Khoản tiền 893 tỉ đồng nằm trong khoản vốn chi thường xuyên của nhà nước cho sự nghiệp thể dục thể thao. Năm 2019, thể thao Việt Nam được chi gần 600 tỉ đồng, năm 2020 là gần 800 tỉ đồng và năm 2021 là gần 860 tỉ đồng.
Ngành thể thao sẽ phân bổ số tiền 893 tỉ đồng của năm 2023 cho những “hạng mục” sau: Chi cho hoạt động của bộ máy điều hành ngành thể thao; tiền ăn - tiền lương của các đội tuyển quốc gia (dự kiến sẽ triệu tập khoảng 2.700 VĐV, 540 HLV, 28 chuyên gia, trong đó đội tuyển trẻ quốc gia gồm 1.200 VĐV, 247 HLV); thuê chuyên gia nước ngoài cho một số đội tuyển (trừ bóng đá, lương của tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, người sẽ thay ông Park sau AFF Cup 2022, sẽ do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lo liệu).
Nhà nước không chi kinh phí trả lương cho các HLV ngoại của đội tuyển bóng đá |
MINH TÚ |
Ngoài ra còn chi cho công tác tổ chức, thi đấu của các môn thể thao; mua sắm trang thiết bị, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất tại 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) và tại Đại học TDTT Bắc Ninh; tiền thưởng cho đoàn thể thao Việt Nam tại các đại hội thể thao như SEA Games 32, ASIAD 19, Đại hội thể thao bãi biển thế giới, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật lần thứ 6...
Các bộ môn của Tổng cục TDTT cũng sẽ lên kế hoạch cụ thể các hoạt động trong năm 2023 kèm kinh phí để lãnh đạo ngành thể thao xem xét. Từ đó, mỗi bộ môn sẽ được nhận khoản tiền đầu tư được trích từ nguồn 893 tỉ đồng nói trên. Các năm trước, bóng đá được nhận đầu lớn vào khoảng 30 tỉ đồng vì số lượng các đội tuyển bóng đá cấp độ đội tuyển, đội trẻ rất lớn. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của bóng đá Việt Nam cần số tiền ít nhất 200 tỉ đồng/năm. Do đó, khoản chi của nhà nước cho môn thể thao "vua" là quá ít.
Nhà nước không cấp kinh phí hoạt động cho sân Mỹ Đình |
MINH TÚ |
Còn điền kinh - môn thể thao “nữ hoàng” được cấp khoảng 3,3 tỉ đồng. Trong đó số tiền phục vụ đội tuyển điền kinh tập huấn tại Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc vào khoảng 1,6 tỉ đồng. Số còn lại chi cho các đợt thi đấu quốc tế với số tiền dao động từ 180 triệu đồng - 300 triệu đồng/đợt.
Ngoại trừ bóng đá, điền kinh là bộ môn được cấp vốn hoạt động nhiều nhất nhưng so với nhu cầu thực tế cũng chỉ như muối bỏ bể. Các môn thể thao khác, được nhận đầu tư từ 2 tỉ đồng - 3 tỉ đồng/năm.
Xin được nói kỹ hơn, trong khoản tiền 893 tỉ đồng, không có khoản chi cho Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình vì đơn vị này hiện được giao nhiệm vụ tự chủ 100%.
Ngoài khoản 893 tỉ đồng chi cho sự nghiệp thể dục thể thao, nhà nước còn chi gần 10 tỉ đồng cho sự nghiệp y tế của thể thao (đơn vị được cấp kinh phí là Bệnh viện thể thao Việt Nam); chi gần 10 tỉ đồng cho sự nghiệp khoa học của thể thao (đơn vị được cấp tiền là Viện Khoa học TDTT).
Bình luận (0)