Ám ảnh bên trong các mỏ than Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
03/01/2020 07:15 GMT+7

Những vụ tai nạn chết người đang xảy ra nhiều hơn khi Trung Quốc gia tăng sản lượng khai thác than.

Trung Quốc đang xây thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than và hiện là nước sản xuất, sử dụng than đá nhiều nhất thế giới. Theo tờ South China Morning Post, cùng với nhu cầu than gia tăng vào mùa đông, các mỏ than đang tăng cường khai thác và nhiều nơi đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của thợ mỏ, dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Đáng báo động

Theo Reuters, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc là khoảng 1.020 GW, chưa kể hơn 226 GW của các dự án được duyệt. Chỉ riêng tổng công suất của các nhà máy này chiếm đến 40% các dự án đang quy hoạch trên thế giới.
Trong năm 2018, than cung cấp khoảng 59% nhu cầu năng lượng ở Trung Quốc. Theo chuyên gia Vương Đan thuộc đơn vị nghiên cứu của tờ The Economist, Trung Quốc giảm mạnh khai thác than vào năm 2015 khi cải cách công nghiệp, với sản lượng từ 3,97 tỉ tấn vào năm 2013 xuống 3,41 tỉ tấn vào năm 2016. Tuy nhiên, nhu cầu cao khiến sản lượng tăng trở lại vào năm 2017, đạt 3,68 tỉ tấn vào năm 2018 và tăng 4,5% chỉ trong 11 tháng của năm 2019.
Song song đó, các vụ tai nạn xảy ra thường xuyên hơn, trong đó có vụ nổ mỏ than tại tỉnh Quý Châu vào ngày 17.12.2019 khiến 14 công nhân thiệt mạng. Một ngày sau, 5 công nhân thiệt mạng trong vụ sập mỏ than tại tỉnh Tứ Xuyên và 13 người bị kẹt đến 4 ngày mới được giải cứu.
Các tai nạn khiến Ban Giám sát an toàn mỏ than quốc gia khuyến cáo các công ty khai thác than trên cả nước chú ý đến an toàn, đồng thời cho biết trong vòng 1 tháng trước vụ nổ ở Quý Châu đã xảy ra 4 tai nạn mỏ than khác khiến 43 người thiệt mạng.
Dù chưa có số liệu chính thức từ cơ quan chức năng, tổ chức bảo vệ quyền lợi công nhân China Labour Bulletin có trụ sở ở Hồng Kông cho biết năm 2019 đã xảy ra 90 vụ tai nạn mỏ than ở Trung Quốc khiến 219 người thiệt mạng, tăng mạnh so với con số 79 vụ và 160 người thiệt mạng trong năm 2018.

Nguy cơ chực chờ

Theo South China Morning Post, cơ quan chức năng chỉ trích các công ty đặt lợi ích tài chính lên trên sự an toàn của công nhân. Điều tra ban đầu cho thấy công ty ở Quý Châu thậm chí không báo cáo về vụ nổ ngày 17.12.2019 trong thời gian quy định.
Bên cạnh đó, Giám đốc truyền thông Geoffrey Crothall của China Labour Bulletin cho biết việc Trung Quốc giảm rồi lại tăng khai thác than cũng dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn chết người. “Các mỏ than không được khai thác trong nhiều tháng, nhiều năm đột nhiên mở cửa trở lại. Đây là giai đoạn rất nguy hiểm. Nhiều công ty khai thác phớt lờ những nguy hiểm này và tiếp tục khai thác nhằm tìm kiếm lợi nhuận”, ông phân tích.
Ở một góc độ khác, Giáo sư Thành Vô Kỷ tại Đại học Địa chất Trung Quốc cho rằng có những công ty thuộc sở hữu nhà nước gia tăng sản lượng nhưng công nghệ quá lạc hậu nên khó tránh khỏi nguy cơ xảy ra tai nạn.
Ô nhiễm kim loại
Theo tờ The Washington Post, nhiều mỏ quặng kim loại ở các tỉnh phía nam Trung Quốc trải dài đến biên giới VN không chỉ xảy ra tai nạn chết người mà còn thải chất độc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho biết những lò nấu quặng khiến hàm lượng asen trong bụi ở khu Đại Xưởng cao hơn 100 lần so với mức cho phép. Tại Quảng Tây, nhiều cánh đồng bỏ hoang vì bị ô nhiễm chì và cadimi, trong khi người dân bị dị dạng do nhiễm kim loại nặng.
Vào tháng 11.2019, cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo chi 4 tỉ USD (92.690 tỉ đồng) nhằm tẩy độc đất, dù đây chỉ là một phần nhỏ so với con số 1.000 tỉ USD cần thiết để tẩy độc toàn bộ diện tích đất ô nhiễm trên cả nước theo ước tính của giới chuyên gia nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.