ 10 trẻ mồ côi trao số tiền bảo trợ tháng đầu tiên cho các cháu

ĐÀO NGỌC THẠCH

2. Những cảnh huống trớ trêu đẩy những em thơ, những người già vào tình cảnh chơi vơi trong thời đoạn khốc liệt nhất, đã đi vào và đánh thức trái tim rộn đập dòng chảy nhân ái của bao độc giả. Ngày 5.12.2021, một sự kiện vô cùng ý nghĩa đã diễn ra ở tòa soạn Báo Thanh Niên tại TP.HCM và TP.Hà Nội, cùng với đầu cầu TP.Đà Nẵng là văn phòng đại diện Báo Thanh Niên miền Trung. Cuộc kết nối các nhà bảo trợ ngụ ở 3 miền Bắc - Trung - Nam để bảo trợ cho 34 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 ở các quận Bình Tân, Gò Vấp, Q.8 và H.Bình Chánh (TP.HCM) là một dấu ấn khiến ai cũng nhớ mãi, trong đó có lẽ các cháu mồ côi được bảo trợ sẽ mang theo suốt chặng đời sau này của mình.

Vài ngày sau, anh Đ.X.H ở Hà Nội, cán bộ của một ngân hàng, đã ký kết bảo trợ cho em L.V.K từ đầu cầu miền Bắc, thông báo cho người viết rằng: “Em bị nhiễm Covid-19 rồi anh ơi, muốn vào TP.HCM gặp các anh trong chương trình và thăm bé K., nhưng bây giờ phải nán lại, đi điều trị đã. Khi nào lành bệnh và có điều kiện, em sẽ bay vào ngay”.

Tôi nhận dòng tin nhắn, lặng người mất một lúc. Người đàn ông nói câu trăn trở hôm nào: “Tôi sẽ xem bé K. như con ruột của mình”, đang lục tục hành trang chuẩn bị vào bệnh viện dã chiến để chống đỡ với căn bệnh quái ác, đúng 8 ngày sau khi ký kết bảo trợ cho một đứa trẻ mồ côi ở TP.HCM, đó là ngày 13.12!

Và cũng ngay thời khắc ấy, nghĩa cử của các nhà hảo tâm 3 miền vẫn tiếp tục đến với chương trình, kết tụ lại thành một tiếng lòng chung, hòa vào nhau như một dòng sông nhân ái, khó ai quên được.

Từ nguồn tiền đóng góp của bạn đọc, tác giả bài viết đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ 4 cháu mồ côi ở H.Củ Chi vào ngày 2.10.2021

BÙI CHIẾN

3. Dù đã viết nhiều bài báo để đăng, kêu gọi bạn đọc đến với chương trình, song có lẽ bài viết ngày đầu năm mới này khiến tôi thao thức nhiều nhất. Bởi lẽ, thời điểm này, cả thế giới bước sang năm thứ 22 của thiên niên kỷ 21, nhiều nơi vẫn đang oằn mình chống dịch. Con số những người “bỏ quên” hơi thở, từ giã cõi đời vì Covid-19 vẫn chưa dứt. Ví như hôm 2.12.2021, đi cùng đoàn công tác của một nữ cán bộ Sở Ngoại vụ TP.HCM được sự ủy quyền của một số kiều bào xa xôi ở Bỉ, phối hợp với chương trình để về trao tiền hỗ trợ cho các cháu mồ côi ở Q.8 và H.Bình Chánh.

Bà Trần Thanh Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.8, báo cho chúng tôi một con số: “Lúc chúng tôi cung cấp danh sách cho các anh (vào thời điểm cuối tháng 10.2021) là 288 cháu mồ côi, nhưng bây giờ đã lên 368 cháu rồi”. Ai nấy hầu như không tin vào tai mình, nhưng đó là sự thật. Một sự thật nghiệt ngã khi ánh nhìn chiếu về phía những mái đầu xanh thơ trẻ. Phía sau những em này, còn có bao em bé khác tiếp tục mồ côi…

Bà Ngô Thị Hồng Loan, người nữ cán bộ hưu trí ấy, chỉ còn biết nói rằng: “Tôi sẽ tiếp tục cố gắng vận động, để vơi bớt, dịu đi chút nào nỗi đau này của các cháu”. Và sau câu nói, có lẽ đôi chân của người phụ nữ ấy dù đã ở tuổi hưu, nhưng vẫn chưa thể nghỉ ngơi được. Như bao bạn đọc khác, già trẻ gái trai đều hướng về chương trình với tấm lòng nhân hậu của mình!

Vĩ thanh

Trong chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời, đã qua 6 đợt ký kết thỏa thuận bảo trợ cho các cháu mồ côi với hơn 130 cháu và trao hỗ trợ khẩn cấp hàng tỉ đồng bạn đọc đóng góp, dù rất nỗ lực, chúng tôi thấy vẫn chưa thấm vào đâu với những gì đã diễn ra và đang tiếp tục diễn ra. Dường như câu chuyện này khó có hồi kết, bởi ở đâu đó trên thế giới, phần nào kiểm soát được Delta, thì lại xuất hiện thêm Omicron.

Riêng với TP.HCM, dù chỉ một tín hiệu bớt người nhiễm bệnh, bớt nhân mạng tử vong, là không ai bảo ai thở phào một chút. Như có hôm buổi trưa, khi nghe con số các cháu mồ côi tăng lên, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhắn một câu giao nhiệm vụ: “Làm cách nào để đẩy mạnh hơn nữa chương trình, giúp được nhiều cháu bé mồ côi nhất có thể”!

Hình dung có lẽ sau những giờ làm việc xuyên thời gian, với câu nhắn buổi trưa ấy, người sếp đã từng đưa ra ý tưởng của chương trình nâng đỡ trẻ mồ côi sẽ không nghỉ ngơi nữa. Và chúng tôi, cũng không cho phép mình nghỉ ngơi, như truyền thống của Báo Thanh Niên bao năm qua, luôn bước cùng với nỗi đau và mất mát của đồng bào mình.

Một ngày mới đã bắt đầu. Tin rằng với lời tri ân sâu sắc này đến với toàn thể bạn đọc sẽ không nói hết nỗi lòng của chúng tôi, những người làm báo Thanh Niên, song tôi tin bạn đọc luôn luôn nghe thấy, đồng cảm và thấu hiểu sẻ chia…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.