4 cách cải thiện độ nhạy insulin cho người bệnh tiểu đường

Ngọc Quý
Ngọc Quý
20/09/2022 09:06 GMT+7

Đường glucose trong máu khi kết hợp với hoóc môn insulin sẽ được đưa vào tế bào để cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động. Ở bệnh nhân tiểu đường, độ nhạy insulin kém sẽ làm đường huyết tăng cao.

Độ nhạy insulin là khả năng phản ứng của cơ thể trước hoóc môn insulin. Độ nhạy insulin cao sẽ giúp tế bào hấp thụ đường tốt và sử dụng hiệu quả lượng đường trong máu, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Nếu độ nhạy insulin cao thì cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ insulin để hấp thụ đường. Tuy nhiên, độ nhạy insulin kém thì cơ thể phải cần một lượng lớn insulin để tế bào hấp thụ đường.

Trong trường hợp cơ thể không nhạy cảm với insulin gọi là kháng insulin. Khi đó, người mắc sẽ có nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường loại 2. Hầu hết những người bị tiểu đường loại 2 là do tuyến tụy không tiết ra insulin hay cơ thể không phản ứng với insulin, dẫn đến đường huyết tăng cao.

Để tăng độ nhạy insulin, mọi người có thể áp dụng những cách sau:

Ăn chế độ ít tinh bột trắng

Cơ thể sẽ chuyển hóa tất cả tinh bột ăn vào thành đường. Do đó, ăn ít tinh bột sẽ giúp giảm đường huyết và tăng độ nhạy insulin.

Không những vậy, khi ăn tinh bột, đường huyết trong máu sẽ tăng cao. Khi đường huyết giảm thì cơ thể sẽ cảm thấy đói và kích thích ăn thêm. Vì vậy, ăn ít tinh bột hơn cũng giúp giảm cảm giác thèm ăn.

Giảm ăn đường

Để cải thiện độ nhạy insulin, mọi người cần tránh ăn đường và các món có nhiều tinh bột trắng

SHUTTERSTOCK

Trong các loại thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày thì đường và các món có vị ngọt để thêm vào thức ăn như siro, sữa đặc được xem là có nguy cơ cao nhất gây tiểu đường loại 2.

Các món ăn tự nhiên có vị ngọt như trái cây, rau củ không được xem là có nguy cơ gây tiểu đường nếu ăn một cách điều độ. Thậm chí, chúng còn ngăn nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, trong đó có tiểu đường.

Giảm cân nếu cần thiết

Các nghiên cứu cho thấy giảm từ 5 - 7 % trọng lượng cơ thể sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và cải thiện độ nhạy insulin. Lợi ích này có được là nhờ giảm được lượng mỡ nội tạng ở phần bụng.

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy mỡ nội tạng có liên kết chặt chẽ với các biến chứng chuyển hóa, chẳng hạn như tiểu đường loại 2 ở người béo phì.

Tập thể dục 150 phút/tuần

Tập luyện thường xuyên là cách hiệu quả giúp cải thiện độ nhạy insulin

SHUTTERSTOCK

Để đảm bảo sức khỏe, một người được khuyến cáo nên tập luyện cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần. Nếu tập cường độ cao thì chỉ cần 75 phút/tuần.

Tập luyện thường xuyên giúp cải thiện đáng kể sức khỏe, trong đó có cải thiện độ nhạy insulin. Không những vậy, vận động thể chất còn giúp giảm mỡ thừa, giảm viêm ở những người mắc tiểu đường loại 2 hay bệnh tim, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.